Theo dõi trên

Bình Thuận hướng đến du lịch sinh thái nông nghiệp

03/03/2023, 05:59

Bình Thuận được vinh dự là địa phương đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia 2023 với chủ đề “Bình Thuận - Hội tụ xanh” thể hiện quyết tâm, định hướng phát triển du lịch xanh, bền vững của tỉnh. Bên cạnh các sản phẩm xanh, năng lượng sạch, Bình Thuận đang đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái rừng, biển đảo, du lịch chinh phục thiên nhiên, du lịch mạo hiểm và đặc biệt du lịch sinh thái nông nghiệp, du lịch cộng đồng hướng đến một nền tảng xanh, phát triển du lịch bền vững.

Sản phẩm du lịch mới lạ

Những năm gần đây, khách du lịch đến Bình Thuận ngoài tham quan những điểm đến truyền thống như: Núi Tà Cú, Bàu Trắng, chùa Cổ Thạch, mũi Kê Gà... thì được các công ty tour hoặc dân địa phương giới thiệu, kết nối các điểm du lịch mới như: Thác 9 tầng (Đức Linh); tham quan vườn cây ăn trái ở thôn Đa Tro, xã Đa Mi, tour khám phá lòng hồ Hàm Thuận (Hàm Thuận Bắc); tham quan, trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long tại huyện Hàm Thuận Bắc và Hàm Thuận Nam; điểm du lịch sinh thái hồ Sông Lòng Sông, Cù Lao Câu (huyện Tuy Phong), vườn trái cây Sáu Trúc, trang trại Bình An, suối khoáng nóng Bưng Thị... Trên cơ sở các mô hình này, tỉnh đã thông tin, giới thiệu sản phẩm du lịch đến các công ty lữ hành, doanh nghiệp du lịch trong và ngoài tỉnh để đưa khách đến tham quan. Đồng thời, thực hiện công tác truyền thông, quảng bá sản phẩm du lịch trên các phương tiện truyền thông trong và ngoài tỉnh bước đầu thu hút khách du lịch. Tuy những điểm đến này chưa có sự đầu tư bài bản, cơ sở hạ tầng còn thô sơ, người dân chưa nhận thức hết tiềm năng vốn có, nhưng là sản phẩm du lịch mới lạ, góp phần làm nên sự đa dạng, phong phú trong hành trình nghỉ dưỡng, tham quan của du khách khi đến Bình Thuận.

z4147276945390_fb4508fa7e582c175b7f41a7904a5580.jpg
z4147276952291_9548707a40891ba07a7a675b18183886.jpg
Khu du lịch Thác Bà (Tánh Linh)

Tuy nhiên, để những điểm đến này tạo ấn tượng, hấp dẫn hơn, rất cần sự liên kết, phối hợp giữa người dân, doanh nghiệp du lịch, lữ hành du lịch và cơ quan nhà nước. Để xây dựng và phát triển thành công mô hình du lịch sinh thái gắn với nông nghiệp bền vững, trong năm 2022, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch về triển khai Chương trình phát triển Du lịch nông thôn trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 tại Bình Thuận. Do đó, thời gian tới ngành du lịch sẽ tiếp tục phối hợp với ngành nông nghiệp thực hiện các giải pháp để sản phẩm du lịch sinh thái nông nghiệp là điểm nhấn thu hút, thúc đẩy tăng trưởng du khách.

image007.jpg
Khách nước ngoài thích thú tham quan vườn thanh long

Khi nông dân làm du lịch

Theo đó, sẽ khuyến khích, thu hút đầu tư phát triển du lịch nông thôn tại các địa bàn, không gian khác nhau, đặc biệt là rừng, khu bảo tồn thiên nhiên, biển đảo... theo đúng quy định pháp luật nhằm tạo nguồn thu ổn định từ hoạt động du lịch, để tái đầu tư cho các công tác bảo vệ tài nguyên du lịch. Khuyến khích, kêu gọi các sáng kiến, ý tưởng, dự án, mô hình khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, thủ công mỹ nghệ gắn với du lịch nông thôn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, nâng cao nhận thức về du lịch nông thôn; bồi dưỡng, đào tạo và nâng cao năng lực cho lao động, ứng dụng công nghệ, thúc đẩy chuyển đổi số trong phát triển du lịch nông thôn…

image003.jpg
image001.jpg
Du khách tham quan, trải nghiệm hoạt động sản xuất thanh long

Có thể thấy, điểm nhấn mà các sản phẩm du lịch sinh thái thu hút du khách, tạo nên sự phong phú, hấp dẫn là có sự tham gia trực tiếp từ người dân, nhất là bà con nông dân. Cùng ăn, cùng ở, cùng trải nghiệm làm nông, nấu bếp củi, gặt lúa, thu hoạch thanh long, dệt thổ cẩm, làm gốm, giăng lưới bắt cá… sẽ là những chuyến du lịch thú vị, làm nên sự khác biệt cho chuyến hành trình của du khách trong và ngoài nước. Đồng thời, các sản phẩm du lịch sinh thái sẽ đem lại thu nhập cao hơn cho bà con nông dân bên cạnh hoạt động nông nghiệp thuần túy.

Tuy nhiên, để người nông dân làm du lịch một cách chuyên nghiệp, thời gian qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức gần 50 lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, kỹ năng du lịch với số lượng gần 4.000 học viên cho các thành phần khác nhau, trong đó chủ yếu là tập huấn về kỹ năng bán hàng, ứng xử, phục vụ khách du lịch cho người lao động và cộng đồng dân cư. Ngành du lịch sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với ngành nông nghiệp, UBND các địa phương đẩy mạnh sự liên kết giữa cơ quan quản lý nhà nước với người dân, nhà khoa học, doanh nghiệp lữ hành, tăng cường tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến nâng cao chất lượng từng điểm du lịch nhằm thu hút khách. Đồng thời, triển khai công tác đào tạo nguồn nhân lực cho các mô hình du lịch nông nghiệp và khuyến khích nông dân tham gia.

Việc đăng cai Năm Du lịch quốc gia tại Bình Thuận là nỗ lực rất lớn của Tỉnh ủy, của UBND tỉnh và của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Với mục tiêu xây dựng, khẳng định, quảng bá điểm đến, thì mục tiêu song hành là tạo điều kiện cho tất cả người dân được cùng làm du lịch và được hưởng lợi từ du lịch.

SONG NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Du lịch nông nghiệp tại Tuy Phong: Tăng lợi nhuận nhờ giống nho mới
BT- Nằm gần quốc lộ 1A, những năm gần đây, nông dân xã Phước Thể đã kết hợp sản xuất cây nho với du lịch sinh thái vườn. Đặc biệt, hơn 1 năm nay bà con chuyển đổi, nhân rộng giống nho mới NH01-152 (Hồng Nhật) mang lại hiệu quả kinh tế cao, được khách tham quan ưa chuộng…
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận hướng đến du lịch sinh thái nông nghiệp