Thưa ông, ở Trung Quốc đang bùng phát dịch cúm A(H7N9) trên gia cầm. Ông đánh giá như thế nào về mức độ lây nhiễm sang Việt Nam nói chung và Bình Thuận nói riêng?
Hiện nay, tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp dịch cúm A (H7N9). Việt Nam chưa ghi nhận các trường hợp mắc cúm A(H7N9), nhưng với sự giao lưu thương mại, du lịch lớn với Trung Quốc và việc nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm vào nước ta chưa được kiểm soát chặt chẽ, nguy cơ xâm nhập virus cúm A (H7N9) từ vùng có dịch vào nước ta là rất lớn, nhất là đối với các tỉnh biên giới phía Bắc. Tỉnh Bình Thuận tuy rằng không có giáp biên giới nhưng vấn đề giao lưu hàng hóa thì vẫn có. Do đó, Bình Thuận luôn trong tinh thần triển khai phòng chống dịch cúm gia cầm A (H7N9). Đặc biệt, không chỉ riêng H7N9 mà còn những bệnh cúm khác.
Loại cúm A/H7N9 có dễ dàng lây qua người không? Và lây dưới hình thức nào thưa ông?
Đối với H7N9, ở Việt Nam chưa có xuất hiện. Tuy nhiên, trước những thông tin cho thấy ở nước ngoài cũng đã có nhiều trường hợp chết vì nhiễm cúm A H7N9. Theo những thông tin mà tôi được biết, hiện tại cũng chưa xác định được bệnh này lây giữa người sang người, mà có vấn đề lây giữa gia cầm sang người. Vì vậy, trong chăn nuôi gia cầm, chúng ta phải đặc biệt lưu ý. Đối với những người thường tiếp xúc với gia cầm như: người chăn nuôi, người giết mổ, thậm chí những người tiêu thụ thì phải thực hiện tiêu thụ gia cầm có nguồn gốc rõ ràng.
Bình Thuận là một trong những tỉnh phát triển ngành chăn nuôi. Vậy ông khuyến cáo người chăn nuôi chủ động phòng, chống loại bệnh này như thế nào?
Bình Thuận trong những năm qua phát triển mạnh về chăn nuôi gia cầm. Đặc biệt là những trang trại chăn nuôi gà và những cơ sở chăn nuôi vịt. Trong thời gian gần đây, ngoài những đàn vịt chạy đồng thì bà con nông dân cũng phát triển các đàn vịt siêu thịt, siêu nạc với số lượng lớn.Vì vậy, việc phòng chống dịch bệnh cho đàn gia cầm rất cần thiết và quan trọng. Riêng về vấn đề cúm, ngành Thú y khuyến cáo người chăn nuôi cần thực hiện chăn nuôi an toàn, đặc biệt đối với chăn nuôi gia cầm. Không chăn, thả gia cầm ở những nơi không an toàn về dịch bệnh. Đặc biệt, những nơi có nguồn nước ô nhiễm hoặc những vùng lưu hành của mầm bệnh. Bên cạnh đó, người chăn nuôi bao giờ cũng phải chú ý đến khâu tiêm phòng, nhất là tiêm phòng cúm và một số loại vacxin như vacxin dịch tả vịt.Trong đó, cần thực hiện tiêm phòng một cách chặt chẽ, đúng quy trình, đúng kỹ thuật.
Thưa ông, liên quan đến bệnh dịch tả vịt vừa mới xảy ra trên địa bàn huyện Đức Linh. Ông có thể cho biết nguyên nhân tại sao và khuyến cáo người chăn nuôi vấn đề gì?
Thực ra bệnh dịch tả vịt cũng không phải là bệnh lạ. Trước đây, trong chăn nuôi vịt rất thường xảy ra bệnh này. Nhiều năm nay, do công tác tiêm phòng, bà con nông dân đã làm tương đối tốt nên chăn nuôi ổn định. Gần đây, có trường hợp nhiều nông dân ở Đức Linh chủ quan nên đã xảy ra bệnh dịch tả vịt tại các địa bàn Đức Tài và Đức Chính. Đây là một bệnh truyền nhiễm của vịt, gây tử số rất cao, có thể chết gần 100% đàn. Và biện pháp phòng bệnh chỉ phòng bệnh bằng Vacxin, chứ không điều trị được. Do đó bà con nông dân nên lưu ý tới bệnh này. Bên cạnh, việc phòng bệnh cúm gia cầm thì nông dân phải quan tâm tới bệnh dịch tả gia cầm vịt và coi biện pháp tiêm phòng cho đàn vịt là biện pháp bắt buộc để khống chế loại bệnh này. Nếu người nông dân quan tâm và thực hiện tốt việc tiêm phòng thì đàn gia cầm sẽ được bảo vệ khỏi bệnh này một cách dễ dàng.
Ngọc Diệp