Đồng bào dân tộc thiểu số cư trú rộng khắp các địa bàn trong huyện với hình thức phổ biến là sống xen kẽ. Riêng một số dân tộc thiểu số sống thành các xã, thôn thuần như các dân tộc: Rắc lây (Rai), Cơ Ho, Chăm, Tày, Nùng, Hoa.
Trong những năm qua công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin được huyện Bắc Bình đầu tư để đồng bào khai thác sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất ở địa phương nhằm phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật. Hướng dẫn công tác tiếp nhận, quản lý, sử dụng, khai thác, bảo quản, lưu giữ các ấn phẩm báo, tạp chí được cấp đến với đồng bào và các đối tượng thụ hưởng.
Bắc Bình còn được biết đến là một huyện có nhiều đồng bào sinh sống, phân bố chủ yếu ở miền núi, vùng cao nên việc chuyển phát các ấn phẩm, tạp chí đến các xã, thôn còn nhiều khó khăn. Việc quản lý sử dụng, phương pháp hình thức tuyên truyền chưa phong phú đa dạng, phần lớn đồng bào chưa thật sự quan tâm các thông tin trên các ấn phẩm, tạp chí. Khả năng vận dụng các mô hình hay để phát huy nhân rộng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân của từng địa phương chưa nhiều.
Chính vì thế, huyện Bắc Bình đã chỉ đạo các ngành, địa phương cần phải quan tâm hơn nữa đến đời sống văn hóa, tinh thần đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Qua hơn 1 năm gần đây, huyện Bắc Bình đã chỉ đạo các ngành liên quan cấp phát 18 loại báo, tạp chí cho 131 tập thể và 39 cá nhân là người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cung cấp mã báo 18 loại với số lượng 26.740 tờ các ấn phẩm báo, tạp chí. Đơn vị phát hành báo ở địa phương trực tiếp là Bưu điện huyện đã thực hiện khá tốt việc tiếp nhận, mở sổ sách theo dõi từ đơn vị phát hành từng kỳ xuất bản đến cung ứng và chuyển phát các ấn phẩm báo, tạp chí tới địa bàn, đối tượng thụ hưởng.
Đồng thời có cơ chế, điều kiện thuận lợi cho đội ngũ làm nhiệm vụ chuyển phát nhằm đưa nhanh, kịp thời các ấn phẩm báo, tạp chí theo kỳ phát hành đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.Đối tượng thụ hưởng đảm bảo, đúng đối tượng, đủ số lượng, đúng địa chỉ và đã khắc phục tình trạng phát dồn, trễ hạn.
Nội dung các ấn phẩm báo, tạp chí đa dạng, phong phú về nhiều lĩnh vực phù hợp với từng đối tượng như: tình hình chính trị trong nước và quốc tế, phản ánh tình hình phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc và miền núi, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, phổ biến và tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước, phản ánh trung thực, khách quan thành tựu và những tiến bộ đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc…
Từ đó, đã giúp đồng bào dân tộc thiểu số từng bước học hỏi nâng cao kiến thức, thay đổi tư duy biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, chọn các cây, con giống tăng năng suất có giá trị kinh tế cao nhằm ổn định đời sống gia đình, tăng thu nhập góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững, giữ vững khối đại đoàn kết và an ninh chính trị, trật tự xã hội ở địa phương.
Công tác kiểm tra, giám sát việc cấp phát các ấn phẩm báo, tạp chí cho đối tượng thụ hưởng được cấp huyện, cấp xã quan tâm thông qua các đợt tiếp xúc cử tri, các đợt giám sát các chương trình, dự án, chính sách đã và đang triển khai thực hiện trong vùng dân tộc thiểu số, niền núi, vùng đặc biệt khó khăn của huyện. Các chế độ, chính sách của Đảng và Nhà nước, các mô hình sản xuất kinh doanh, bản sắc văn hóa dân tộc, gương người tốt việc tốt được bà con học tập, vận dụng vào điều kiện cụ thể.
Việc tiếp nhận, cung ứng, chuyển phát hành bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, đúng địa chỉ, đồng thời, thường xuyên rà soát, đánh giá chất lượng nội dung, hình thức, hiệu quả tuyên truyền của các ấn phẩm báo, tạp chí được cấp cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn của huyện….
PHAN LIÊN