Theo dõi trên

Bưởi da xanh ruột hồng bén duyên trên vùng đất cát

11/02/2025, 05:10

Khoảng 5 năm gần đây nhiều nông dân ở huyện Hàm Thuận Bắc đã mạnh dạn chuyển sang trồng bưởi da xanh thay thế thanh long đã mang lại hiệu quả kinh tế. Trong đó, vườn bưởi da xanh ruột hồng của gia đình chị Nguyễn Thị Ân – thôn 3, xã Hàm Đức cho thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm là một điển hình.

vlcsnap-2025-02-05-16h03m22s688.png

Vườn bưởi của chị Ân nằm ven động cát Giếng Học thuộc thôn 3, xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc. Vùng này tầng đất cát dày, có nguồn nước gió chảy quanh năm, thích hợp với nhiều loại cây ăn trái phát triển. Hơn 5 năm trước, trên diện tích đất này, gia đình chị Ân sản xuất thanh long đạt hiệu quả kinh tế khá cao; nhưng về sau cây trồng này phát sinh bệnh đốm nâu, tốn nhiều chi phí nhưng đầu ra trái thanh long giá luôn biến động, thất thường, có thời điểm giảm sâu, hiệu quả kinh tế thấp; từ đó gia đình chị Ân quyết định chuyển sang cây trồng khác. Chị Ân chia sẻ: Bước đầu gia đình thử nghiệm trồng 100 cây bưởi da xanh ruột hồng. Áp dụng hiệu quả các phương pháp, kỹ thuật trồng, chăm sóc, cây bưởi phát triển tốt, cho nhiều trái; bưởi có vị ngọt lịm và thơm, được người tiêu dùng ưa chuộng, giá bán ổn định khoảng 30.000 đồng/kg, chủ yếu khách quen tại địa phương. Từ đó, gia đình nâng số lượng cây trồng này lên 200 cây trên diện tích đất khoảng 5 sào; 200 cây bưởi này cho thu hoạch ổn định từ 2 năm qua. Bưởi phát triển tốt và cho trái quanh năm; bưởi từ khi ra hoa, đậu trái đến khi xuất bán có thời gian khoảng 8 tháng. Trong dịp Tết Ất Tỵ 2025, vườn bưởi của chị Ân có khoảng 300 trái; bình quân khoảng 2 kg/trái, sản lượng khoảng 6 tạ; giá bán tăng lên từ 45.000 – 50.000 đồng/kg, gia đình thu từ 27 – 30 triệu đồng. Để có sản lượng bưởi trên, gia đình đã áp dụng phương pháp xử lý cành, kích thích cho bưởi ra hoa ngay từ đầu tháng 2 năm 2024.

Kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bưởi da xanh ruột hồng cũng đơn giản, chủ yếu tưới nước, bón phân theo định kỳ đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng của cây. Mỗi năm bón 2 lần phân chuồng; mỗi tháng bón 1 lần phân NPK, tùy mức độ sinh trưởng và phát triển của mỗi cây bưởi mà cân đối liều lượng bón phân cho thích hợp. Đối tượng sâu bệnh hại chủ yếu là sâu vẽ bùa; nhưng sâu chỉ xuất hiện và gây hại khi bưởi ra đọt non, do đó biện pháp phòng trừ hiệu quả nhất là vào thời điểm khi nhú mầm bắn đọt. Trái bưởi được tuyển chọn và bao từ sớm, nhưng vẫn thường xuyên theo dõi, nếu phát hiện có biểu hiện nhiễm nấm bệnh gây hại thì tiến hành phòng trừ, tuyệt nhiên không sử dụng chất kích thích cho trái lớn. 2 năm qua 200 cây bưởi da xanh ruột hồng của gia đình cho thu nhập ổn định khoảng 200 triệu đồng/năm; bình quân mỗi cây thu 1 triệu đồng/năm - chị Ân chia sẻ thêm. Được biết, hiện xã Hàm Đức, huyện Hàm Thuận Bắc có khoảng 15 ha bưởi da xanh đang được nông dân thâm canh đạt hiệu quả kinh tế.

NGUYỄN THƯỜNG


(0) Bình luận
Bài liên quan
Đầu năm, nông dân trồng thanh long phấn khởi vì được giá
Sau thời gian “trồi sụt” của giá cả một số loại nông sản nói chung và thanh long nói riêng, đến thời điểm này, bà con trồng thanh long đúng lứa thu hoạch khá phấn khởi vì có lãi. Về phía các doanh nghiệp, cơ sở thu mua, xuất khẩu thanh long sang thị trường Trung Quốc cũng khá thuận buồm xuôi gió ở những chuyến hàng khởi hành đầu năm.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Bưởi da xanh ruột hồng bén duyên trên vùng đất cát