Theo dõi trên

Cần bổ sung hình thức công khai thông tin đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số

14/06/2022, 16:24

BTO- Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 14/6, tại hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phát biểu thảo luận tại hội trường, đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận bày tỏ đồng tình cao đối với tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật về Dự án Luật thực hiện dân chủ cơ sở.

Tham gia ý kiến cụ thể, đại biểu Linh đề nghị cần thống nhất tiêu đề và cách sử dụng thuật ngữ tại các điều khoản trong toàn văn bản của Luật: Một là tại Điều 2 khoản 1 dự thảo cần bổ sung cụm từ “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” trước cụm từ “Các tổ chức chính trị - xã hội”. Hai  là, về nguyên tắc thực hiện dân chủ cơ sở tại Điều 3, khoản 2 có ghi “Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong thực hiện dân chủ cơ sở”. Đại biểu Linh đề nghị cân nhắc cụm từ “và các tổ chức thành viên”. Vì trong Luật Mặt trận cũng như trong Điều lệ của Mặt trận thì các tổ chức thành viên này là tổ chức liên minh của Mặt trận. Đồng thời, đại biểu Linh đề nghị điều chỉnh đúng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và làm rõ vai trò nòng cốt của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội trong tất cả các điều khoản đã dự thảo để thực hiện rõ quy định này.

1.jpg
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận thảo luận tại hội trường.

Bên cạnh đó, tại điều 10, khoản 1 dự thảo Luật quy định 8 hình thức thông tin công khai để nhân dân biết. Đại biểu Linh cũng tán thành quy định của dự thảo về hình thức công khai quy định tại điểm g, Khoản 10 là công khai qua mạng xã hội Zalo, Facebook, Viber, đây là hình thức mới, tiến bộ, hiện đại. Tuy nhiên chỉ áp dụng đối với người sử dụng điện thoại thông minh. Do đó, theo đại biểu Linh nên chọn hình thức công khai bắt buộc như niêm yết, công khai thông tin tại trụ sở HĐND, UBND xã, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố, điểm sinh hoạt cộng đồng. Đây là hình thức phải bắt buộc.

Đặc biệt đối với vùng dân tộc thiểu số, việc công khai các thông tin là rất cần thiết để đồng bào được biết, bàn, quyết định thực hiện và đồng bào giám sát việc thực hiện và tạo điều kiện thuận lợi cho đồng bào dân tộc thiểu số đọc, nghe, hiểu và nắm bắt được các thông tin cần công khai. Vì vậy đại biểu Linh đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm quy định cụ thể như phải dịch thông tin cần công khai ra bằng tiếng dân tộc để niêm yết hoặc thông qua loa truyền thanh bằng tiếng dân tộc để thông tin những vấn đề cần công khai.

Thứ ba, tại chương V, ngoài các quy định về thanh tra nhân dân tại các điều 58, 59, 60, 61 đã quy định rõ về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban thanh tra nhân dân. Đại biểu Linh đề nghị bổ sung thêm các điều, khoản quy định nhiệm vụ, quyền hạn Ban giám sát đầu tư ở cộng đồng. Qua đó, tạo cơ sở pháp lý và hoạt động của Ban giám sát đầu tư cộng đồng góp phần thực hiện quy chế dân chủ cơ sở và quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới.

T.HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Kỳ họp thứ 3 – Quốc hội khóa XV:
Quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong công tác lập pháp, kinh tế - xã hội
BTO-Sáng nay (23/5), Quốc hội khóa XV khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 3 tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Đây là kỳ họp quyết định nhiều vấn đề quan trọng trong công tác lập pháp; kinh tế - xã hội cùng nhiều nội dung quan trọng khác. Để cử tri và nhân dân trên địa bàn tỉnh kịp thời nắm bắt, theo dõi hoạt động của kỳ họp, Báo Bình Thuận có cuộc phỏng vấn đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh khóa XV.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần bổ sung hình thức công khai thông tin đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số