Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Hòa (bên trái) kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 tại TP. Phan Thiết. |
Theo thống kê ban đầu Bình Thuận có hơn 190.000 người thụ hưởng gói an sinh xã hội của Chính phủ. Vậy tỉnh triển khai gói hỗ trợ này như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Đức Hòa: Về gói an sinh xã hội do Chính phủ hỗ trợ, UBND tỉnh đã có Công văn số 1405/UBND-KGVX ngày 15/4/2020 chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện việc thống kê, lập danh sách rà soát nhóm đối thuộc diện được hỗ trợ để tiến hành các biện pháp hỗ trợ bảo đảm kịp thời, công khai, minh bạch, đúng đối tượng, không bỏ sót, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, tham nhũng, tiêu cực.
Dự kiến trước ngày 22/4, UBND tỉnh sẽ quyết định phê duyệt hỗ trợ trước cho nhóm đối tượng đã xác định được danh sách, gồm: Đối tượng người có công với cách mạng hưởng trợ cấp ưu đãi hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội ưu đãi hàng tháng; đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo. Các nhóm này, tỉnh sẽ cố gắng hoàn thành hỗ trợ trước ngày 25/4/2020. Đồng thời 3 nhóm đối tượng còn lại, các huyện, thị xã, thành phố đang tập trung rà soát, xác định danh sách người lao động cụ thể để tiếp tục thực hiện hỗ trợ kịp thời trong thời gian tới.
Trong 6 nhóm đối tượng thụ hưởng gói an sinh xã hội, theo ông nhóm nào khó xác định đối tượng được hỗ trợ nhất? Vì sao?
Ông Nguyễn Đức Hòa: Người lao động không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm là khó xác định nhất. Bởi vì nhóm người này làm việc tự do, công việc mang tính chất không ổn định (một người có thể làm nhiều công việc ở nhiều nơi khác nhau) và do không có giao kết hợp đồng lao động nên không bị ràng buộc về quan hệ lao động theo quy định của pháp luật. Vì vậy, nhóm này là rất khó để xác định nhất.
Tỉnh sẽ giải quyết như thế nào với nhóm người lao động này để không bị sai hoặc bỏ sót đối tượng được hưởng gói an sinh?
Ông Nguyễn Đức Hòa: Dù khó xác định nhưng đây là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều và sâu nhất của đại dịch Covid-19. Do vậy trong quá trình thực hiện cần phải rà soát thật kỹ, từng bước, thận trọng và có sự tham gia giám sát của nhân dân cũng như đại diện các tổ chức chính trị - xã hội. Qua tham khảo dự thảo của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định, thì đối tượng này sẽ không được hỗ trợ theo kiểu dàn trải, chỉ tập trung hỗ trợ cho đối tượng thuộc lĩnh vực phi nông nghiệp, làm một trong những công việc sau: Bán hàng rong, buôn bán nhỏ lẻ không có địa điểm cố định; thu gom rác, phế liệu; bốc vác, vận chuyển hàng hóa; lái xe mô tô 2 bánh chở khách, xe xích lô chở khách; bán lẻ vé số lưu động; tự làm hoặc làm việc tại các hộ kinh doanh trong lĩnh vực ăn uống, lưu trú, du lịch, chăm sóc sức khỏe. Đối tượng tôi vừa nêu, đồng thời phải có đủ điều kiện như: Mất việc làm và không có thu nhập hoặc có thu nhập thấp hơn mức chuẩn cận nghèo quy định tại Quyết định số 59 ngày 19/11/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Có hộ khẩu thường trú hoặc có đăng ký tạm trú từ 3 tháng trở lên trước ngày 1/4/2020 tại địa phương đề nghị hỗ trợ.
Việc hỗ trợ phải căn cứ trên giấy đề nghị của người lao động theo từng tháng, UBND cấp xã rà soát, lập danh sách người lao động bị mất việc làm đủ điều kiện hưởng hỗ trợ với sự tham gia giám sát của đại diện các tổ chức chính trị - xã hội và niêm yết công khai với cộng đồng dân cư để người dân cùng tham gia giám sát, nhằm kịp thời phát hiện những trường hợp trùng đối tượng hoặc không đúng đối tượng, bỏ sót đối tượng.
Với cách làm của tỉnh như đã nói trên, theo ông có bảo đảm không xảy ra những trường hợp hưởng gói hỗ trợ sai không, khi trong đó có cả yếu tố không có hợp đồng lao động?
Ông Nguyễn Đức Hòa: Hiện nay, tỉnh đã chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, các địa phương thực hiện rà soát, chi trả trước cho 3 nhóm đối tượng là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng; đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp hàng tháng; hộ nghèo, hộ cận nghèo. Bước lập danh sách 3 đối tượng trên là cơ sở để tiếp tục rà soát đối chiếu với danh sách người lao động khi họ đề nghị hưởng chế độ. Như vậy sẽ dễ dàng phát hiện trùng hay không trùng, bởi vì đối tượng bảo trợ xã hội, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo là nhóm đối tượng có nhiều người sẽ tham gia làm các công việc khác nhau có giao kết hợp đồng lao động hoặc lao động tự do không có giao kết hợp đồng lao động.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, doanh nghiệp tăng cường công tác tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, người sử dụng lao động, người lao động về chính sách hỗ trợ của Chính phủ nhằm nâng cao nhận thức, tự giác khai báo trung thực, rõ ràng. Trường hợp phát hiện địa phương, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người lao động cố tình làm sai sẽ xử lý theo quy định, tùy vào mức độ vi phạm.
Thưa ông, vậy đến khi nào thì người lao động trong tỉnh được hưởng gói an sinh xã hội?
Ông Nguyễn Đức Hòa: Tỉnh sẽ chỉ đạo triển khai ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định và hướng dẫn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.
Xin cảm ơn ông!
THU HÀ (thực hiện)