Người bảo vệ rừng đặc biệt
Buổi xế trưa cuối tháng 10, chúng tôi có mặt Chốt quản lý bảo vệ rừng thuộc Trạm Lâm nghiệp Sông Bình nằm trong khu vực 367 ha, một “điểm nóng” lấn chiếm đất trồng rừng trước đây để đợi gặp ông Nguyễn Hoàng Oanh, nhân viên mới bảo vệ rừng đặc biệt. Chẳng bao lâu, ông Oanh trong bộ đồ trang phục màu xanh lá mạ bảo vệ rừng, điều khiển chiếc xe máy cũ kỹ nhấp nhô trên con đường bùn đất còn nhão nhoẹt sau những cơn mưa cuối mùa. Tôi hơi ngạc nhiên bộ đồ xanh tươi ông mang trên mình, trông khác xa hình ảnh của ông 5 tháng trước đó. Như nhận ra nét bỡ ngỡ của tôi, ông Oanh khẽ cười giải thích: “Tui mới được nhận vào làm hộ nhận khoán bảo vệ rừng ở chốt này của Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận, có việc làm ổn định, đỡ cơ cực lắm. Sáng nay, tui cũng vừa đi giám sát, coi ngó những diện tích bạch đàn mới trồng 3 - 4 tuần của xí nghiệp đã bén rễ lên xanh tươi”. Nói đoạn ông chỉ tay về những vườn bạch đàn non tơ bên cạnh chốt: “Em thấy đó, bạch đàn trồng xuống gặp được mấy trận mưa rễ bám chắc lắm; xí nghiệp cũng không còn lo hư hại do phá hoại như mấy mùa trước nữa. “Điểm nóng” 367 ha trước đây nay đã ổn rồi, không còn ai đi cày phá bạch đàn, keo non nữa, đất trồng rừng được trả về cho xí nghiệp”, ông nở nụ cười ý nhị nhìn qua như biết tôi cũng hiểu điều ấy.
“Được vào làm hộ nhận khoán bảo vệ rừng của xí nghiệp, chú Oanh cảm nhận ra sao?”, tôi hỏi thăm. “Gia đình ở ngoài khu phố Lương Bình, thị trấn Lương Sơn, hoàn cảnh khó khăn lâu nay, tui không có việc làm ổn định, được xí nghiệp nhận làm khoán bảo vệ rừng là may mắn lắm rồi. Được ít nhiều tiền lương, tui cũng chỉ chi tiêu dè sẻn, dành dụm để phần nào chi phí cho nhiều thứ trong cuộc sống lắm. Con người mình mới thảnh thơi ra được!”, ông nói như niềm tâm sự.
Một thời “hội chứng đám đông”
“Còn những lúc trước, chú Oanh hình như thường có mặt với những người lấn đất trồng rừng của xí nghiệp ở khu vực 367 ha, chú có thể chia sẻ việc hướng thiện của mình trong thời gian qua?”, tôi hỏi như muốn ông giãi bày thêm nỗi lòng của mình. “Thực tình tui nghe một số người ngoài thị trấn Lương Sơn, xã Phan Thanh lên khai phá đất rừng ở khu vực Sông Bình từ năm 2018 đến nay được hơn 10 ha, trồng màu hàng năm, mong chờ sang nhượng cho vài người trong vùng ham đất rừng giá rẻ. Tui cũng như những người khác biết đất trước đây Nhà nước đã giao xí nghiệp trồng rừng, nhưng một thời gian dài theo “hội chứng đám đông”, cố tình giữ đất để cầu mong xí nghiệp thương lượng, đền bù đất đai. Mấy tháng gần đây, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận, Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận, chính quyền huyện Bắc Bình, xã Sông Bình đã phối hợp lên khu vực 367 ha nhiều lần tuyên truyền, giải thích với chúng tôi về lấn chiếm đất trồng rừng của Nhà nước, hủy hoại cây trồng là vi phạm pháp luật, có thể bị truy cứu trách nhiệm. Chúng tôi dần dần thấy điều ấy là lẽ phải, tui cùng nhiều người khác trong vùng đã tự nguyện trả lại đất lấn chiếm của xí nghiệp lâu nay”. Ông Oanh tâm sự chân thành như trút được gánh nặng trong lòng; nhìn ông bây giờ thật hiền lành, chất phác, khi trở về cuộc sống đích thực của mình.
Vỹ thanh
Có mặt buổi trưa hôm ấy ở Chốt bảo vệ rừng Sông Bình, anh Cao Văn Nhân, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận (đơn vị chủ quản của xí nghiệp) chia sẻ rằng, vài năm trở lại đây “điểm nóng” 367 ha phức tạp lấn chiếm đất trồng rừng, việc trồng rừng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng hàng năm của xí nghiệp rất khó khăn, nan giải, tốn kém nhiều nhân công, vật lực của đơn vị. Có thể nói, thông qua phản ánh của Báo Bình Thuận về tình trạng lấn chiếm đất lâm nghiệp tồn tại thời gian dài ở 2 xã (Sông Bình, Bình An), Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo Huyện ủy, UBND huyện Bắc Bình giám sát kịp thời vụ việc. Sự vào cuộc đồng bộ của UBND huyện, Công an huyện Bắc Bình, ban ngành xã Sông Bình, Bình An cùng đơn vị chủ quản (Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận, Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận) đã sớm lập lại trật tự các khu vực bị lấn chiếm trước đây. Được tuyên truyền, vận động nhiều người lấn chiếm đất rừng ở 2 xã trên đã tự nguyện giao hết đất cho xí nghiệp quản lý, trồng rừng theo kế hoạch hàng năm. Mùa mưa năm nay, Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận đã trồng gần 300 ha bạch đàn, keo lai, vượt 7% kế hoạch công ty giao.
“Trong số những người tự nguyện giao đất rừng ấy, ông Oanh là tấm gương điển hình có thiện chí hợp tác với xí nghiệp. Qua gặp gỡ, trao đổi với ông những lần ấy, chúng tôi biết được hoàn cảnh gia đình khó khăn của ông nhiều năm nay, tạo điều kiện cho ông hợp đồng nhận khoán bảo vệ rừng ngay tại khu vực 367 ha Sông Bình”, anh Cao Văn Nhân chia sẻ thêm. Trước mắt, xí nghiệp giao ông Oanh quản lý, bảo vệ 120 ha rừng bạch đàn 1, 2 năm tuổi, trên chính “điểm nóng” một thời trước đó. Ông Oanh từng đi lại nhiều ở khu vực này, thuộc như lòng bàn tay, cũng tiện trong việc trông coi, chăm sóc rừng trồng. “Với những diện tích bạch đàn non đang lên mơn mởn ở xung quanh Trạm Lâm nghiệp Sông Bình, xí nghiệp khoán luôn công đoạn bón phân, chăm sóc bạch đàn non vào đầu tháng 11 này, phù hợp cây non phát triển khi ở huyện Bắc Bình vẫn còn những cơn mưa cuối mùa. Mức lương hàng tháng khoán bảo vệ rừng tuy chưa cao, nhưng cộng với tiền công bón phân, chăm sóc rừng sẽ giúp chú Oanh có khoản thu nhập tương đối, trang trải cuộc sống. Ngoài ra, xí nghiệp sẽ giao thêm một số việc khác phù hợp để chú làm, có thêm thu nhập nữa”, anh Hà Việt Thanh, Giám đốc Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận có mặt hôm ấy cho biết thêm.
Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Bình Thuận cùng Xí nghiệp Lâm nghiệp Bắc Bình Thuận đã “dang đôi cánh” đón thêm thành viên mới cùng chung tay bảo vệ những vườn rừng bạch đàn non xanh, để những thân cây ấy sớm tỏa bóng mát trên vùng đất sỏi đá Sông Bình. Buổi trưa hôm ấy, cơn mưa rào bất chợt đổ xuống như xua đi cái nóng nực thường ngày, làm dịu mát không khí ở Trạm Lâm nghiệp Sông Bình giữa vùng đất hồi sinh rừng trồng. Chúng tôi tin rằng, cuộc sống của ông Nguyễn Hoàng Oanh đang bắt đầu chuyển sang trang mới! Với sự nỗ lực đơn vị chủ quản, sự phối hợp đồng bộ của địa phương trong vận động, tuyên truyền, cùng ý thức chấp hành, tuân thủ pháp luật của người dân đã đem đến cái kết có hậu.