Đó là những gì chúng tôi cảm nhận được tại khu vực biển lở Hàm Tiến - Mũi Né - nơi trung tâm phát triển du lịch của tỉnh.
Mất khách vì biển xâm thực…
Hiện đã vào mùa đón khách quốc tế, nhưng bên trong các resort cũng như ngoài bãi biển “rách nát” vì xâm thực, vắng khách hơn so cùng thời điểm năm trước. Chị Phạm Thị Hồng Phương - chủ doanh nghiệp du lịch trong khu vực chỉ tay phía nhà hàng nói: Thời điểm này, vào năm ngoái nhà hàng không còn chỗ ngồi, nhưng năm nay vắng khách như thế đấy.
Vắng khách, theo các doanh nghiệp có nhiều nguyên nhân nhưng đối với khu vực biển lở này chủ yếu do xâm thực - “thủ phạm” cướp đi bãi biển vốn là không gian lý tưởng và được xem là “cần câu cơm” mang lại nguồn thu cho không chỉ doanh nghiệp mà còn cho tỉnh. Mất bãi biển là mất đi lợi thế lớn nhất của du lịch biển. Bởi con người đang ngày càng có xu hướng trở về với thiên nhiên, biển cả.
Tình trạng xâm thực biển từng diễn ra trong khu vực, nhưng không dữ dội như thời gian qua. Nhiều doanh nghiệp làm kè để bảo vệ khối tài sản, song không đồng bộ gây sạt lở nghiêm trọng cho nơi khác, do quy luật của thủy triều được chỗ này phá chỗ khác. Phần lớn các doanh nghiệp du lịch đang sử dụng túi vải mềm công nghệ Hà Lan để ngăn sóng. Những doanh nghiệp trước đây làm kè bằng bê tông, cũng làm thêm kè túi vải để giảm tác động.
Doanh nghiệp như ngồi trên “đống lửa”
Dọc bờ biển từ khu phố 1 Hàm Tiến về phía Mũi Né vài km hiện đã mất bãi, biển ăn sâu vào đất liền do ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc thổi mạnh, kết hợp với sóng biển dâng cao. Những ngày qua biển lại tiếp tục xâm thực khiến doanh nghiệp vốn đứng ngồi không yên. Một số doanh nghiệp chưa làm kè mềm như Sunside, Full Moon… cố tìm cách giữ lại khối tài sản của mình. Chị Phương chia sẻ, chị đang đi vay tiền để làm kè, các resort khác đã làm, mình không làm sẽ nguy hiểm. Nhìn viễn cảnh kinh doanh, chị thấy lo vì không có bãi biển, hiện không ít du khách đến, thấy không có bãi biển đã yêu cầu trả lại tiền, trong khi tiền thuế vẫn đóng, lương nhân viên vẫn trả.
Tất cả họ như đang ngồi trên “đống lửa” khi nguồn thu mất dần vì khó thu hút khách, nguy cơ phá sản nếu biển xâm thực tiếp tục. Các doanh nghiệp mong Nhà nước đưa ra biện pháp cứu cảnh quan do việc làm kè tự phát, mạnh ai nấy làm không có một quy hoạch cụ thể. Nên tổ chức các cuộc họp giữa các bên như Nhà nước và doanh nghiệp, thậm chí cả người dân để đưa ra những sáng kiến và tìm kinh phí giải quyết. Anh Hà - quản lý một resort cho biết, chúng tôi rất mong chính quyền địa phương tổ chức các cuộc họp mời tất cả các chủ doanh nghiệp trong khu vực, chứ không phải một số doanh nghiệp như đã từng tổ chức để cùng ngồi lại bàn đưa ra phương án, giải pháp cụ thể để chúng tôi có hy vọng và cảm thấy an toàn, yên tâm kinh doanh.
Trước thực trạng trên, thời gian qua, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp - PTNT phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương khảo sát, nghiên cứu sớm đưa ra đề xuất, giải pháp căn bản để giải quyết tình trạng này. Thời gian tới, rất cần sự quyết tâm, tích cực hơn nữa để giải quyết căn cơ tình trạng biển xâm thực, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động du lịch tại khu vực, góp phần thúc đẩy du lịch Bình Thuận phát triển bền vững.
Theo Sở Nông nghiệp & PTNT: Kè biển là công trình phức tạp vì liên quan đến nhiều yếu tố như dòng chảy ven bờ, chế độ thủy triều, sóng gió… |
Lê Ninh