Sân vận động Phan Thiết - sân nhà của đội tuyển Bình Thuận khi tham gia Giải Bóng đá hạng nhì quốc gia (ảnh tư liệu). |
Theo dự thảo đề án, bóng đá Bình Thuận thời gian qua vẫn giậm chân thi đấu ở giải hạng nhì quốc gia (ngoài chuyên nghiệp), đội tuyển hoạt động theo cơ chế quản lý của đơn vị sự nghiệp công lập với cơ chế bao cấp phụ thuộc vào nguồn kinh phí nhà nước. Từ đó dẫn đến khó khăn trong phát triển và không phù hợp với quy định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam nếu đội tuyển thăng hạng, thi đấu tại các giải chuyên nghiệp (tức đội bóng thuộc quản lý của doanh nghiệp). Vậy nên, điều cần thiết hiện nay là phải có sự chuyển đổi sang doanh nghiệp với cơ chế hoạt động hạch toán kinh doanh nhằm huy động tài, lực của nhiều thành phần kinh tế khác nhau để phát triển bóng đá. Và chỉ có phương thức như vậy mới thay đổi, tạo điều kiện tốt nhất để nâng cao thành tích cho đội tuyển bóng đá Bình Thuận…
Mục tiêu hướng tới là đổi mới cơ chế quản lý, thành lập Công ty cổ phần Bóng đá Bình Thuận, chuyển giao đội tuyển cho doanh nghiệp điều hành. Qua đó từng bước xây dựng và đầu tư nâng cao chất lượng, phát triển đội tuyển phù hợp với định hướng phát triển của bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam hiện nay. Đồng thời xây dựng đội tuyển vững mạnh về tổ chức, chặt chẽ trong quản lý, hiệu quả trong điều hành, từng bước tự chủ về tài chính và có chất lượng chuyên môn tốt. Phấn đấu đưa đội tuyển bóng đá Bình Thuận sớm lên chơi ở các giải chuyên nghiệp quốc gia, cụ thể: Thăng hạng nhất quốc gia vào năm 2022 và duy trì thi đấu ổn định trong Giải Bóng đá hạng nhất quốc gia từ năm 2023.
Để thực hiện mang tính khả thi, dự thảo đề án Xã hội hóa đội tuyển bóng đá tỉnh Bình Thuận đã đưa ra một số phương án là: Thành lập Công ty cổ phần Bóng đá Bình Thuận và chuyển giao đội tuyển cho đơn vị này điều hành quản lý. Theo đó vẫn đặt mục tiêu phấn đấu trong năm 2022 đưa đội tuyển bóng đá Bình Thuận thăng hạng nhất quốc gia, còn từ năm 2023 được chơi các giải chuyên nghiệp quốc gia… Một phương án khác là tích cực vận động tài trợ, tập trung đầu tư nâng cao chất lượng đội tuyển để phấn đấu thăng hạng nhất quốc gia năm 2022 và thành lập Công ty cổ phần Bóng đá chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý. Phương án thứ 3 là chuyển giao cho doanh nghiệp quản lý, đầu tư đội tuyển “X - Bình Thuận” theo hướng sở chức năng sẽ chuyển giao toàn bộ đội tuyển bóng đá cho 1 doanh nghiệp quản lý, đầu tư.
Thực tế cho thấy cả 3 phương án đều có ưu điểm lẫn hạn chế, tuy nhiên qua đánh giá thì dự thảo đề án đề xuất chọn phương án thành lập Công ty Cổ phần Bóng đá Bình Thuận, chuyển giao đội tuyển cho công ty điều hành quản lý. Phương án này được xem là phù hợp với xu thế phát triển bóng đá chuyên nghiệp, đảm bảo quy định của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam khi tham gia các giải bóng đá chuyên nghiệp. Bên cạnh đó còn huy động tổng hợp được các nguồn lực trong xã hội để đầu tư phát triển bóng đá, kinh doanh dưới hình thức đa dạng hóa sở hữu nên sẽ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động…
Có thể nói, việc xây dựng và đầu tư đội tuyển bóng đá Bình Thuận để tham gia thi đấu các giải bóng đá chuyên nghiệp quốc gia không chỉ là mục tiêu mà thể thao thành tích cao tỉnh nhà hướng đến, đó còn là kỳ vọng chung của người hâm mộ địa phương.
Ở giai đoạn vừa qua (từ năm 2017 - 2020), đội tuyển bóng đá Bình Thuận vẫn được duy trì và thường xuyên có mặt tại Giải Bóng đá hạng nhì quốc gia do Liên đoàn Bóng đá Việt Nam tổ chức hàng năm. Theo sở chức năng, dù địa phương còn nhiều khó khăn về chế độ chính sách, lương thưởng, cơ sở vật chất… nhưng thành tích thi đấu của đội tuyển luôn ổn định và hoàn thành được chỉ tiêu được giao. Như năm 2017, đội tuyển tỉnh nhà đã vượt qua vòng loại và được vào vòng chung kết nhưng thi đấu không thành công, mất cơ hội thăng hạng nhất. Tiếp đến năm 2018 và 2019, đội tuyển Bóng đá Bình Thuận xếp hạng 3/7 đội ở vòng loại và năm 2020 xếp hạng 4/8 đội. |
Quốc Tín