Theo dõi trên

Bộ GTVT hối thúc nhà đầu tư BOT triển khai thu phí không dừng

03/03/2016, 08:18

Việc triển khai các trạm thu phí không dừng trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên phải có kết quả ngay trong tháng 6 tới.

Theo Bộ GTVT, hiện nay trên toàn quốc có 72 trạm thu phí, riêng trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên đã có 37 trạm. Thời gian qua, tại một số trạm thu phí đã xảy ra ùn tắc nghiêm trọng do mật độ phương tiện qua trạm quá lớn, số lượng cửa qua các trạm còn hạn chế và đặc biệt trạm thu phí áp dụng công nghệ thu phí lạc hậu, chưa có làn thu phí không dừng (ETC).

Trong khi đó, Thủ trướng Chính phủ đã đồng ý chủ trương cho phép Bộ GTVT triển khai các trạm thu phí không dừng sử dụng theo công nghệ RFID sử dụng thẻ eTag trên tuyến Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Đồng thời cho phép đầu tư hệ thống ETC vào tổng mức đầu tư các dự án BOT.

Do đó, để dần hiện đại hóa quy trình thu phí, hạn chế ùn tắc phương tiện, Bộ GTVT đã có chủ trương bắt buộc tất cả các nhà đầu tư dự án giao thông BOT phải có kế hoạch lắp đặt hệ thống ETC tại tất cả các trạm thu phí.

                
      
      Hệ    thống trạm thu phí không dừng đã được thử nghiệm tại một số dự án    BOT. (Ảnh: Internet)

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, theo kế hoạch đã được phê duyệt, từ nay đến 30/6 toàn bộ các trạm thu phí trên Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên phải triển khai tối thiểu 1/2 số làn thu phí ETC; phấn đấu đến cuối năm 2018 toàn bộ các trạm chỉ có làn ETC (vẫn có barier), hết năm 2020 sẽ bỏ barier tại các thu phí.

“Việc triển khai và vận hành hệ thống ETC tại các trạm thu phí này được Bộ GTVT lựa chọn từ Nhà đầu tư có năng lực là Công ty Cổ phần Tasco. Nếu Nhà đầu tư BOT nào không ký hợp đồng triển khai ETC theo chủ trương của Bộ GTVT, từ ngày 7/3, Bộ GTVT sẽ dừng thu phí đối với Nhà đầu tư đó”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.

Công nghệ thu phí ETC là công nghệ nhận dạng tần số sóng vô tuyến (RFID) do Hoa Kì phát triển và đang được áp dụng rộng rãi trên thế giới. Để sử dụng dịch vụ này, chủ phương tiện sẽ được phát 1 thẻ định danh eTag dán lên kính trước xe và kèm theo một tài khoản thu phí để giao dịch. Tài khoản này được nạp tiền trực tiếp hoặc qua internet, qua ngân hàng, qua thẻ cào, gửi tin nhắn bằng điện thoại…

Sau khi xe được dán thẻ eTag chạy vào làn thu phí ETC, hệ thống nhận diện bằng công nghệ laser sẽ kích hoạt camera chụp biển số và hệ thống sẽ đọc thẻ eTag. Hình ảnh và thông tin được chuyển về trung tâm dữ liệu để xử lý và kiểm tra số dư tài khoản thu phí của xe. Nếu tài khoản của xe đủ điều kiện qua trạm, thanh chắn barrier sẽ được mở tự động để xe đi qua, đồng thời 1 tin nhắn SMS sẽ được gửi về số điện thoại dã đăng ký của chủ phương tiện thông báo xe vừa qua trạm.

PV/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phan Thiết: Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong cải cách hành chính
“Nêu cao trách nhiệm, vai trò của người đứng đầu cơ quan trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện giải quyết các TTHC cho tổ chức và công dân trên địa bàn; đặc biệt nghiêm túc thực hiện việc xin lỗi người dân, tổ chức đối với hồ sơ (TTHC) thủ tục hành chính trễ hẹn theo đúng quy định”... Đây là những yêu cầu trọng tâm của Chủ tịch UBND TP. Phan Thiết về thực hiện công tác cải cách hành chính (CCHC) và chuyển đổi số năm 2024.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bộ GTVT hối thúc nhà đầu tư BOT triển khai thu phí không dừng