Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục về du lịch
Các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, đoàn thể làm tốt công tác quán triệt, tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò của du lịch; phát triển du lịch là nhiệm vụ quan trọng cần tập trung mọi nguồn lực để thực hiện với quyết tâm và trách nhiệm cao nhất.
Phát huy tính chủ động, sáng tạo của chính quyền các cấp trong khai thác tài nguyên du lịch để phát triển ở địa phương; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, xây dựng văn hóa ứng xử lành mạnh, thân thiện của người dân và du khách trong hoạt động du lịch; thực hiện tốt việc bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của dân tộc.
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng quy hoạch, đề án phát triển du lịch
Trên cơ sở “Chiến lược phát triển sản phẩm du lịch Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã được phê duyệt để tiến hành rà soát, điều chỉnh, bổ sung và xây dựng các quy hoạch chi tiết phát triển du lịch ở các vùng, địa bàn trên toàn tỉnh, chú ý đối với khu vực ven biển hai bên đường Hòa Thắng- Hòa Phú.
Đẩy mạnh xúc tiến xây dựng khu du lịch quốc gia Mũi Né, điểm du lịch quốc gia Phú Quý và đô thị du lịch Phan Thiết; triển khai thực hiện đề án xây dựng Bình Thuận thành trung tâm du lịch- thể thao biển tầm quốc gia.
Kịp thời xử lý mâu thuẫn giữa quy hoạch du lịch với quy hoạch các ngành kinh tế khác, tạo thuận lợi cho việc thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch, đồng thời khai thác có hiệu quả các lợi thế của tỉnh.
Tích cực giải quyết các vướng mắc để chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai xây dựng và đưa dự án vào hoạt động; kiên quyết thu hồi các dự án chậm triển khai mà không có lý do chính đáng để giao cho nhà đầu tư khác thật sự có năng lực.
Thực hiện tốt liên kết vùng
Phát triển sản phẩm du lịch, kết nối các điểm du lịch của địa phương , hình thành các tuyến, tour tham quan du lịch giữa các vùng- miền để phát huy các tiềm năng, tạo các sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng, mang tính chuyên biệt. Tăng cường sự hợp tác liên kết giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với nhau, giữa các doanh nghiệp trong tỉnh với các doanh nghiệp trong nước và quốc tế để khai thác và phát huy lợi thế về du lịch của tỉnh.
Tiếp tục huy động các nguồn lực, chủ động triển khai, phối hợp thực hiện tốt các nội dung hợp tác liên kết phát triển du lịch được ký kết với các địa phương; phối hợp thực hiện tốt nội dung Chương trình hợp tác liên kết tam phát triển du lịch Tp Hồ Chí Minh- Bình Thuận-Lâm đồng mà trong đó trọng tâm là liên kết phát triển sản phẩm “ Chợ Sài Gòn-Hoa Đà Lạt- Biển Mũi Né”. Tăng cường hợp tác 1 liên kết phát triển du lịch với các tỉnh duyên hải nam trung bộ, đông nam bộ và tây nguyên.
Xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch
Tranh thủ sự hỗ trợ từ ngân sách trung ương, cùng với nguồn ngân sách tỉnh và các nguồn vốn huy động khác tập trung đầu tư hạ tầng du lịch theo hướng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm. Ưu tiên đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng tại các khu du lịch trọng điểm, các điểm du lịch tiềm năng.
Phát huy tốt hệ thống đường quốc lộ và đường sắt Bắc-Nam qua địa bàn tỉnh. Tích cực phối hợp với các bộ ngành trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình trọng điểm như: đường cao tốc Dầu giây- Phan Thiết, đường cao tốc Phan Thiết-Nha Trang, sân bay Phan Thiết, cải tạo nâng cấp quốc lộ 28B, hoàn thành đầu tư nâng cấp quốc lộ 55, quốc lộ 55B…
Tập trung đầu tư nâng cấp, mở rộng các trục giao thông chính nối các khu du lịch ở tỉnh, các trục đường ven biển, các đường nhánh xuống biển bảo đảm sự kết nối lưu thông để khai thác tốt vùng biển của tỉnh; tăng cường cung cấp điện, cấp thoát nước, triển khai đầu tư kè chắn sóng, khu neo đậu tàu thuyền, điểm đỗ xe du lịch, tuyến xe buýt, trạm cứu hộ ven biển, hệ thống nhà vệ sinh, thùng rác công cộng ở các địa bàn trọng điểm du lịch, lắp đặt hệ thống tra cứu thông tin và quảng bá du lịch.
Đa dạng hóa sản phẩm du lịch
Cơ bản đến năm 2020 Bình Thuận là điểm đến với các loại hình như du lịch- thể thao biển mang tầm quốc gia, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch văn hóa- lễ hội, du lịch tâm linh, ưu tiên phát triển du lịch biển- đảo, du lịch khám phá lặn biển và sinh thái tự nhiên gắn với thương hiệu khu du lịch Hàm Tiến- Mũi Né và các điểm đến đang có tiềm năng phát triển như Hòn Rơm, Hòa Thắng, La Gi, Hòn Lan.
Kêu gọi đầu tư dự án khinh khí cầu tại Hòn Nghề, khu du lịch suối khoáng Bưng Thị, khu dã ngoại rừng dầu Hồng Liêm, khuyến khích phát triển mới các loại hình du lịch mới hấp dẫn, nhất là đầu tư các dự án quy mô lớn, phục vụ hội nghị trong nước và quốc tế, đầu tư khu vui chơi giải trí cao cấp, trung tâm mua sắm.
Nâng cao chất lượng dịch vụ
Nâng cao chất lượng các dịch vụ hiện có như chơi golf, lướt ván buồm, lướt ván diều, tắm bùn, spa, mô tô địa hình; tăng cường hướng dẫn các cơ sở lưu trú du lịch, lữ hành, vận chuyển khách, ăn uống, mua sắm, điểm vui chơi giải trí nâng cao chất lượng phục vụ du khách.
Trùng tu , tôn tạo các di tích văn hóa- lịch sử, các danh lam thắng cảnh, nâng cấp các điểm tham quan đạt chuẩn có hạ tầng tương đối đồng bộ phục vụ du khách. Định kỳ tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, các hoạt động vui chơi giải trí ban đêm như chợ đêm, khu ẩm thực đêm phục vụ du khách…
BTO