Theo dõi trên

Bình Thuận cần tăng cường kiểm soát tàu đánh bắt xa bờ

19/01/2018, 09:47

BT- Sáng 14/1, tại cảng Cát Lái (TP.HCM) diễn ra lễ xuất khẩu lô hàng thủy sản đầu tiên của năm 2018. Đây cũng là sự kiện đánh dấu Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu thủy sản 8,3 tỷ USD trong năm 2017 và hướng đến mục tiêu 10 tỷ USD vào năm 2020.

Ảnh minh họa

Trở ngại đầu tiên Việt Nam phải vượt qua là “thẻ vàng” của Liên minh châu Âu. Trong thời hạn 6 tháng (từ tháng 10/2017 - 4/2018), Việt Nam phải khắc phục tình trạng khai thác bất hợp pháp, nếu không muốn bị “thẻ đỏ” đồng nghĩa với hải sản Việt Nam bị cấm xuất khẩu vào EU.

Do thời gian cấp bách, hàng ngày Đài Truyền hình Việt Nam liên tục phát đi kêu gọi bà con ngư dân chỉ đánh bắt trong vùng biển của Việt Nam, không xâm phạm vùng biển nước bạn.

Đồng thời 9 tỉnh, thành có tàu cá và ngư dân xâm phạm lãnh hải nước ngoài (trong đó có Bình Thuận) đang ráo riết áp dụng các biện pháp ngăn chặn đánh bắt bất hợp pháp.

Việt Nam có hàng vạn tàu đánh bắt xa bờ (ĐBXB) nhưng việc kiểm soát hoạt động tàu cá đang rất khó khăn. Hiện mới có khoảng 12.000 tàu cá (chiếm 1/3 tàu ĐBXB) có thiết bị giám sát hành trình. Một khảo sát gần đây cho thấy: rất nhiều tàu cá có lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, nhưng không bật thiết bị.

Việc truy xuất nguồn gốc xuất xứ hải sản ngay tại cảng cá, để biết rõ cá này đánh bắt tại vùng biển nào (theo khuyến nghị của Ủy ban châu Âu) cũng không dễ dàng. Nghề cá của ta còn rời rạc, manh mún, mạnh ai nấy làm, nếu hỏi cá này khai thác ở đâu? Thì dù có khai thác ở nước ngoài, bà con ngư dân cũng khai ở trong nước, Ban quản lý cảng cá làm sao biết được?

Một thực tế: còn nhiều ngư dân chưa biết chữ. Có trường hợp kiểm tra nhật ký khai thác, tọa độ khai thác mà bà con khai báo lại nằm trên… đỉnh núi!

Quá nhiều khó khăn đòi hỏi Việt Nam phải có quyết tâm cao, hành động quyết liệt mới mong ngăn chặn được nạn khai thác bất hợp pháp. Ông Huỳnh Quang Huy (Chi cục Thủy sản Bình Thuận) cho rằng: Trung ương phải nhanh chóng triển khai hệ thống giám sát tàu cá ĐBXB, đây là khâu rất quan trọng nhưng đang là một lỗ hổng lớn… Đồng thời phải có biện pháp để mọi tàu ĐBXB phải lắp thiết bị giám sát hành trình và phải mở 24/24h.

Bình Thuận có 7.700 tàu thuyền, trong đó hơn 2.000 tàu ĐBXB nên việc kiểm soát hoạt động của tàu cá khi ra khơi gặp nhiều khó khăn. Thường chỉ khi tàu cá nào vi phạm bị nước ngoài bắt giữ, thì chính quyền mới biết. Thậm chí có trường hợp tàu cá bị nước ngoài bắt giữ cả tháng, địa phương vẫn không hay biết.

Năm 2017 vừa qua, dù đã giảm nhiều so với các năm trước, nhưng vẫn có 6 vụ/8 tàu/84 ngư dân Bình Thuận xâm phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, rất nhiều người chưa được thả về dù Tết Nguyên đán đã cận kề.

Trách nhiệm Bình Thuận phải chung tay góp sức với cả nước ngăn chặn khai thác bất hợp pháp. Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn đã yêu cầu Bình Thuận đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, kiên quyết xử lý vi phạm để răn đe. Trước ngày 30/6/2018 Bình Thuận phải chấm dứt được tàu cá khai thác trái phép ở vùng biển nước ngoài. Đây là một nhiệm vụ rất khó khăn cho chính quyền các vùng biển có nhiều tàu cá vi phạm như La Gi, Phú Quý, Phan Thiết.

Chi cục Thủy sản đang liên tục phối hợp với các đồn biên phòng, chính quyền các huyện, thị xã, thành phố vùng biển mở các lớp tuyên truyền tập huấn cho ngư dân, nậu vựa hiểu rõ quy định pháp lý và hậu quả phải gánh chịu nếu vi phạm vùng biển nước ngoài. Cơ quan chức năng cũng đang tăng cường kiểm tra hoạt động tàu cá, từ khi xuất bến đến khi trở về, nhất là tàu ĐBXB.

Thời hạn 6 tháng EU đưa ra còn rất ít, phải hành động quyết liệt, khẩn trương. Trước tiên phải thay đổi phương pháp dân vận của chính quyền, làm sao nội dung tuyên truyền vận động phải đến được với bà con ngư dân quanh năm “bán mặt cho biển, bán lưng cho trời”. 

Đặng Dũng



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận cần tăng cường kiểm soát tàu đánh bắt xa bờ