Theo dõi trên

Bỏ sổ hộ khẩu: Có lo ngại dân tràn vào thành thị?

07/11/2017, 07:35

Nhiều người lo lắng, nếu bỏ sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân sẽ dẫn đến tình trạng người dân ở các tỉnh lẻ tràn vào các thành phố lớn, gây quá tải.

Vừa qua, việc Chính phủ đồng ý với phương án bỏ hình thức quản lý dân cư bằng Sổ hộ khẩu và Chứng minh nhân dân đã được dư luận đồng tình và đánh giá cao.

Tuy nhiên, điều đó có dẫn đến việc người dân ngoại thành sẽ tràn vào thành thị và tự do chọn các trường ở những thành phố lớn cho con mình đi học?

Trả lời phỏng vấn của phóng viên VOV.VN, ĐBQH – chuyên gia kinh tế Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: “Việc quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân như hiện nay gây khó khăn cho rất nhiều người khi họ cần di chuyển hoặc tìm cơ hội sinh sống, làm việc ở nơi khác. Họ khó có thể tìm được việc làm ở một nơi nào đó nếu nơi đó hạn chế về hộ khẩu. Nhiều lao động địa phương sẽ không tìm được việc làm, bị hạn chế điều kiện kinh doanh, phát triển. Như vậy, họ không được thực hiện quyền của một công dân”. 

                
      
       ĐBQH- chuyên gia    kinh tế Hoàng Văn Cường 

Ông Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: “Việc Chính phủ quyết định bỏ quản lý dân cư thông qua Sổ hộ khẩu và Chứng minh nhân dân sang quản lý bằng mã số định danh cá nhân là một bước tiến hết sức quan trọng, đánh dấu sự chuyển biến từ phương thức quản lý bằng văn bản giấy tờ sang phương thức quản lý bằng Chính phủ điện tử. Thông qua việc quản lý bằng mã số định danh này, chắc chắn sẽ có bước tiến tốt hơn trong việc cải cách thủ tục hành chính so với trước đây. Đặc biệt, việc này chính là mở màn cho sự đổi mới của Chính phủ trước cuộc cách mạng công nghiệp 4.0".

Thực tế quản lý bằng giấy tờ, sổ hộ khẩu, khi người dân có sự thay đổi thì phải khai báo, thay thế, lưu chuyển từ đơn vị này sang đơn vị khác rất thủ công và mất nhiều thời gian không cần thiết. Giờ quản lý theo cách mới, chỉ cần cập nhập một thông tin mới nào đó thì tất cả các thông tin khác sẽ tự động cập nhật theo. Như vậy, sẽ tiết kiệm được rất nhiều về nhân lực, nhưng điều quan trọng hơn là nó chính xác, minh bạch và nhanh gọn khi giải quyết các thủ tục hành chính”.

Ông Hoàng Văn Cường lý giải rằng, việc bỏ cách quản lý như hiện nay chắc chắn sẽ thuận lợi hơn và hạn chế được tình trạng "bôi trơn khi người dân cần giải quyết công việc.

                
      
      Sổ hộ khẩu đã hết sứ    mệnh của mình.

Theo ông Cường, khi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 bùng nổ, sẽ dẫn đến việc dư thừa rất nhiều lao động thủ công. Khi chúng ta áp dụng cách quản lý bằng mã số định danh cá nhân thì những người làm các công việc như: lập tờ khai, thống kê, lập biểu mẫu,.. không cần thiết nữa. Như vậy, đây là điều kiện tốt để chúng ta tinh gọn bộ máy hành chính. Ngoài ra, nó cũng khắc phục được tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho dân.

Ngoài ra, quản lý dân cư bằng các văn bản, giấy tờ như hiện nay, chúng ta không biết được cụ thể, đầy đủ dòng di cư của người dân, đặc tính của vùng miền để có những phương thức đầu tư, phát triển hệ thống dịch vụ như: y tế, giáo dục, các dịch vụ xã hội khác. Khi biết cụ thể, đầy đủ dòng di cư của người dân đến khu vực nào đó thì sẽ tìm được những lĩnh vực kinh doanh cho phù hợp với tâm lý, đặc điểm vùng, miền của nhóm dân cư mà họ di cư đến.

Trong tương lai, sử dụng mã số định danh cá nhân còn có thể nắm được dòng tiền của mỗi cá nhân đi từ đâu đến đâu, sẽ không thể trốn thuế được. Không những thế, việc khai báo tài sản cá nhân cũng sẽ minh bạch hơn vì máy móc không biết nói dối.

Nhiều người lo lắng, nếu bỏ quản lý bằng sổ hộ khẩu và chứng minh nhân dân sẽ dẫn đến tình trạng người dân ở các tỉnh lẻ tràn vào các thành phố lớn, gây quá tải, phân tích điều này, ông Hoàng Văn Cường khẳng định: “Điều đó không phụ thuộc vào chuyện chúng ta có hay không có sổ hộ khẩu. Chúng ta quản lý bằng mã số định danh cá nhân sẽ dễ dàng hơn khi quản lý bằng giấy tờ, khai báo. Người dân họ di cư nhưng không khai báo thì việc quản lý sẽ không hiệu quả.

Nếu chúng ta quản lý bằng mã số định danh cá nhân, hệ thống thông tin điện tử sẽ khai báo dễ dàng. Thậm chí, nếu họ chỉ cần thực hiện hoạt động giao dịch điện tử thì ngay lập tức cơ quan chính quyền sẽ biết chính xác họ đăng nhập ở đâu, tạm trú ở khu vực nào, con họ có quyền học ở khu vực nào. Không còn chuyện đổ xô đi học ở các trường điểm, gây ra tình trạng có trường quá tải, trường khác lại rất ít học sinh. Điều đó cũng giảm bớt được mật độ tham gia giao thông”.

“Việc sử dụng mã số định danh cá nhân cũng là mốc mở đầu cho việc quản lý thông tin cá nhân từ lúc sinh ra đến lúc mất đi. Mỗi người dân chỉ cần đăng nhập mã số của mình thì tất cả thông tin liên quan đến người đó sẽ được máy móc quét ra đầy đủ” – ông Cường cho biết thêm.

Thu Thủy/VOV



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bỏ sổ hộ khẩu: Có lo ngại dân tràn vào thành thị?