Theo dõi trên

Cách làm hay trong tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ cho học sinh

28/06/2017, 10:29

BT- Thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân huyện Hàm Thuận Bắc (giai đoạn 1930 - 1975) được triển khai rộng khắp trên địa bàn huyện. Trong đó, Chi bộ Trường THCS Ma Lâm đã có những cách làm hay, phát huy hiệu quả và đạt nhiều kết quả đáng khích lệ.

                
Trường THCS Ma Lâm tổ chức đêm dạ hội lịch    sử.

Trong việc dạy và học môn lịch sử, nếu học sinh chỉ học thuộc, ghi nhớ các sự kiện, những số liệu, ngày tháng... một cách khô khan, máy móc qua cách dạy truyền thống “đọc - chép” trên lớp thì việc tuyên truyền, giáo dục lịch sử nói chung và lịch sử địa phương nói riêng sẽ không thể đạt hiệu quả. Nắm bắt được điều đó, Trường THCS Ma Lâm ngoài việc lồng ghép nội dung lịch sử địa phương trong chương trình học, đã triển khai nhiều chương trình ngoại khóa nói về chủ đề lịch sử  như triển lãm tranh, ảnh nhân vật, sự kiện lịch sử; giáo dục đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” bằng việc tổ chức cho học sinh đi tìm hiểu, viếng thăm và thắp hương tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ tại nhà bia 200C; tổ chức hội diễn văn nghệ, hội trại, dạ hội lịch sử... thông qua đó tái hiện các sự kiện lịch sử quan trọng của huyện nhà.

Thầy Đặng Văn Minh - Hiệu trưởng Trường THCS Ma Lâm, cho biết: Việc tổ chức hoạt động ngoại khóa môn lịch sử là một trong những biện pháp hữu hiệu để nâng cao chất lượng dạy và học bộ môn lịch sử ở các đơn vị trường học. Qua các hoạt động như vậy, chúng tôi nhận thấy hầu hết các em học sinh đều hào hứng tham gia, buổi sinh hoạt cũng trở nên sinh động hơn. Qua đó, giúp các em học sinh hiểu rõ và tự hào về truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ và nhân dân địa phương, phát huy truyền thống cách mạng, tích cực phấn đấu rèn luyện để trở thành những công dân tốt, tham gia vào công cuộc xây dựng bảo vệ đất nước, quê hương trong thời kỳ mới. Theo thầy Minh, công tác tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ huyện ở các chi bộ trường học tuy được thực hiện hiệu quả và có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn tồn tại rất nhiều khó khăn, trở ngại. Các giáo viên giảng dạy bộ môn lịch sử và Bí thư chi bộ còn lúng túng trong xây dựng đề cương, xây dựng nhân vật, sự kiện lịch sử để tổ chức giáo dục truyền thống địa phương cho học sinh. Một số học sinh chưa có hứng thú và thái độ học tập đúng đắn các môn khoa học xã hội, nhất là môn lịch sử địa phương vì cho rằng đó là môn học không giúp ích nhiều trong tương lai. Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh không coi trọng, cũng không khuyến khích các em học bộ môn lịch sử, nên ảnh hưởng đến ý thức và chất lượng học tập môn học này.

“Để khắc phục những khó khăn trên, trong thời gian tới, nhà trường sẽ tiếp tục bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho các giáo viên, chọn cử những giáo viên có năng lực để giảng dạy các tiết lịch sử địa phương ở các khối lớp. Tăng cường tổ chức các buổi tham quan ngoại khóa cho giáo viên và học sinh để tìm hiểu về các di tích lịch sử của tỉnh. Ngoài ra, trong năm học tới nhà trường sẽ có thêm nhiều hình thức mới để phục vụ tốt hơn cho công tác tuyên truyền, giáo dục”, thầy Minh chia sẻ.

K.CHI



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Phát huy truyền thống lịch sử hào hùng, vững bước xây dựng quê hương
Trong không khí hào hùng của những ngày tháng tư lịch sử, mỗi người dân Bình Thuận lại bồi hồi nhớ về thời khắc thiêng liêng của 49 năm trước, đó là Ngày giải phóng quê hương (19/4/1975) và Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975). Gần nửa thế kỷ sau khúc ca khải hoàn, vượt qua bao khó khăn, thách thức, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Bình Thuận đã và đang nỗ lực xây dựng quê hương, những đổi thay hôm nay mang dấu ấn thật đáng tự hào.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cách làm hay trong tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng bộ cho học sinh