Theo dõi trên

Cải cách hành chính hướng tới xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp

21/12/2023, 05:12

Năm 2024, Bình Thuận đặt mục tiêu “Giảm hồ sơ trễ hẹn, tăng sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không tiền mặt”. Để đạt mục tiêu trên, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng yêu cầu các sở, ban, ngành liên quan xác định cải cách hành chính (CCHC) là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác CCHC...

Tập trung chỉ đạo CCHC

Theo đánh giá của UBND tỉnh, từ đầu năm đến nay, nhờ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác CCHC nhà nước trên địa bàn tỉnh, các cấp, các ngành đã tăng cường chỉ đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp góp phần khắc phục các tồn tại, hạn chế qua kết quả công bố Chỉ số CCHC của tỉnh. Bên cạnh đó, công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được tiếp tục quan tâm chỉ đạo, cơ chế một cửa, một cửa liên thông trong tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả hồ sơ hành chính cho tổ chức, cá nhân được duy trì nề nếp.

z4682712373345_70d08c92e471a4e9170d128536c54a08.jpg
Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Bình Thuận. Ảnh: Đ.Hòa

Các sở, ban, ngành và địa phương tiếp tục duy trì thực hiện tiếp nhận, giải quyết và trả kết quả TTHC cho tổ chức, cá nhân thông qua Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận “Một cửa” cấp huyện, cấp xã. Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện thí điểm tiếp nhận và trả kết quả không phụ thuộc vào địa giới hành chính trên địa bàn tỉnh đối với 13 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các ngành: Công Thương; Giao thông vận tải; Tư pháp; Khoa học và Công nghệ; Thông tin và Truyền thông; Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện tiếp nhận, trả kết quả tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận “Một cửa” cấp huyện.

Đối với Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh hoạt động phát huy có hiệu quả được người dân, doanh nghiệp đồng tình ủng hộ; các TTHC đã được thường xuyên kiểm tra, rà soát, công bố chuẩn hóa và niêm yết công khai; dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến và dịch vụ bưu chính công ích ngày được mở rộng. Cơ sở vật chất và trang thiết bị làm việc, phần mềm quản lý, theo dõi tại bộ phận một cửa các cấp được tiếp tục đầu tư, nâng cấp...

Theo nhận định của UBND tỉnh, công tác lãnh đạo, chỉ đạo CCHC của tỉnh đã có chuyển biến và đạt được những kết quả nhất định; tuy nhiên một số đơn vị, địa phương vẫn chưa thật sự quyết liệt; việc thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số, số hóa các tài liệu, ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, đất đai... gắn với công tác CCHC chưa đồng bộ, kịp thời. Bên cạnh đó, ý thức trách nhiệm phục vụ tổ chức, người dân trong giải quyết hồ sơ hành chính của một số công chức, viên chức chưa cao, chất lượng phục vụ còn hạn chế; vẫn còn tình trạng hồ sơ trễ hẹn, nhất là trên lĩnh vực đất đai. Đối với một số nhiệm vụ về chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh chưa hoàn thành theo đúng tiến độ kế hoạch đã đề ra; phát triển dữ liệu số, nền tảng số còn hạn chế; một số cơ sở dữ liệu chuyên ngành chưa hoàn thành, kết nối liên thông để đưa vào sử dụng, khai thác đồng bộ.

Nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách

Với chủ đề “Giảm hồ sơ trễ hẹn, tăng sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không tiền mặt”, Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Anh Dũng yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức quán triệt đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc quyền quản lý để nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm trong thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ công tác CCHC của tỉnh. Trong đó xác định CCHC là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu trong công tác cải cách hành chính; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức làm thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước và xác định mức độ hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu.

Bên cạnh đó, thủ trưởng các sở, ban, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả, tiến độ thực hiện nhiệm vụ CCHC được giao. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, đánh giá nghiêm túc, trung thực, khách quan kết quả thực hiện CCHC; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xác định rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức trong triển khai từng nhiệm vụ CCHC. Tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác theo dõi, đánh giá chỉ số CCHC của các cơ quan, đơn vị, địa phương; đo lường, xác định chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước phù hợp với Chương trình tổng thể và với yêu cầu thực tiễn. Qua đó, bảo đảm đánh giá toàn diện, khách quan, công bằng, kịp thời, phản ánh đầy đủ, đa chiều kết quả triển khai CCHC tại tỉnh.

Ngoài ra, thường xuyên kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về công tác CCHC, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong phạm vi quản lý, đáp ứng yêu cầu phát triển; thay thế ngay những cán bộ, công chức, viên chức có hành vi gây nhũng nhiễu, phiền hà đối với người dân và doanh nghiệp.

Mặt khác, chủ động đề xuất áp dụng, nhân rộng các sáng kiến, mô hình mới và các giải pháp có tính đột phá để nâng cao hiệu quả thiết thực, tạo chuyển biến rõ nét trong thực hiện CCHC tại các cơ quan và địa phương. Hàng năm, mỗi cơ quan, đơn vị phải có ít nhất 1 giải pháp, sáng kiến về CCHC để áp dụng, nhân rộng trong phạm vi toàn tỉnh gắn với công tác thi đua khen thưởng của đơn vị...

T.HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Lan tỏa Cuộc thi “Tìm hiểu về cải cách hành chính” năm 2023
BTO-Qua gần 1 tháng tổ chức Cuộc thi “Tìm hiểu về cải cách hành chính” tỉnh Bình Thuận năm 2023 với 4 đợt thi, cuộc thi đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn hệ thống, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác cải cách hành chính.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cải cách hành chính hướng tới xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp