Theo dõi trên

Bình Thuận: Hiệu quả dự án phát triển nông thôn miền Trung

02/06/2021, 10:11

 BTO- Từ dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung tại Bình Thuận, những bài toán bao đời nay về phát triển hạ tầng giao thông – thủy lợi, tăng cường khả năng kết nối dịch vụ cho người dân đã được giải quyết. Hàng trăm ngàn người trong vùng dự án và các vùng lân cận được hưởng lợi...    

Hồ Đu Đủ đảm bảo nguồn nước tưới cho hơn 400 ha diện tích canh tác thanh long của người dân Bình Thuận.

 Bổ sung nước tưới cho vùng hạn

Khu vực duyên hải Nam Trung bộ là một trong những vùng có khí hậu khắc nghiệt nhất cả nước, thường xuyên xảy ra hạn hán kỷ lục, gây ra những thiệt hại nặng nề của nhân dân. Mùa khô kéo dài trong năm, khu vực hạn hán ngày càng mở rộng là “chướng ngại vật” rất lớn cho sản xuất nông nghiệp nơi đây. Những con số thiệt hại đã đặt ra yêu cầu cấp thiết về công tác chuẩn bị ứng phó và giảm nhẹ tác động của biến đổi khí hậu trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Lâu nay, người dân Bình Thuận coi cây thanh long là chìa khóa để phát triển nông nghiệp. Đây là loại cây đặc sản của Bình Thuận, cần được đáp ứng đủ về nguồn nước, nguồn điện mới có thể cho thành quả có chất lượng tối ưu, đáp ứng nhu cầu trong nước và tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, tình trạng thiếu nước tưới vào thời điểm cây tăng trưởng khiến những nông dân trồng thanh long hơn 20 năm nay như ông Lê Văn Chính (thôn Phú Thọ, xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam) gặp nhiều khó khăn.

Ông Chính chia sẻ: “Trước khi có kênh bờ đập Đu Đủ, việc canh tác cây thanh long của nông dân chúng tôi rất nhiều trở ngại. Nguồn nước không đủ tưới tiêu cho cây, không đảm bảo chất lượng tốt của cây trái. Hậu quả, cây khô héo, trái thanh long chín không đều, có khi héo hết trên cây dẫn đến không thu hoạch được”.

Hiểu được những bất cập bao năm nay trong canh tác, sản xuất và đời sống sinh hoạt của nhân dân, dự án thành phần “Nâng cấp hồ chứa nước Đu Đủ” khi đi vào hoạt động đã tạo sự kết nối giao thông thuận lợi, hình thành nguồn nước tưới dồi dào cho các khu vực trong vùng dự án và vùng lân cận, góp phần nâng cao đời sống kinh tế - văn hóa cho dân cư tại khu vực khó khăn.

Ngoài ra, hệ thống thủy lợi được nâng cấp với nguồn trữ nước liên tục từ hồ Đu Đủ giúp nông dân yên tâm về nguồn nước tưới để phát triển cây trồng chủ lực thanh long. Trong đó, đường kênh đập hồ Đu Đủ tạo nên hệ thống giao thông thuận lợi, nhân dân tiếp cận dễ dàng các dịch vụ xã hội, y tế, trường học và chợ; cải thiện giá trị nông sản, thay đổi diện mạo của sản xuất nông nghiệp trong vùng dự án.

Cây thanh long Bình Thuận có đủ nước tưới, phát triển xanh tốt cho trái chín đều.

Nhận được sự hỗ trợ tích cực từ dự án, những người dân địa phương thêm vững tin về tính hiệu quả khi giảm bớt chi phí sản xuất và tăng giá trị lợi nhuận. “Từ khi có nguồn nước từ hồ Đu Đủ để tưới tiêu, nguồn thu lợi của chúng tôi đã tăng lên rõ rệt, nhất là nhân công, sức lao động phải bỏ ra đã giảm đi rất nhiều. Khi có kênh nước tưới tiêu, nhà tôi chủ động làm hệ thống tưới. Cây thanh long đủ nước tưới, đủ hệ thống điện chiếu sáng nên trái thanh long cho quả đẹp và ngọt, thơm hơn” - ông Lê Văn Chính chia sẻ thêm.

Nâng giá trị kinh tế, đời sống dân sinh

Với đặc thù của vùng khí hậu khô hạn nhất cả nước, việc giải quyết vấn đề hạn hán, thiếu nước tưới cho nông nghiệp ở các tỉnh Nam Trung bộ như Ninh Thuận, Bình Thuận đã thay đổi căn bản diện mạo, hiệu quả và giá trị kinh tế của đời sống dân sinh.

Ông Nguyễn Hữu Phước -  Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bình Thuận cho biết: “Tỉnh Bình Thuận tham gia vào Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung – khoản vay bổ sung với 4 tiểu dự án thành phần. Tổng mức đầu tư của dự án hơn 220 tỷ đồng, với các dự án thành phần gồm: Nâng cấp hồ chứa nước Đu Đủ; nâng cấp hệ thống công trình hồ chứa nước Saloun và kiên cố hóa kênh cấp I Sông Quao và kênh chính Bắc Ba Bàu. Mục tiêu, lấy trọng tâm là phục vụ sản xuất nông nghiệp, nhằm giải quyết các vấn đề bất cập để tập trung phục vụ sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhà”. Đáng nói, trước khi thực hiện dự án thành phần, hồ Đu Đủ không chứa được nước do đập bị thấm, nứt. Việc nâng cấp toàn bộ tuyến kênh đập đã khôi phục, chống thấm cho toàn bộ chiều dài kênh đập. Dự án làm mới tuyến đường dài 5 km từ quốc lộ 1A đến hồ chứa nước để giao thông thuận tiện cho người dân. Hoàn thiện hệ thống kênh chính và kênh cấp 1 của hồ chứa nước Đu Đủ để đảm bảo nước tưới cho 100% diện tích canh tác mà hồ Đu Đủ phụ trách là 400 ha thanh long. Ngoài ra, hồ Đu Đủ trung chuyển nguồn nước cho việc sinh hoạt của người dân Hàm Thuận Nam với trên 100.000 người dân.

Dự án phát triển nông thôn tổng hợp các tỉnh miền Trung – khoản vay bổ sung (pha 2) được triển khai tại 6 tỉnh miền Trung gồm: Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Bình Định, Phú Yên, Ninh Thuận và Bình Thuận. Dự án  được tài trợ bởi Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) với mục tiêu cải thiện sinh kế và mức sống của người dân nông thôn tại các tỉnh miền Trung. Thời gian thực hiện dự án kéo dài 4 năm, từ tháng 6/2015 đến tháng 6/2019,  với tổng nguồn vốn hơn 89 triệu USD. Tính đến thời điểm hiện tại, dự án đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn 1 năm. Theo đó, 24 tiểu dự án thành phần, trải dài trong 6 tỉnh thuộc vùng dự án đã được hoàn thành, nâng cao năng lực tưới phục vụ từ dự án thêm 42.000 ha cây nông nghiệp. Đồng thời, có tất cả 1,2 triệu dân trong vùng dự án được hưởng lợi.

Thanh Hiền



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận: Hiệu quả dự án phát triển nông thôn miền Trung