Bảng lương của giáo viên sẽ có nhiều điểm sáng
Khi thực hiện cải cách tiền lương sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, thay vào đó sẽ thiết kế lại cơ cấu tiền lương mới dựa trên mức lương cơ bản. Theo đó, cơ cấu tiền lương mới gồm: lương cơ bản (khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (khoảng 30% tổng quỹ lương). Ngoài ra, còn có quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp.
Nghị quyết 27 của Trung ương cũng đã xác định: “Lương nhà giáo được xếp cao nhất trong thang bảng lương hành chính sự nghiệp”. Nhận được thông tin trên, khiến cho không ít đội ngũ giáo viên vui mừng, phấn khởi và kỳ vọng.
Có rất nhiều giáo viên đã chia sẻ: Họ luôn mong chờ nhận được chế độ đãi ngộ tốt hơn để yên tâm công tác, dành thời gian nhiều hơn cho công tác chuyên môn mà không phải suy nghĩ đến gánh nặng cơm áo gạo tiền. “Hiện nay thu nhập của nghề giáo còn rất thấp. Tôi giảng dạy đã trên 12 năm nhưng thu nhập vẫn chưa đủ trang trải cho cuộc sống. Vì vậy, ngoài việc đi dạy, tôi còn phải kiếm thêm thu nhập bằng việc bán hàng online. Khi nghe tin giáo viên thuộc nhóm được tăng lương cao so với mặt bằng chung các nghề nghiệp khác, tôi và các đồng nghiệp rất vui. Hy vọng sẽ sống được bằng lương để tập trung thời gian, tâm trí với nghề”, một giáo viên trên địa bàn thành phố Phan Thiết chia sẻ.
Không riêng gì giáo viên, khi được hỏi về chính sách cải cách tiền lương mới, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức đều bày tỏ sự phấn khởi. Đồng thời, mong muốn chính sách cải cách tiền lương sẽ được triển khai theo đúng tiến độ và lộ trình đã đề ra. “Trước đây và cả đến thời điểm này, lương của tôi thật sự không đủ sống. Tôi thật sự rất mong chờ việc cải cách tiền lương, việc được tăng lương sẽ giúp tôi có nguồn thu nhập tốt hơn để lo cho gia đình và chăm sóc con cái. Từ đó, tôi yên tâm công tác”, chị Thu Hằng, một công chức chia sẻ.
Đảm bảo tiến độ thực hiện
Tính đến thời điểm này, Việt Nam đã trải qua 4 lần cải cách tiền lương nhằm cải thiện đời sống của người hưởng lương, đồng thời góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất lao động. Đó là vào các năm 1960, 1985, 1993 và 2003. Song nhìn thẳng thực tế, chính sách tiền lương vẫn còn nhiều điểm bất cập và hạn chế. Tháng 11/2023, Quốc hội đã chính thức thông qua việc thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1/7/2024 tại Nghị quyết 104/2023/QH15 theo tinh thần của Nghị quyết 27. Nghị quyết 27 này nêu rõ, khi chuyển xếp lương cũ sang lương mới, bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng. Và từ năm 2025, mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 7%/năm.
Cụ thể, sau cải cách tiền lương nếu mức lương trung bình khởi điểm của công chức, viên chức có trình độ đại học tăng từ hệ số 2,34 lên 2,68 thì lương khởi điểm gần 5 triệu đồng/tháng thay vì chỉ hơn 4,2 triệu đồng/tháng như hiện nay. Mức lương cao nhất của công chức, viên chức tương ứng với bậc 3 của chuyên gia cao cấp dự kiến nới từ hệ số 10 lên 12, tức có thể tăng từ 18 triệu đồng/tháng hiện nay lên trên 21 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, cải cách tiền lương còn sắp xếp lại các loại phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương và 10% tiền thưởng. Do đó, tiền lương của công chức, viên chức được cải thiện rất nhiều.
Để đẩy nhanh kế hoạch triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương, tại Nghị quyết 44 của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương ban hành mới đây, Chính phủ giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, địa phương khẩn trương hoàn thiện kỹ lưỡng Tờ trình, Báo cáo Bộ Chính trị về các nội dung cụ thể của chế độ tiền lương mới, điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và trợ giúp xã hội, bảo đảm chất lượng và tiến độ. Chủ động xây dựng các văn bản quy định và công việc cụ thể triển khai chính sách tiền lương mới. Đồng thời đôn đốc các địa phương hoàn thiện hồ sơ và tổ chức thẩm định kịp thời, theo quy định đối với đề án thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính của các địa phương. Tổng hợp kết quả xây dựng và phê duyệt vị trí việc làm của các bộ, cơ quan, địa phương, trong đó tập trung làm rõ những khó khăn, vướng mắc, bất cập và đề xuất giải pháp tháo gỡ, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 25/4/2024.