Đến nay, Bình Thuận đã phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, đạt 100% hồ sơ. Đã chi trả tiền bồi thường cho 2.642/2.684 hồ sơ, đạt tỷ lệ trên 98%. Diện tích đất sạch đã bồi thường 1.196,95/1.221,51 ha, đạt tỷ lệ 98%. Giải ngân 1.532,43 tỷ đồng/1.607,52 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 95,3% vốn được bố trí. Cơ bản xây dựng hoàn thành 5/5 khu tái định cư, giao đất tái định cư cho các hộ tại 4 khu tái định cư (TĐC) Tuy Tịnh (Tuy Phong), khu TĐC Hải Ninh (Bắc Bình) Khu TĐC Ma Lâm (Hàm Thuận Bắc), khu TĐC Tân Lập (Hàm Thuận Nam). Hoàn thành di dời công trình cấp nước tại huyện Hàm Thuận Nam và Hàm Tân, di dời công trình viễn thông tại huyện Bắc Bình. Đang di dời công trình cấp nước tại 3 huyện Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc. Công trình viễn thông tại 4 huyện Tuy Phong, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Hàm Tân. Di dời đường dây 110kv tại 3 huyện: Tuy Phong, Bắc Bình và Hàm Thuận Bắc. Di dời điện trung hạ thế và trạm biến áp 5 huyện. Đã trình Cục Năng lượng Bộ Công thương thẩm định hồ sơ thiết kế kỹ thuật di dời đường dây 500kv và 220kv của 5 huyện.
Vướng mắc theo kiến nghị của Ban QLDA 7 (BQLDA), Ban QLDA Thăng Long tại các vị trí mặt đã giải phóng vẫn còn tình trạng người dân (đã đống ý ký bàn giao mặt bằng) cản trở, gây khó khăn cho các nhà thầu gồm 9 hộ tại huyện Tuy Phong, 7 hộ tại huyện Bắc Bình, 3 hộ tại huyện Hàm Thuận Nam. Do đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện tiếp tục tuyên truyền vận động các hộ dân bàn giao lại mặt bằng và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà thầu thi công. Nguồn vật liệu đất đắp tại khu vực dự án đi qua có 16 mỏ đất đắp. Trong đó có 7 mỏ đang khai thác (là đất tầng phủ của mỏ đá) nhưng trữ lượng là còn rất ít và báo giá hiện cao hơn rất nhiều so với giá dự toán duyệt. Còn lại 9 mỏ trong quy hoạch đang triển khi thủ tục đấu giá cấp quyền khai thác (thời gian hoàn thành thủ tục pháp lý theo quy định để cấp phép khai thác có thể vào khoảng 1 năm) không đảm bảo tiến độ dự án…
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Hai chỉ đạo: Những vướng mắc phải được tháo gỡ sớm, không để ảnh hưởng đến tiến độ thi công đường cao tốc. Do vậy, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các Ban QLDA rà soát lại trữ lượng các mỏ vật liệu đất đắp đã cấp phép để báo cáo UBND tỉnh phương án đảm bảo nhu cầu đất đắp của dự án. Tiếp tục tham mưu UBND tỉnh văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xin cơ chế đặc thù, tạo điều kiện để đẩy nhanh thủ tục cấp quyền khai thác và hoàn thiện pháp lý của các mỏ đất nhằm sớm có đủ nguồn vật liệu đất đắp phục vụ thi công dự án. Sở Xây dựng rà soát công bố giá vật liệu xây dựng và kịp thời ban hành chỉ số giá để có đủ cơ sở xử lý các vấn đề liên quan. Đồng thời, chủ trì theo dõi, báo cáo tham mưu UBND tỉnh xử lý khi có diễn biễn bất thường về giá vật liệu xây dựng.
Song song đó, đề nghị Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chấp thuận thi công di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật còn lại trong phạm vi đất dành cho đường bộ dự án đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết. Riêng đối với đoạn Phan Thiết – Dầu Giây: Bộ Giao thông Vận tải đã chấp thuận di dời lắp đặt trụ điện tại ranh giải phóng mặt bằng thuộc huyện Hàm Thuận Nam, đề nghị xem xét chấp thuận phương án thi công di dời của huyện Hàm Tân và phương án giao cắt công trình hạ tầng với đường cao tốc tại 2 huyện. Chính thức bổ sung đường gom, tuy nen kỹ thuật, quy mô cầu vượt theo đề nghị của tỉnh đã được Bộ Giao thông Vận tải ghi nhận trước đây. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép UBND tỉnh được phép thực hiện các thủ tục đấu giá, thăm dò, khai thác đối với các mỏ vật liệu chưa có trong Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, được xác định không thuộc khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản để kịp thời phục vụ thi công dự án đường bộ cao tốc. Đề nghị Bộ Công thương, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia phối hợp đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ thiết kế di dời các công trình đường điện cao thế 500kv và 220kv.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đánh giá cao những nỗ lực trong giải phóng mặt bằng để xây dựng đường cao tốc của tỉnh. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Bình Thuận vẫn là đơn vị dẫn đầu trong các tỉnh giải phóng mặt bằng có đường cao tốc đi qua. Đồng thời ghi nhận những kiến nghị của tỉnh và sẽ phối hợp với các bộ ngành liên quan để thống nhất thực hiện. Nhất là vấn đề di dời đường điện, mỏ khoáng sản, Bộ Giao thông sẽ báo cáo Thủ tướng để có giải pháp tốt nhất giúp Bình Thuận sớm hoàn thành giải phóng mặt bằng và giúp các đơn vị thi công có đủ vật liệu thi công đúng tiến độ…
Trần Thi