Theo dõi trên

Ca dao xưa và em

08/03/2024, 05:26

Người phụ nữ xưa sống trong bầu không khí chế độ nam quyền, ở đó vị trí, tư cách, nhân phẩm, quyền lợi của người phụ nữ đa số bị thiết chế mọi lẽ, thiệt thòi từ trong gia đình ra ngoài xã hội. Nỗi niềm biết tỏ cùng ai, nên họ đành gửi gắm vào ca dao bày tỏ nỗi lòng tâm sự ngọt bùi cay đắng – chủ yếu là đắng cay để giao cảm sẻ chia với tha nhân trên cõi đời này.

Đến nay có nhiều sưu tầm nghiên cứu về tính nữ quyền trong ca dao. Ở bài viết này, chỉ nêu một vài cảm nhận ở mấy bài ca dao xưa với tiếng lòng cảm thương về người phụ nữ trong tình yêu đôi lứa.

phunu.jpg

Người con gái xưa họ cũng rạo rực nhớ nhung mơ ước duyên tình về người mình thương, những ước mơ sao mà bình dị, lịch sự, dịu dàng, tế nhị, lãng mạn đến thương đi thế: “Ước gì sông rộng một gang,/ Bắc cầu dải yếm cho chàng sang chơi.” Nói đến sông nước đò ngang là chỉ sự khó khăn đi lại trong quan hệ giao tiếp, Nguyễn Bính từng đặt vấn đề trong Tương tư: “Bảo rằng cách trở đò giang,/ Không sang là chẳng đường sang đã đành.” Chính thế nên cô gái kia mới ước sao cho không gian ngăn trở hẹp lại, “sông rộng một gang” thôi, khoảng cách như thế mới “bắc cầu giải yếm” qua được. Thời tôi còn nhỏ, chỉ thấy thế hệ các bà, các mẹ mặc yếm, chứ qua thế hệ các chị về sau thì chiếc yếm hầu như vắng bóng, thay vào áo lót gọn nhẹ và hiện đại hơn nhiều, đẹp theo kiểu khác. Có lẽ đa số cô gái mới lớn ngày nay chắc không mấy ai biết đến cái yếm, có chăng chỉ thấy qua những tấm ảnh thời quá khứ còn lưu giữ lại. Cái yếm – áo lót cổ điển xa xưa ấy tưởng như vừa là “pháo đài” bảo vệ sự an toàn kín đáo phía trước nhưng lại vừa để khoe cái lưng hở phía sau làm duyên hấp dẫn để không biết bao chàng trai phải thương thầm mê mệt hướng về thốt lên: “Hỡi em yếm thắm, lụa đào...”. Ước mơ của quý cô dịu dàng nhưng cũng rất mạnh mẽ, dám thách thức tỏ tình tháo cái dải yếm kia ra để bắc cầu cho anh sang chơi. Chiếc cầu là phương tiện để nối hai bờ khoảng cách, mà ở đây là cầu dải yếm nghe mới mong manh, dòng sông rộng một gang là không thực, mà chiếc cầu dải yếm cũng không thực. Có ai hiểu đó là chuyện thực đâu, mà là tưởng tượng ước mơ từ một phía, song tưởng tượng ấy là cả tấm lòng, là con tim, mới huyền diệu và lãng mạn vô cùng.

Nhưng rồi đến lúc mọi thứ cũng trở về hiện thực, dẫu có hay không có chiếc cầu dải yếm anh cũng sang và sự tình đã diễn ra vô cùng phức tạp. Khi ấy lại làm cho em thất vọng, cái chàng trai kia tệ lắm, khi đến với nhau rồi mới bộc lộ ra, để em phải thở than nghe đến thắt lòng: “Anh nói với em:/ Như rìu chém đá/ Như rựa chém đất/ Như mật rót vào tai/ Bây giờ anh đã nghe ai/ Bỏ em giữa chốn non đoài bơ vơ”. Em nhìn nhận ở anh ba cung bậc trong lời nói với em: “rìu chém đá” (hay dao chém đá) nội hàm cũng giống như “rựa chém đất”. Tức nói một cách chắc chắn, dứt khoát, quả quyết, đã nói là không thay đổi nữa. Tiếp đến là nói “như mật rót vào tai” – Đại Từ điển Tiếng Việt giải thích: Nói rành rọt bằng giọng nói ngọt ngào, dịu dàng có sức thuyết phục, cuốn hút người nghe, ai chẳng tin, chẳng nghe theo, làm theo. Nhưng trong ba cung bậc này cũng gợi cho người nghe liên tưởng đến âm thanh phát ra khi vật va chạm vào nhau: rìu chém đá âm thanh khô khốc dữ dội, giọng nói mà khô khốc dữ dội chứng tỏ tâm lý người phát ngôn nóng giận. “Rựa chém đất” phát âm bình thường, chứng tỏ lúc này là giọng nói tỉnh táo. Đến khi nói “như mật rót vào tai” dẫu không phát ra âm thanh va chạm nào nhưng đó là giọng điệu ngọt ngào âu yếm. Nghĩa là em biết hết, nhưng em vẫn tin tưởng anh. Thế mà “Bây giờ anh đã nghe ai” – Nghe ai có nhiều nguyên nhân lắm, nghe theo lời cản trở của mẹ cha, hay nghe lời ong kia bướm nọ mà ruồng rẫy, phũ phàng “Bỏ em giữa chốn non đoài bơ vơ”!? Không gian “giữa chốn non đoài” – trong thơ ca xưa khi nói non đoài là nhằm chỉ núi về phía trời tây, thường ám chỉ thời gian chiều tàn. Cái phương hướng và bóng chiều rất buồn ấy đã từng xuất hiện trong thơ Truyện Kiều – Nguyễn Du: Trông ra ác đã ngậm gương non đoài (câu 366), chỉ lúc mặt trời xuống núi, để lại cái khoảng trống ngày tàn trong trạng thái bơ vơ nghe nó hoang vu lạc lõng, lẻ loi, không nơi nương tựa, đáng sợ làm sao với thân phận người con gái!

Đó là cảm nhận đôi nét về nỗi niềm của người con gái trong ca dao xưa. Vừa rồi có gặp một nhóm bạn nữ trẻ, tôi nói về hai bài ca dao ấy, quý cô cười. Một cô nhìn tôi nói, cô gái trong bài ca dao ấy đáng thương và đáng quý, ngày nay cũng không thiếu người cả tin vào lời đường mật để ôm hận cả đời. Nhưng dại gì để lụy đến thân như vậy, phụ nữ chỉ mới một nửa của thế giới này thôi, có thừa đâu mà lụy. Rồi đọc bài ca dao: “Ba đồng một mớ đàn ông/ Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha/ Ba trăm một vị đàn bà/ Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi”. Cô nhìn tôi: Anh sợ chưa ? Và cả nhóm bạn nữ vỗ vai nhau cười thỏa thích.

Nhân Ngày Phụ nữ Việt Nam 8 tháng 3, dẫu biết chị em bây giờ khác lắm ngày xưa, nhưng tôi viết mấy dòng này để cùng cảm nhận nhịp đập con tim bất cứ thời nào cũng đều huyền diệu, trân trọng sẻ chia, tình yêu từ thuở ban sơ cho đến bây giờ, và mãi về sau, khi nào cũng mới, đáng quý để nâng niu.

VÕ NGUYÊN


(0) Bình luận
Bài liên quan
Phối hợp chăm sóc trẻ em phát triển toàn diện
Để thực hiện các quyền của trẻ em, giai đoạn 2024 – 2030, những trẻ em có vấn đề về sức khỏe tâm thần, trẻ em mồ côi sẽ được tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ phù hợp, qua đó, góp phần giúp trẻ phát triển thể chất và trí tuệ toàn diện.
Nổi bật

Phê duyệt hơn 9,6 tỷ đồng sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu tỉnh
BTO-Chiều 1/11, ông Huỳnh Ngọc Tâm - Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch cho hay, Sở kế hoạch và đầu tư đã ký quyết định phê duyệt dự án Sửa chữa Trung tâm Đào tạo, huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao tỉnh (cơ sở 2, đường Hải Thượng Lãn Ông). Dự án này sẽ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh làm chủ đầu tư.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Ca dao xưa và em