Bao nhiêu bài học qua 55 năm thực hiện Di chúc của Người (1969-2024) vẫn còn nguyên giá trị và tiếp tục phát huy trong giai đoạn cách mạng mới đã được đúc kết. Với Bình Thuận, nơi hơn 1 thế kỷ trước, Người - lúc ấy là chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành trên hành trình vào Sài Gòn đã ghé Trường Dục Thanh (phường Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết hiện giờ) để dạy học trong vòng 6 tháng với những hoạt động, quan tâm, những câu nói còn lưu lại thì khắc sâu hơn bài học về chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Lùi về khi ấy, vào những ngày nghỉ, thầy Thành thường ra bến Cồn Chà gặp ngư dân, tìm hiểu cuộc sống của họ và tìm hiểu cách xác định phương hướng ngoài biển cũng như cách luyện tập đi biển. Trong lối sống gần dân, để am hiểu tình hình thực tế của Người với mục đích khi ấy, có thể nói từ Phan Thiết, gây dựng ý chí tập luyện để vượt đại dương sau này của Người… Quay lại chuyện chăm lo, không ngừng nâng cao đời sống của Nhân dân, thực chất đây cũng là đích đến của bao quyết sách, nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội ở dải đất ven biển vốn chịu sự giao thoa phong tục, lối sống và cả khí hậu của 2 vùng: Duyên hải miền Trung và Đông Nam bộ mang tên Bình Thuận. Sau nhiều nỗ lực tìm hướng đi giữa bao thuận lợi và khó khăn, bao níu kéo giữa phát triển và trì trệ, vào thời điểm nhìn lại 30 năm tròn tái lập tỉnh (1992-2022), Bình Thuận với những tiềm năng, thành tựu và triển vọng đã được khai mở, hiện lên rõ ràng hơn. Và thành tựu mang tính thiết thực, cuối cùng nhất vẫn là đời sống người dân.
Báo cáo của Tỉnh ủy Bình Thuận ghi nhận GRDP bình quân đầu người tăng từ 4,55 triệu đồng (tương đương khoảng 252 USD) năm 1992 lên 75,69 triệu đồng (tương đương khoảng 3.248 USD) năm 2022 (gấp 12,89, tăng bình quân 12,89%/năm). Và thu nhập bình quân đầu người từ 1,35 triệu đồng năm 1992 lên 48,92 triệu đồng năm 2021 (gấp 36,2 lần, tăng bình quân 13,24%/năm), đứng thứ 18 trong cả nước và đứng thứ 2 trong vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Nam Trung bộ. Cuối năm 2022, con số trên đã tăng lên 51,6 triệu đồng và năm 2023 là 54,336 triệu đồng.
2. Kết quả đó xuất phát từ hành trình phát triển kinh tế có chủ đích xoay quanh 3 trụ cột kinh tế: Công nghiệp, du lịch và nông nghiệp, cụ thể tùy từng giai đoạn có nhấn mạnh hướng phát triển khác nhau, như thời gian này tập trung vào chuỗi giá trị. Bây giờ nhìn lại phải ghi nhận rằng, 3 trụ cột này được nhen nhóm hình thành và phát triển đậm nét nhờ vào sự tổng hòa của nỗ lực, may mắn và đôi khi cứ diễn ra như thể đến lúc phải như thế. Phát triển du lịch là một ví dụ. Bất chấp với tiềm năng du lịch gây xuýt xoa cho những ai một lần phát hiện nhưng phải đến sự kiện nhật thực toàn phần vào ngày 24/10/1995, du lịch Bình Thuận mà cụ thể là Hòn Rơm, Mũi Né mới được du khách trên thế giới biết đến. Để từ đó, thủ đô resort xuất hiện cùng trong quá trình phát triển được suy tôn mặc định và nỗ lực xây dựng đạt bao danh hiệu khác mang tầm quốc gia, khu vực, quốc tế. Vốn dĩ là ngành đa dịch vụ, du lịch đã giải quyết việc làm trực tiếp và gián tiếp cho hàng nghìn lao động. Với 7,33 triệu khách đến và doanh thu gần 19.000 tỷ đồng trong 9 tháng qua đã cho thấy điều đó.
Không chỉ thế, du lịch bỗng kết nối chặt chẽ hơn với nông nghiệp, khi các tour du lịch nông thôn rộ lên, du khách tràn về những nơi xa vắng nhất của tỉnh. Dù chính quy hay tự phát, người ta nhận ra chính du khách đã mở ra một thị trường tiêu thụ nông sản và cũng góp phần đẩy nền nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất sản phẩm xanh, sạch đạt chuẩn nhu cầu của tỉnh đi nhanh hơn. Bao nông dân phải thay đổi tư duy để phát triển kinh tế nông nghiệp chứ không dừng ở sản xuất như trước nên nghiễm nhiên, thu nhập của họ cũng tăng không ngừng. Những thôn, xã tỷ phú như Minh Hòa (Hàm Minh – Hàm Thuận Nam), Đa Mi (Hàm Thuận Bắc)… xuất hiện.
Yếu tố bất ngờ đó cũng từng diễn ra trong phát triển công nghiệp. Không thể cạnh tranh về công nghiệp chế biến chế tạo với các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam kề bên nhưng với công nghiệp điện thì Bình Thuận được phong là trung tâm năng lượng sạch của cả nước, khi tính thêm điện gió ngoài khơi. Chuyện cứ như cổ tích, lùi mấy chục năm trước ai nghĩ nắng, gió, thủy triều Bình Thuận lại có thể sinh ra triệu đô, tỷ đô để các nhà đầu tư nước ngoài lặn lội về Bình Thuận cùng dệt ước mơ để các Khu công nghiệp như Sơn Mỹ 1, Sơn Mỹ 2, Tân Đức sẽ mọc lên giữa vùng nông thôn Bình Thuận. Và cũng ai ngờ, ở vùng giáp ranh heo hút của Bình Thuận, Đồng Nai lại có những cụm công nghiệp, đã và đang thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, để trên những sản phẩm có thương hiệu lớn thế giới như giày Nice… có ghi nơi sản xuất: Đông Hà, Đức Linh, Bình Thuận, Việt Nam.
Cũng phải đến lúc này, khi những bàng hoàng về dịch bệnh, thiên tai đã và đang đi qua, giới đầu tư nhận diện sâu sắc hơn về câu chuyện chia trứng nhiều giỏ, về sự mở rộng, chuyển dịch, phân phối hài hòa từ vùng kinh tế trọng điểm ra các tỉnh lân cận, trong đó có Bình Thuận với vị trí mà trong bối cảnh hiện tại được xem là điểm mạnh.
Với vị trí là cửa ngõ giao lưu về kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội của các tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, các tỉnh khu vực Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung bộ, Bình Thuận đã có mạng lưới giao thông đối ngoại. Có QL 28, 28B đi Lâm Đồng đang được mở rộng, nâng cấp; có quốc lộ 55 nối liền Bình Thuận với Bà Rịa - Vũng Tàu và các tỉnh Tây Nguyên. Có thêm đường cao tốc Dầu Giây – Vĩnh Hảo kéo hết suốt chiều dài qua tỉnh... Nếu sắp tới Cảng hàng không Phan Thiết hoàn thành, Cảng Sơn Mỹ ở khu vực phía Nam được xây dựng, cùng Cảng Vĩnh Tân đã có thì sẽ mở rộng khả năng kết nối giữa tỉnh với 3 vùng trên cũng như hỗ trợ phát triển các dịch vụ hàng hải, logicstics giữa các khu vực. Khi đó, tỉnh sẽ là “hướng ra biển” của hàng hóa từ khu vực các tỉnh Tây Nguyên, giúp giải tỏa sự quá tải trong dịch vụ vận tải hàng hóa ở các cảng của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh.
Chuyện tính toán vượt đại dương khi ấy ở Phan Thiết của thanh niên Nguyễn Tất Thành hay chuyện “hướng ra biển” của Bình Thuận hôm nay ở góc độ nào đó có nét tương đồng trong quyết định chuyện đại sự. Với Bình Thuận, đó như là sang trang mới trong chăm lo, nâng cao đời sống người dân.