Cấm đậu ô tô
Việc đậu ô tô chắn cửa nhà dân, chắn lối đi lại dẫn đến cãi vã, “dằn mặt” “dở khóc dở cười” xảy ra nhiều trong thời gian qua ở các đô thị trên cả nước. Ở thành phố biển Phan Thiết cũng trong thực trạng như vậy, nhưng không gay gắt, người dân tế nhị hơn với tấm bảng treo trước nhà: “Vui lòng không đậu xe, để lối ra vào” hoặc “vui lòng không đậu xe trước cửa nhà”. Thỉnh thoảng cũng có trường hợp thấy xe ô tô đậu trước nhà, chủ nhà không cho đậu, phát sinh cuộc cãi nhau qua lại giữa chủ nhà và người lái xe. “Một lần tôi chở vợ, con đi ăn sáng đến một quán ăn ở đường Hùng Vương, một chủ nhà bên cạnh quán lớn tiếng không cho đậu xe với lý do để lối ra vào nhà. Mặc dù tôi giải thích chỉ vào ăn sáng rồi ra đi ngay”, anh Nguyễn Văn L, ở phường Phú Thủy chia sẻ. Tương tự, nhiều tài xế xe khi đậu xe trên đường Nguyễn Tương, phường Phú Thủy cũng bị một số chủ nhà “nhắc nhở”.
Không chỉ chủ nhà không cho ô tô đậu trước nhà mình mà còn cả người lấn chiếm lòng lề đường buôn bán. “Cách đây không lâu, tôi tấp vào lề đường, nơi không có biển cấm đậu xe để đến cửa hàng gần đó giao dịch thì một chị bán hàng bên lề đường tỏ ra giận dữ không cho tôi đậu. Vì theo chị, đậu xe thì chị không bán được hàng”, anh Nguyễn Ngọc Th, ở phường Xuân An bức xúc kể trong một lần đậu xe trên đường Lê Hồng Phong.
Có thái quá?
Chuyện đậu xe bị chủ nhà ngăn cấm, nhiều tờ báo đã đặt câu hỏi cho ngành chức năng và cả yếu tố pháp lý. Tại điểm b, Khoản 1 và Khoản 2, Điều 37 Luật Giao thông đường bộ năm 2008, việc quy định các đoạn đường cấm đi, đường đi một chiều, nơi cấm dừng, cấm đậu, cấm quay đầu xe; lắp đặt báo hiệu đường bộ sẽ do Bộ trưởng Giao thông vận tải chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên hệ thống quốc lộ; Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức giao thông trên các hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý. Do đó, không cá nhân, cơ quan, tổ chức nào được phép tự ý lập các biển báo giao thông, trong đó có các biển cấm dừng, đậu xe.
Theo đó, những biển cấm đậu xe do chủ nhà thiết lập ở trước nhà mình là có phần thái quá, không có giá trị pháp lý. Tuy vậy, đặt mình ở góc độ chủ nhà, vì sao họ lại có hành động cắm bảng cấm hoặc lớn tiếng khi thấy xe đậu trước nhà mình như vậy. Hãy thử tưởng tượng, gia đình họ, có cửa nhà là lối ra vào trong nhà mình mà bị hết lần này đến lần khác, bị hết người này đến người khác, ngày này qua tháng khác, ngang nhiên từ đâu đến cứ coi cửa nhà mình là bãi đậu xe công cộng của họ. Thậm chí người đỗ xe cũng kém lịch sự, không hề thốt ra được một lời đúng mực lịch sự tối thiểu, đại khái như: “Phiền anh/chị cho tôi đỗ nhờ chiếc xe một chút!”.
Luật Dân sự có quy định về quyền có lối đi ra của miếng đất bên trong, người chủ của miếng đất bên ngoài phải có nghĩa vụ thiết lập một lối đi đó với điều kiện người chủ của miếng đất bên trong phải trả tiền…Với những nhà mặt phố có vỉa hè hoặc không có, theo đó đương nhiên quyền ra vào phải được tôn trọng cao hơn.
Để tránh xảy ra sự cố đáng tiếc liên quan việc đậu xe, người dân kiềm chế cơn tức giận, không lăng mạ, phá hoại tài sản của người khác... Ý thức của tài xế cũng rất quan trọng, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Nguyễn Đình Kiên cho rằng, người lái xe có quyền đậu xe lề đường nếu cơ quan chức năng không gắn biển cấm. Nhưng khi đậu xe không được làm ảnh hưởng đến lối đi ra vào nhà của người khác hoặc tránh làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh buôn bán ở gần nơi đậu xe. “ Để hài hòa, tài xế xe cần xin phép chủ nhà trước khi đậu xe hoặc dán số điện thoại trên xe để người dân liên lạc khi cần, tránh những bức xúc không đáng có”, ông Kiên nói thêm.