Theo dõi trên

Biển xanh, cát trắng, nắng vàng giữa mùa dịch

14/02/2020, 08:42

BT- Không được đưa - đón khách từ vùng dịch; tạm dừng các lễ hội, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao; đóng cửa các khu di tích, danh thắng; hủy các sự kiện, hội nghị, hội thảo; người dân trong nước hạn chế đi du lịch; khách quốc tế e ngại đến khu vực châu Á... Ngay đầu năm mới du lịch đã gặp khó chồng khó. Tổng Cục du lịch dự báo trong 3 tháng tới nếu dịch virus corona kéo dài, thiệt hại của ngành du lịch Việt Nam sẽ vào khoảng 7 tỷ USD.

Du lịch Bình Thuận ít lệ thuộc vào thị trường khách Trung Quốc, nên không bị thiệt hại nặng như Đà Nẵng, Khánh Hòa, Quảng Ninh... nhưng cũng đang gặp khó. Số lượng khách đến Bình Thuận đã và đang giảm xuống. Nhiều đoàn khách hủy tour, hủy phòng đã đặt trước đó, hoặc rút ngắn thời gian lưu trú. Các cơ sở chuyên đón khách Trung, khách châu Á, khách nội bị ảnh hưởng rõ rệt. Các cơ sở chuyên khách Nga, khách châu Âu thì ít bị ảnh hưởng, vẫn giữ được công suất sử dụng phòng. Hình ảnh du khách quốc tế hồn nhiên tắm biển, phơi nắng, lướt ván trên bãi biển Mũi Né ngập tràn nắng ấm, khiến mọi người cảm giác như du lịch Bình Thuận không bị ảnh hưởng gì từ dịch bệnh. Nhưng dù mức độ ảnh hưởng không đều và chưa có con số thống kê cụ thể về thiệt hại, nhưng các thành viên của Hiệp Hội du lịch Bình Thuận đều dự cảm những khó khăn đang đến nếu dịch bệnh kéo dài.

Du lịch là “mũi nhọn”, là ngành kinh tế tổng hợp có tác dụng lôi kéo, thúc đẩy các ngành - nghề khác cùng phát triển theo. Vì thế khách du lịch không đến Bình Thuận thì tất cả các ngành nghề kinh doanh - dịch vụ liên quan đến du lịch đều bị ảnh hưởng, chứ không chỉ các cơ sở lưu trú, hay các doanh nghiệp lữ hành.

Vì thế giám đốc Sở VH-TT-DL Ngô Minh Chính luôn nhắc nhở các doanh nghiệp du lịch phải vừa thực hiện nghiêm túc các quy định phòng chống dịch, vừa phải ứng xử văn minh, lịch sự với mọi đối tượng khách đến, cả khách nội địa và khách quốc tế, tuyệt đối không được vì quá lo sợ dịch mà kỳ thị, hắt hủi du khách. Bởi vì xét cho cùng thì dịch bệnh rồi cũng sẽ qua, nhưng thương hiệu Bình Thuận là điểm đến an toàn - thân thiện thì phải giữ mãi.

Nhiệm vụ trước tiên là phải tập trung phòng chống dịch hiệu quả, hầu hết cơ sở lưu trú đã chấp hành đầy đủ các quy định của Chính phủ, của Bộ VH-TT-DL và UBND tỉnh như: Bố trí khu vực riêng dành cho khách Trung Quốc ở; tăng cường vệ sinh, khử trùng tại cơ sở; đeo khẩu trang, đo thân nhiệt, điều tra khách đến từ vùng nào, nhập cảnh vào Việt Nam lúc nào, để theo dõi tình hình sức khỏe của khách đang lưu trú.

Việc cần làm lúc này là đẩy mạnh quảng bá điều kiện tự nhiên tốt, các thế mạnh thể thao - nghỉ dưỡng tuyệt vời của một vùng biển xanh - cát trắng - nắng vàng để thu hút khách. Theo các chuyên gia y tế, tốc độ lây lan và thời gian tồn tại của virus corona tùy thuộc vào điều kiện môi trường, môi trường nhiều nắng gió, tia cực tím, virus tồn tại rất ngắn. Nhưng thời tiết lạnh ẩm thì virus tồn tại lâu, tới 5 ngày. Bình Thuận nổi tiếng nắng, gió, khô hạn, đã biến cái khắc nghiệt thành lợi thế phát triển điện gió, điện mặt trời. Lần này cái khắc nghiệt nắng - gió của Bình Thuận cũng là một “lợi thế” hạn chế tối đa virus corona lây lan. Hình như đại dịch SARS năm 2003 cũng không “vào” được Bình Thuận.

Hy vọng dịch virus corona được khống chế, đẩy lùi, để Bình Thuận có thể tổ chức lễ hội “Bình Thuận-Hội tụ xanh” lần 2 đúng theo kế hoạch, vừa kỷ niệm 45 năm giải phóng Bình Thuận, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, vừa đẩy mạnh quảng bá, kích cầu, để phục hồi đà tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch.

KHÔI NGUYÊN



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Biển xanh, cát trắng, nắng vàng giữa mùa dịch