Theo dõi trên

Bình Thuận triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW: Quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả nguồn lực đất đai

21/12/2022, 05:04 - Lượt đọc: 1,098

Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TW (NQ 18) về việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao.

Trên tinh thần NQ 18, đồng thời từ thực tế tình hình quản lý, khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai trên địa bàn tỉnh, Tỉnh ủy đã ban hành chương trình hành động để triển khai thực hiện với mục tiêu cao nhất là quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả nguồn lực đất đai.

image-4-.jpg
Du lịch - lĩnh vực thế mạnh của Bình Thuận thu hút nhiều dự án đầu tư quy mô trong thời gian qua.

Từ thực tế…

Trong thời gian qua các cấp ủy, tổ chức Đảng, các sở, ngành, địa phương trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các chính sách, pháp luật về đất đai và lãnh đạo ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về đất đai theo thẩm quyền. Nguồn lực, tài nguyên đất đai của tỉnh cơ bản được quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Việc phát triển các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở đô thị, nông thôn đảm bảo theo quy hoạch, kế hoạch, phù hợp với yêu cầu phát triển, đã tạo ra động lực cho quá trình phát triển, tăng nguồn thu cho ngân sách, đóng góp tích cực cho việc phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, tình trạng các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đất đai vẫn còn diễn biến phức tạp. Việc triển khai thực hiện một số chính sách, pháp luật về đất đai còn hạn chế, nhất là giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính về đất đai của người dân, giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai. Việc xử lý các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng còn bất cập, chưa kịp thời. Việc phân cấp, phân quyền quản lý đất đai chưa rõ ràng; tổ chức, bộ máy các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai còn những bất cập, năng lực chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ… Tỉnh ủy cũng xác định rõ nguyên nhân là do: đất đai có tính lịch sử, nguồn gốc đa dạng, phức tạp, nhạy cảm. Chính sách, pháp luật về đất đai còn nhiều bất cập, chồng chéo. Một số chính sách, pháp luật về đất đai chưa theo kịp sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn. Cùng với đó, các ngành chức năng và các địa phương chưa xử lý tốt những tồn tại, vướng mắc trong quản lý, sử dụng đất do thời kỳ trước để lại. Năng lực quản lý Nhà nước về đất đai tại địa phương chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Việc phân cấp, phân quyền quản lý, sử dụng đất chưa hợp lý, chưa đi đôi với công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Việc xử lý vi phạm về đất đai chưa quyết liệt, chưa đủ sức răn đe đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm…

…đến mục tiêu hành động

Từ thực tế tình hình quản lý, khai thác, sử dụng nguồn lực đất đai trên địa bàn tỉnh. Căn cứ nội dung NQ 18 về việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao của Ban Chấp hành Trung ương. Tỉnh ủy Bình Thuận đã ban hành chương trình hành động để triển khai thực hiện. Với mục tiêu tổng quát là: Nguồn lực đất đai của tỉnh được quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả; đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, công bằng và ổn định xã hội; bảo đảm quốc phòng - an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Thực hiện tốt việc công khai, minh bạch hóa các quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, các trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; đảm bảo việc bố trí tái định cư cho người dân theo quy định trước khi Nhà nước thu hồi đất. Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực trong công tác quản lý đất đai; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về đất đai.

Tỉnh ủy cũng xác định mục tiêu cụ thể của chương trình hành động theo từng giai đoạn, đó là: Đến cuối năm 2025, tỉnh sẽ hoàn thành, đưa vào khai thác có hiệu quả dự án Xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai (gọi tắt là Dự án tổng thể) cho 124 xã, phường, thị trấn. Hoàn thành cơ sở dữ liệu số về đất đai. Lãnh đạo xây dựng, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất bảo đảm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh hàng năm và cả giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hoàn thành việc kiện toàn tổ chức bộ máy các cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về đất đai bảo đảm tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ, thống nhất; loại bỏ khâu trung gian, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền phù hợp. Giải quyết cơ bản những tồn tại, vướng mắc có liên quan đến quản lý và sử dụng đất có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất quốc phòng - an ninh kết hợp với sản xuất; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời nhưng chưa xử lý dứt điểm việc giao nhận đất cũ theo đúng quy định của pháp luật; đất lấn biển, đất tôn giáo, đất nghĩa trang, đất kết hợp sử dụng nhiều mục đích; đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số. Và đến năm 2030, tỉnh sẽ khắc phục cơ bản tình trạng sử dụng đất lãng phí, để đất hoang hóa, ô nhiễm và những tồn tại, vướng mắc về quản lý và sử dụng đất do thời kỳ trước để lại.

Nhiệm vụ và giải pháp

Để đạt được các mục tiêu trên, yêu cầu đầu tiên Tỉnh ủy đặt ra là phải có sự thống nhất nhận thức trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về quản lý và sử dụng đất trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu đúng, đầy đủ các chính sách, pháp luật về đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước là đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý; về quyền và nghĩa vụ của Nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu theo quy định của Hiến pháp và pháp luật; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, hộ gia đình và cá nhân được Nhà nước giao quyền sử dụng đất. Đất đai là nguồn lực to lớn cần được phát huy, quản lý và sử dụng có hiệu quả, bền vững, bảo đảm công bằng xã hội; không để bị suy thoái, hủy hoại, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực. Các cơ quan chức năng phải nâng cao chất lượng cụ thể hóa thể chế, chính sách về quản lý và sử dụng đất đồng bộ, phù hợp với điều kiện cụ thể của tỉnh. Theo đó phải có sự đổi mới và nâng cao chất lượng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất. Tiến hành rà soát, ban hành các quy định về giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất. Lãnh đạo ban hành quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất vì mục đích quốc phòng - an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng phù hợp với quy định của pháp luật. Bổ sung, hoàn thiện cơ chế xác định giá đất và chính sách tài chính về đất đai. Cụ thể hóa các quy định của pháp luật có liên quan đến thị trường bất động sản, trong đó có thị trường quyền sử dụng đất. Xây dựng, hoàn chỉnh cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất nông nghiệp. Xây dựng các quy định quản lý và sử dụng đất kết hợp đa mục đích. Các cấp, các ngành, các địa phương phải đẩy mạnh cải cách hành chính, chuyển đổi số và nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai. Đổi mới, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Đảng, thanh tra, kiểm tra, kiểm soát của Nhà nước trong việc xây dựng, ban hành, tổ chức thực hiện cơ chế, chính sách về đất đai, quản lý, sử dụng đất đai.

Giải quyết cơ bản những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc kéo dài liên quan đến quản lý và sử dụng đất. Tập trung chỉ đạo quyết liệt trong xử lý những hạn chế, khuyết điểm, vướng mắc về đất đai có nguồn gốc từ nông, lâm trường quốc doanh; đất của các cơ sở sản xuất, đơn vị sự nghiệp đã di dời nhưng chưa xử lý dứt điểm việc giao nhận đất cũ theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trong quản lý và sử dụng đất. Đổi mới hình thức, nội dung và đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về đất đai, nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về đất đai cho cán bộ, đảng viên, người dân, doanh nghiệp. Tăng cường giám sát và phát huy vai trò của Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội các cấp và nhân dân trong việc phát hiện và phản ánh kịp thời những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành chính sách, pháp luật về đất đai để xử lý kịp thời, hiệu quả.

BẢO TÍN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Mặt trận Tuy Phong: Xây dựng và phát huy khối đại đoàn kết các tôn giáo
Thời gian qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tuy Phong đã phát huy vai trò tích cực tuyên truyền, vận động, tập hợp đồng bào dân tộc, tôn giáo trên địa bàn huyện tham gia thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về dân tộc, tôn giáo, không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh, góp phần tích cực cùng cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh.
Nổi bật
Phan Thiết cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án, công trình trọng điểm
BTO-Chiều 28/3, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ( khóa XIV) làm việc với tập thể Ban Thường vụ Thành ủy Phan Thiết về tình hình thực hiện nhiệm vụ trong thời gian qua, phương hướng nhiệm vụ trong thời gian tới . Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Hoài Anh chủ trì.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bình Thuận triển khai thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW: Quản lý, khai thác, sử dụng bảo đảm tiết kiệm, bền vững, hiệu quả nguồn lực đất đai