Phát biểu khai mạc, TS. Lương Thanh Sơn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học & Kỹ thuật tỉnh nhấn mạnh: “Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thực hiện tại các địa phương trong toàn tỉnh 5 năm qua đã có 89 sản phẩm OCOP được công nhận; trong đó 2 sản phẩm tiềm năng OCOP 5 sao, 8 sản phẩm OCOP 4 sao, 79 sản phẩm OCOP 3 sao. Các sản phẩm OCOP của tỉnh đã và đang khẳng định thương hiệu trên thị trường, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, nhất là vùng nông thôn. Tuy nhiên, các địa phương cần duy trì, phát triển các sản phẩm OCOP như sản phẩm lợi thế mỗi địa phương, góp phần phát triển kinh tế, xã hội”.
Các báo cáo liên quan đã được lãnh đạo sở ngành, chuyên gia trình bày tại hội thảo nhằm làm rõ thêm giải pháp phát triển, nâng cao giá trị sản phẩm OCOP của tỉnh. Đó là tham luận Thực trạng sản xuất, tiêu thụ, duy trì phát triển các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh; thuận lợi, khó khăn, giải pháp của Chi cục Phát triển nông thôn thuộc Sở Nông nghiệp & PTNT. Tham luận Hoạt động xúc tiến thương mại và giải pháp hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh của Sở Công Thương. Một số giải pháp nhằm gia tăng giá trị cảm xúc cho các sản phẩm OCOP tại địa bàn tỉnh Bình Thuận được TS. Phan Bảo Giang, Trưởng khoa Marketing Trường ĐH Kinh tế Tài chính TP. HCM chia sẻ. Cùng với đó, TS. Nguyễn Thanh Phong, Học viện Nông nghiệp Việt Nam trình bày qua trực tuyến tham luận Ứng dụng chuyển đổi số gia tăng giá trị kinh tế các sản phẩm OCOP. Qua đó lãnh đạo sở ngành, chuyên gia chia sẻ những kinh nghiệm, sáng kiến, giải pháp thực tiễn, mô hình thành công điển hình, cũng như những đề xuất thiết thực tạo đòn bẩy đưa sản phẩm OCOP Bình Thuận ngày càng phát triển.
Tại hội thảo, các cơ sở, doanh nghiệp, hợp tác xã cũng đã nêu một số khó khăn, vướng mắc phát triển sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ, đã được các chuyên gia trường đại học, học viện trao đổi, đề xuất hướng phát triển.