Lướt ván diều trên biển Hàm Tiến - Phan Thiết. ảnh: N.Lân |
Nếu không có sự kiện độc đáo “nhật thực toàn phần” diễn ra vào ngày 24/10/1995 thì có lẽ rất nhiều người, bao gồm cả du khách quốc tế - sẽ không ai biết đến Mũi Né - Phan Thiết - Bình Thuận. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn tài nguyên tiềm tàng về du lịch Bình Thuận sẽ mãi mãi nằm yên, thậm chí bị bỏ quên trong lớp bụi thời gian. Như vậy, du lịch Bình Thuận được đánh thức và khơi dậy từ hiện tượng thiên nhiên mà tạo hóa đã vô tình hay cố ý trao cho tỉnh nhà một cách bất ngờ. Sự bất ngờ ấy đã làm thay đổi cả diện mạo của một vùng đất mà trước đó hãy còn khá xa lạ trong tâm trí của du khách trong và ngoài nước. Từ đây, sau những chuyển động ngoạn mục, trên bản đồ du lịch Việt Nam đã ghi thêm một địa danh, một dấu son tươi thắm - Mũi Né, Phan Thiết - thủ đô resort hoặc gọi một cách hình tượng hơn là “Mũi Né - thiên đường nghỉ dưỡng”, và giờ đây, Mũi Né đã trở thành Khu du lịch quốc gia. Nhưng thiên nhiên không chỉ ban cho Bình Thuận một vùng biển vào hạng nhất nhì cả nước về ngư trường thủy hải sản; một đồi cát bay có sức quyến rũ đến lạ kỳ, giống như thỏi nam châm khổng lồ có sức hút mạnh mẽ với mọi ngành nghệ thuật, đặc biệt là nhiếp ảnh. Thiên nhiên còn chỉ ra cho nhân dân Bình Thuận cách làm giàu từ biển thông qua việc xác lập và nâng tầm “ngành công nghiệp không khói” này lên thành một “mũi nhọn” của nền kinh tế Bình Thuận. Đó là các hình thức du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái biển, du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia và quốc tế. Đảo ngọc Phú Quý, cách đất liền gần 60 hải lý cũng đã được xác định là khu du lịch cấp tỉnh - nơi dành cho những ai thích khám phá và trải nghiệm những điều kỳ diệu tuyệt vời cùng biển cả.
Trong quá khứ, Bình Thuận từng là đất tụ nghĩa, tụ trí, tụ lực. Những năm đầu thế kỷ XX nơi đây từng vinh dự đón những chí sĩ yêu nước như: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp, và đặc biệt là dấu chân thầy giáo trẻ Nguyễn Tất Thành (sau này là Chủ tịch Hồ Chí Minh - anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa kiệt xuất) dừng chân dạy học ở Trường Dục Thanh - Phan Thiết từ tháng 9/1910 đến tháng 2/1911. Trước đó, vào nửa sau thế kỷ XIX, nhà văn - nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông đã chọn Bình Thuận làm nơi yên nghỉ cuối cùng trên bước đường hoạn lộ, và ông đã được toại nguyện. Phần mộ ông hiện nằm dưới chân núi Ngọc Sơn (núi Cố) - thuộc thôn Ngọc Lâm, phường Phú Hài, thành phố Phan Thiết - hướng về phía biển. Bình Thuận cũng là nơi ghé qua của những nhà thơ lớn, mà tên tuổi đã góp phần làm rạng rỡ nền thi ca Việt Nam hiện đại như: Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên. Sau ngày đất nước thống nhất không bao lâu, Phan Thiết - Bình Thuận lại vinh dự tiếp cận các nhà thơ Xuân Diệu, Lưu Trọng Lư, Huy Cận… Sự hiện diện của những danh nhân văn hóa, những thi nhân tài hoa đã góp phần làm cho Bình Thuận thêm đáng yêu và hấp dẫn dưới góc nhìn địa - văn hóa. Nhà thơ Phạm Tiến Duật góp thêm một phát hiện đáng nhớ về Bình Thuận: “…Bên cạnh tài sản trời cho là đất ấy, núi ấy, biển ấy còn là cái kho lớn của văn hóa vùng đất cực Nam Trung bộ, trong đó có văn hóa Chăm rực rỡ…”. Nhà thơ Giang Nam - tác giả của bài thơ “Quê hương” nổi tiếng lại có cái nhìn nhân hậu và ấm áp về Bình Thuận trong những năm kháng chiến chống Mỹ: “…Chiến khu vùng cực Nam Trung bộ có nhiều cái lạ: rừng núi trùng điệp nhưng vẫn có sông, có hồ, có biển chở che cho chúng ta hoạt động; nạn thiếu nước mùa khô, nước chia nhau từng ca mà vẫn tồn tại và chiến thắng…”.
Người Bình Thuận vì nhiều lý do khác nhau phải xa lìa quê hương sẽ luôn tự hào và không thể nào quên Tháp nước Phan Thiết, do Hoàng thân Xuphanuvông (Lào) thiết kế, đến nay đã gần 90 năm mà vẫn ngày ngày soi bóng mơ màng xuống dòng Cà Ty chảy êm đềm giữa lòng thành phố. Trong những ngày giãn cách phòng chống dịch Covid-19, phải ở nhà, chắc chắn không ít người Bình Thuận sẽ nhớ da diết những món ăn dân dã đã trở thành đặc sản quen thuộc như: bánh xèo, bánh căn, bánh canh chả cá… với món nước chấm được pha chế khéo léo từ nước mắm truyền thống Phan Thiết nổi tiếng. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc - một người con Bình Thuận xa quê, từng chia sẻ tâm trạng rất thật này trong bài viết ngắn, dí dỏm với tên gọi “Bánh căn Phan Thiết - đi xa càng nhớ”.
Về Bình Thuận, sau khi tắm mình trong biển trời thơ mộng Mũi Né - Hòn Rơm, du khách quốc tế có thể đến thăm “Bảo tàng nước mắm” rồi tiếp tục khám phá “Huyền thoại làng chài” thông qua chương trình nghệ thuật đặc sắc do những nghệ sĩ và vũ công chuyên nghiệp của Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh biểu diễn. Các nhà nghiên cứu văn hóa sẽ có dịp tiếp xúc với những nghệ nhân dân gian Chăm ngay tại làng nghề truyền thống, trực tiếp trò chuyện và trải nghiệm với các nhà nghiên cứu bản địa về những nét độc đáo của văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Chăm. Đó là chưa kể đến những tên gọi mộc mạc, thân thương nhưng có thừa sức níu chân du khách như: Mũi điện Kê Gà, cáp treo Tà Cú (Hàm Thuận Nam), dinh Thầy Thím, Ngảnh Tam Tân, biển Cam Bình, Hòn Bà (La Gi) ở phía Nam; Bàu Trắng (đồi Trinh nữ - Bắc Bình), cù lao Câu, gành Son, chùa Cổ Thạch… ở phía bắc Bình Thuận.
Những ai đã từng đặt chân đến Bình Thuận, mời trở lại ít nhất một lần để cảm nhận những đổi thay kỳ diệu ở những nơi mình đã từng qua, từng gắn bó với nhiều trải nghiệm ấn tượng. Những ai chưa có dịp dừng chân, Bình Thuận luôn mở rộng vòng tay nghĩa tình, thân thiện và vinh dự đón chào… Hãy về Bình Thuận…
Đỗ Quang Vinh