Cá chết theo nước dồn về khu vực gần cầu Sông Giêng thuộc thôn 2, xã Tân Đức. |
Bất thường trên 700 m sông
Những ngày đầu tháng 6/2021, vùng Tân Đức – Hàm Tân xuất hiện những cơn mưa lớn thì ngày 4/6, người dân phát hiện trên sông Giêng, cá chết dạt trắng bờ. Sau đó, UBND huyện Hàm Tân đã chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với UBND xã Tân Đức tiến hành kiểm tra. Theo báo cáo nhanh của UBND huyện Hàm Tân, tại 6 vị trí trên sông Giêng gần khu vực nhà máy cồn Tùng Lâm vốn thuộc địa bàn huyện Xuân Lộc – Đồng Nai, nằm giáp ranh với xã Tân Đức – Bình Thuận mà tổ kiểm tra thì đoạn thượng nguồn của nhà máy, tại hồ số 4, nguồn nước không có hiện tượng bị ô nhiễm, nước có màu vàng tự nhiên, không thấy cá chết. Tuy nhiên, 5 vị trí còn lại thuộc hạ nguồn của Nhà máy cồn Tùng Lâm thì nguồn nước bất thường, cá chết nổi lên chỗ thưa, chỗ dày.
Cụ thể, tại vị trí sông thuộc khu vực công trình xử lý nước thải của nhà máy thuộc hồ số 2 và 3 thì nguồn nước có màu vàng nhạt, nổi bọt và thấy có cá chết nổi lên. Tiếp đó, đoạn tại vườn ổi một nhà dân cách nhà máy cồn Tùng Lâm về hạ nguồn khoảng 250 m và một vị trí khác cách đó 350 m, nguồn nước đều đã bị ô nhiễm có màu đen, bốc mùi hôi và có cá chết hàng loạt nổi lên. Ở xa hơn, đoạn sông sau nhà 1 hộ dân khác cách nhà máy Tùng Lâm về hạ nguồn khoảng 500 m và cả đoạn tại cầu Sông Giêng cũng cách mốc nhà máy khoảng 500 - 700 m thì đều ghi nhận tình cảnh nguồn nước có màu đen sẫm, bốc mùi và cá chết hàng loạt nổi lên. Nhưng khi tổ đến kiểm tra và làm việc với nhà máy cồn Tùng lâm bằng biện pháp thông thường như đi tìm các đường ống xung quanh… thì không phát hiện các dấu hiệu xả thải từ nhà máy cũng như bị sự cố gì. Thêm nữa, đại diện Nhà máy cồn Tùng lâm trình bày là nhà máy ngừng hoạt động cách đó 1 tuần, tức vào khoảng ngày 30/5/2021.
4 - 5 ngày qua, ở đây trời mưa lớn, nước sông Giêng, nhất là ở đoạn bị ô nhiễm cũng phai nên đã bay hết mùi loang trong không khí, cá chết cũng trôi qua sông Dinh rồi đổ ra biển. Thêm một lần nữa ghi nhận trên dòng sông này có thời điểm bị ô nhiễm nguồn nước, có cá chết nhưng không biết chính xác thủ phạm gây ra.
Cần giải pháp căn cơ
Đây không phải lần đầu xảy ra tình huống thấy hậu quả rõ ràng nhưng không tìm được nguyên nhân, thủ phạm rõ ràng. Chuyện các cơ sở chế biến tinh bột mì, sản xuất cồn ở Đồng Nai đóng chân trên vùng đầu nguồn ở phía bên kia sông Giêng xả thải gây ô nhiễm nguồn nước sông này đã xảy ra từ nhiều năm trước. Sau nhiều năm phối hợp, siết chặt từ các ngành chức năng giữa 2 tỉnh thì tình hình nguồn nước sông Giêng đỡ hơn rất nhiều. Nhưng 2 - 3 năm trở lại đây, cứ vào mùa mưa là có nhà máy nào đó lén lút xả thải theo kiểu như “đánh du kích” rồi rút êm, cơ quan chức năng rất khó tìm đúng đối tượng vi phạm. Như năm 2019, cũng xảy ra tình huống tương tự như năm nay, từ yêu cầu của Bình Thuận, ngành chức năng bên Đồng Nai đi kiểm tra thì hầu hết các cơ sở ở đây đều có hệ thống xử lý nước thải ra môi trường hết. Vì vậy với lần này, UBND huyện Hàm Tân đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường có biện pháp nghiệp vụ chuyên môn và phương tiện máy móc cần thiết nhanh chóng triển khai lấy mẫu phân tích để đánh giá cụ thể nguồn nước bị ô nhiễm hóa chất gì để phân loại nguồn nhiễm. Nhất là giải thích được vì sao nguồn nước sông Giêng đi qua khu vực Nhà máy cồn Tùng Lâm về thượng nguồn không có dấu hiệu ô nhiễm mà về hạ nguồn, nước đục ngầu, bốc mùi và cá chết nổi lên vào đúng ngày 4/6.
Theo lãnh đạo Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường), sở đang kiến nghị UBND tỉnh có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai chỉ đạo ngành chức năng đi kiểm tra các cơ sở này. Khi đi có phối hợp với các thành phần liên quan của Bình Thuận để tìm chứng cứ xác thực cũng như đề xuất biện pháp căn cơ nhằm ngăn chặn tình trạng lén lút xả thải…
HẢo Chi