Theo dõi trên

Tầm nhìn phát triển các khu du lịch trọng điểm

25/11/2024, 05:21

Du lịch Bình Thuận đã tăng tốc về đích các chỉ tiêu cơ bản của cả năm 2024: Đón 9,68 triệu lượt du khách, đạt 101,36% kế hoạch năm 2024, tăng gần 16% so cùng kỳ, trong đó khách quốc tế có 320.000 lượt (tăng 16,67%) và đạt tổng doanh thu 25.500 tỷ đồng (tăng 14,35%).

Về đích trước 1 năm

Đây là con số “biết nói” chứng minh cho sự phát triển của ngành công nghiệp “không khói” tỉnh nhà. Được vậy thì đây là kết quả đáng ghi nhận trong bước “chuyển mình” của ngành, đồng thời vượt mục tiêu Nghị quyết 06 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đặt ra đến năm 2025 đón 8,9 triệu khách. Đó cũng là động lực để địa phương cùng toàn ngành tiếp tục vươn lên trong năm mới, chào mừng du lịch Bình Thuận tròn 30 năm trên chặng đường hình thành và phát triển (1995 - 2025).

du-lich.jpg
Du khách tham quan Trường Dục Thanh nơi Bác dừng chân dạy học . Ảnh: Đình Hòa

Được biết trong năm tới, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Bình Thuận sẽ tiếp tục thực hiện đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn”. Tạo bước phát triển đột phá về mọi mặt để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; xây dựng Bình Thuận trở thành Trung tâm Du lịch - Thể thao biển mang tầm quốc gia, quốc tế, trong đó lấy Khu du lịch quốc gia Mũi Né làm trọng tâm, động lực lan tỏa tới các khu vực khác trong tỉnh. Giữ vững hình ảnh du lịch Bình Thuận “An toàn - thân thiện - chất lượng” đưa Bình Thuận trở thành điểm đến hàng đầu khu vực và quốc tế. Đây chính là mục tiêu phát triển của tỉnh khi xác định du lịch là 1 trong 3 trụ cột của tỉnh. Với quan điểm, tầm nhìn đó: Phấn đấu đến năm 2030, Bình Thuận chọn hạt nhân là Khu du lịch quốc gia Mũi Né trở thành một trong những điểm đến hàng đầu của Khu vực châu Á - Thái Bình Dương; du lịch Bình Thuận đóng vai trò quan trọng trong hệ thống du lịch của vùng du lịch Duyên hải Nam Trung bộ và cả nước.

Tầm nhìn dài hạn

Trong quy hoạch phát triển tỉnh Bình Thuận, giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến 2050, xác định: Tiếp tục tập trung đầu tư xây dựng, phát triển có trọng tâm, trọng điểm các khu du lịch, dọc dải ven biển từ Khu du lịch Bình Thạnh - Cù Lao Câu (Tuy Phong) đến Khu du lịch Cam Bình (La Gi) với trung tâm là Khu du lịch quốc gia Mũi Né với các khu vực phát triển du lịch biển, gồm: Khu vực đồi Dương - Thương Chánh (Phan Thiết) bao gồm Bãi biển Đồi Dương - Thương Chánh kéo dài gần 3 km với Công viên Đồi Dương ở trung tâm thành phố Phan Thiết, thuận lợi cho người dân và du khách tắm biển, hoạt động thể thao. Khu vực Tiến Thành (Phan Thiết) và Hàm Thuận Nam: Có hệ thống kết nối giao thông thuận lợi theo tuyến đường ven biển. Là Trung tâm dịch vụ du lịch đan xen với các khu nghỉ dưỡng cao cấp dọc ven biển; khu tổ hợp du lịch - thể thao biển, thể thao giải trí và trung tâm thương mại ven biển. Đầu tư nâng cấp, mở rộng các cơ sở lưu trú hiện hữu: Tổ hợp các khu resort, khách sạn, biệt thự cao cấp ven biển Tiến Thành - Thuận Quý - Mũi Kê Gà - Hòn Lan gồm hệ thống các resort 4, 5 sao (Khu du lịch Việt-Pháp, Sea Lion Resort, Golden Coast Resort, Villa De Sol, Champa Resort, Saigon Suối Nhum Resort). Đồng thời hình thành các dự án đầu tư mới các khu du lịch, khách sạn, resort, khu thể thao biển…

Đối với khu vực Bình Thạnh - Cù Lao Câu (Tuy Phong): Bao gồm dải bờ biển từ Phan Rí Cửa đến Vĩnh Tân, Khu bảo tồn biển Cù Lao Câu. Khu du lịch này bao gồm Khu nghỉ dưỡng suối khoáng nóng Vĩnh Hảo; Khu du lịch Bình Thạnh, khu bãi biển Đồi Dương - Hòa Minh; Không gian du lịch sinh thái biển, giải trí cao cấp tại khu bảo tồn biển Cù Lao Câu với một số dự án như Dự án lặn biển SCUBA; Dự án khu du lịch sinh thái Tân Đại Dương; Đầu tư nâng cấp mở rộng các Khu du lịch, khách sạn, resort hiện hữu; Dự án Khu du lịch nghỉ mát Vĩnh Tân (Jin Young 100% vốn Hàn Quốc).

Còn Khu du lịch La Gi - Hàm Tân: gồm bờ biển dài từ Tân Hải (La Gi) đến Thắng Hải (Hàm Tân) với cảnh quan rừng nhiệt đới ven biển, cảnh quan sông suối, hồ, địa hình (sông Dinh, suối Tiên, hồ Núi Đất, hồ Sông Dinh 3, đập Đá Dựng). Tại đây tập trung đầu tư Trung tâm du lịch vui chơi giải trí, mua sắm, du lịch văn hóa, lễ hội - tín ngưỡng; hình thành trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch cấp vùng: Đầu tư khu nghỉ dưỡng cao cấp De La Gi; đầu tư 2 sân golf tại khu du lịch quốc tế cao cấp Tân Thắng, Hàm Tân và Sân golf Sơn Mỹ, Hàm Tân.

Với tầm nhìn trong định hình phát triển các khu du lịch trọng điểm, sẽ mở ra cơ hội cho ngành công nghiệp “không khói” tỉnh nhà vươn mình trong tương lai.

CÔNG NAM


(0) Bình luận
Bài liên quan
Du lịch Bình Thuận: Lộ trình ‏“‏xanh hóa” đến phát triển bền vững
‏“‏Cụm từ “xanh hóa” dù được nhắc đến rất nhiều trong cộng đồng thời gian gần đây, nhưng ‏“‏xanh hóa” thế nào là đúng, là tốt thì không phải ai cũng nắm rõ. Đối với du lịch cũng vậy, du lịch xanh đang trở thành một xu hướng quan trọng và hấp dẫn, đồng thời đó cũng là một cơ hội để bảo vệ tài nguyên tự nhiên, duy trì cân bằng môi trường và thúc đẩy sự phát triển bền vững. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu này, cần đối mặt với những thách thức và cần có những giải pháp đúng đắn”.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Tầm nhìn phát triển các khu du lịch trọng điểm