Nhiều công ty và các trung tâm nghiên cứu tại Italy đang thúc giục chính phủ cho phép mở cửa lại các cơ sở sản xuất để tránh thảm họa kinh tế, trong khi thế giới theo dõi xem quốc gia phương Tây đầu tiên áp lệnh phong tỏa có thể giải thoát chính mình khỏi các biện pháp chưa từng thấy hay không.
Đây cũng là vẫn đề gây tranh cãi ở nhiều nơi trên khắp thế giới: Những lệnh cấm nhằm hỗ trợ cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 có thể kéo dài bao lâu trước khi nó gây ra những hậu quả không thể đảo ngược, khi mà các doanh nghiệp đang “chết chìm” và một bộ phận không nhỏ trong dân số thất nghiệp?
Một khu chợ trên quảng trường San Giovanni bị đóng cửa do lệnh phong tỏa toàn quốc ở Italy ngày 15/3. Ảnh: Reuters |
Italy phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan không phải chỉ vì các biện pháp phong tỏa được áp đặt lâu hơn so với hầu hết các nước khác hay nước này có số ca tử vong do Covid-19 cao nhất thế giới, mà còn vì dịch bệnh này đã ảnh hưởng tới những trung tâm công nghiệp miền Bắc – nơi có thể tạo ra 1/3 sản lượng kinh tế của nước này.
“Tôi sẽ phải trả lương cho nhân viên thế nào nếu tôi không thể kiếm ra tiền? Tôi sẽ giữ chân các khách hàng người Mỹ ra sao nếu tôi ở vị thế không thể tôn trọng bất cứ hợp đồng nào?”, Giulia Svegliado, Giám đốc điều hành của Celenit, một nhà sản xuất tấm cách điện công nghiệp ở thị trấn Padua, bày tỏ.
Khoảng 150 trung tâm nghiên cứu ở Italy cũng đăng tải một lá thư trên nhật báo tài chính Il Sole-24 Ore kêu gọi chính phủ gỡ bỏ phong tỏa đối với nền kinh tế.
“Hậu quả kinh tế và xã hội có thể gây ra những thiệt hại không thể khắc phục được, thậm chí có thể nghiêm trọng hơn cả những gì chính dịch bệnh Covid-19 có thể gây ra”, lá thư nhấn mạnh.
Hơn 2 tuần sau khi chính phủ ra lệnh đóng tất cả các cơ sở sản xuất không thiết yếu, các doanh nghiệp Italy giờ đây đang kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm này để tránh tình trạng các doanh nghiệp mất lao động, còn người lao động mất việc làm.
Italy áp lệnh phong tỏa toàn quốc từ ngày 9/3. Hai tuần sau đó, Thủ tướng Giuseppe Conte ra lệnh đóng cửa các cơ sở sản xuất không thiết yếu trong đó có sản xuất ô tô, hàng may mặc và đồ gỗ nội thất, tới 3/4.
Khi số người chết do Covid-19 vẫn không ngừng gia tăng và hiện đã lên tới hơn 16.500, chính phủ Italy quyết định kéo dài các biện pháp hạn chế tới 13/4 và được dự đoán là sẽ lại tiếp tục hạn thêm 3 tuần nữa.
Tuy nhiên, hôm 4/4 Italy đánh dấu lần đầu tiên số ca tử vong ghi nhận trong ngày thấp nhất trong gần 2 tuần và lần đầu tiên số bệnh nhân phải chăm sóc đặc biệt đã giảm. Điều này khiến nhiều người hy vọng dịch bệnh có thể đã chạm đỉnh ở Italy và giờ đây Italy sẽ tập trung vào giai đoạn 2 của cuộc khủng hoảng.
Dỡ bỏ phong tỏa dần dần?
Hầu hết các doanh nghiệp đều đánh giá các lệnh phong tỏa để đảm bảo sức khỏe cộng đồng là điều cần thiết. Bởi nếu các lệnh cấm được dỡ bỏ trước khi sự lây lan của dịch bệnh được ngăn chặn, nhiều người sẽ cảm thấy không đủ tin tưởng để rời khỏi nhà và tham gia vào các hoạt động thương mại.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 6/4 cũng kêu gọi các nước không nên vội vàng dỡ bỏ các biện pháp hạn chế.
“Một trong những yếu tố quan trọng nhất là không nên dỡ bỏ các biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn quá sớm để rồi lại ‘ngã’ thêm lần nữa. Nó tương tự như khi bạn bị ốm và nếu bạn ra khỏi giường quá sớm và đi chạy bộ quá sớm, bạn có nguy cơ ngã bệnh trở lại và sẽ có những biến chứng nặng hơn”, người phát ngôn WHO Christian Lindmeier nói.
Các doanh nghiệp Italy kêu gọi dỡ bỏ lệnh cấm để tránh tình trạng các doanh nghiệp mất lao động, còn người lao động mất việc làm. Ảnh minh họa: Reuters |
Điều khiến nhiều người ở Italy lo ngại là thiếu một kế hoạch chính thức về việc làm thế nào để dỡ bỏ các biện pháp hạn chế một cách an toàn. Các công ty ở nền kinh tế lớn thứ 3 khu vực đồng euro muốn chính phủ tính đến một chiến lược dỡ bỏ dần cac biện pháp phong tỏa.
“Tôi hy vọng Chính phủ đặt ra những quy tắc chặt chẽ về an ninh rồi sau đó cho chúng tôi có thể trở lại làm việc”, Stefano Ruaro, nhà sáng lập Sertech Elettronica sản xuất các linh kiện điện tử, phần mềm ở Vicenza cho biết.
Tới nay, giới chức nói rằng, lệnh đóng cửa các cơ sở sản xuất không thiết yếu có thể được dỡ bỏ theo từng lĩnh vực hơn là dựa vào cơ sở địa lý. Giãn cách xã hội, các thiết bị bảo hộ cá nhân được sử dụng rộng rãi như khẩu trang và hệ thống y tế địa phương vững chắc sẽ là những yếu tố được tính đến.
Việc xét nghiệm và theo dõi tiếp xúc có thể được mở rộng, trong đó bao gồm cả việc sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh hay các hình thức công nghệ kỹ thuật số khác như Hàn Quốc đã làm.
“Thiệt hại không thể tính toán được”
Vicenza và Padua đều nằm ở vùng Veneto, một trong những khi vực bị ảnh hưởng nặng nhất ở Italy cùng với Lombardy và Emilia Romagna. Mật độ cao các nhà máy và mối liên hệ kinh tế mạnh mẽ với Trung Quốc có thể là 1 phần khiến dịch bệnh lây lan rộng tại khu vực này.
“Chúng tôi nói điều này rất rõ với chính quyền rằng ‘Cần phải khẩn trương’. Việc đóng cửa đã gây ra những thiệt hại không thể tính toán được”, Cesare Mastroianni, Phó chủ tịch Absolute, một nhà sản xuất du thuyền hạng sang ở Emilia Romagna nói về việc dỡ bỏ lệnh đóng cửa sản xuất.
Trong khi đó, một số hiệp hội thương mại cho rằng bảo vệ sức khỏe phải đặt trên sự thịnh vượng. Dù nhiều công ty đang thúc đẩy chính phủ về kế hoạch mở cửa trở lại các nhà máy, họ cũng không muốn đặt các nhân viên của mình vào rủi ro.
“Tôi không thể mở cửa trở lại chừng nào còn có mối đe dọa khiến các nhân viên của tôi mắc bệnh. Tôi sẽ mở cửa trở lại khi những cơ quan có trách nhiệm quyết định rằng việc này là có thể thực hiện”, Gaetano Bergami, nhà sáng lập BMC, nhà sản xuất bộ lọc khí cho xe gắn máy và ngành công nghiệp tự động, khẳng định.
Theo dự báo, GDP của Italy dự kiến sẽ giảm 6% trong năm nay, nợ công có thể lên tới 150% GDP và hàng nghìn người đang đề nghị được chính phủ hỗ trợ. Những yếu tố này làm gia tăng áp lực đối với Thủ tướng Conte về các kế hoạch phục hồi nền kinh tế.
“Chúng ta không thể chờ cho mọi thứ qua đi. Nếu chúng ta vẫn đóng cửa thì mọi người sẽ chết đói”, Cựu Thủ tướng Matteo Renzi, lãnh đạo đảng cầm quyền Italy Viva nói với tờ L’Avvenire.
Xét nghiệm kháng thể cho người lao động?
Giới chức ở miền Bắc Italy đã bắt đầu tiến hành xét nghiệm kháng thể đối với các nhân viên y tế để xác định những ai đã có cơ chế miễn dịch với Covid-19. Mục đích của các xét nghiệm này có thể cho phép giới chức cấp “chứng chỉ” cho các cá nhân đã miễn dịch với virus SARS-CoV-2 (gây dịch bệnh Covid-19) để họ có thể trở lại làm việc.
Franco Locatelli, người đứng đầu Hội đồng y tế tối cao Italy, nói rằng các xét nghiệm kháng thể đáng tin cậy nhằm tìm ra ai từng nhiễm virus SARS-CoV-2 và đã hình hành cơ chế miễn dịch, có thể đem lại bức tranh tươi sáng hơn về tình hình dịch Covid-19 ở Italy.
Tuy nhiên, nó có thể mất tới 1 tháng nữa trước khi giới chức y tế có thể đưa ra các khuyến cáo về kế hoạch tiến hành xét nghiệm hình thức này trên toàn quốc, ông Locatelli nói.
Một số lãnh đạo doanh nghiệp nói rằng, họ sẵn lòng bỏ tiền túi để xét nghiệm cho các nhân viên nếu điều đó giúp đẩy nhanh quá trình dần mở cửa trở lại các hoạt động của họ.
Hoàng Phạm/VOV