Chị Hồ Thị Bạch Hoàng bên sản phẩm của mình. |
Sáng chế bộ giảm xóc phương tiện vận tải (phuộc nhún mô tô, xe máy) năm 2000 đã được đại diện hãng Honda tại Việt Nam thương lượng với anh Lộc mua giá 100 lượng vàng vào thời điểm ấy, nhưng tác giả chần chừ chưa bán. Thời gian sau, anh Lộc liên hệ lại thì đại diện hãng Honda không mua nữa… Năm sau (2001) anh được Cục Sở hữu trí tuệ cấp bằng sáng chế trên, đến nay anh chuyển nhượng bản quyền chỉ được 300 triệu đồng cho các đối tác vùng Đông Nam bộ. Anh Lộc thừa nhận, về phương diện tài chính, tôi đã hoàn toàn thất bại trong việc khai thác thương mại sáng chế này. Việc đầu tư công sức, thời gian vào sáng chế bộ giảm xóc phương tiện vận tải quá nhiều, ảnh hưởng không nhỏ đời sống gia đình…
Còn chị Hồ Thị Bạch Hoàng, chủ cơ sở sản xuất thực phẩm Ngọc Uyên, Đức Nghĩa, TP. Phan Thiết, tiếc nuối cơ hội bán bí quyết chế biến đặc sản của mình cho doanh nghiệp Trung Quốc. Chị kể, 5 năm trước, 2 sản phẩm cửa hàng là búp thanh long muối, si rô thanh long đậm đặc nằm trong số 38 sản phẩm Bình Thuận được giới thiệu ở triển lãm phụ nữ sáng tạo tại Hà Nội. Khi ấy, một doanh nhân Trung Quốc gợi ý mua bí quyết chế biến Búp thanh long muối với giá 200.000 USD (khoảng 4 tỷ đồng), nhưng chị chần chừ. Sau khi về Phan Thiết, trợ lý của chị gọi điện lại cho đối tác thì họ bảo đã mua bí quyết tương tự của cơ sở chế biến khác! Đây là 2 trường hợp người chủ chưa kịp đăng ký bằng sáng chế, bí mật kinh doanh, đang chờ đợi cấp bằng trong thời gian đầu tìm ra; họ cũng chưa được cơ quan chức năng tư vấn, hướng dẫn, dẫn đến mất cơ hội bán sáng chế, bí mật kinh doanh với giá trị cao cho doanh nghiệp nước ngoài vào thời gian thích hợp. Đến khi được cấp bằng, cơ hội chuyển nhượng không nhiều, thiếu thông tin, hiệu quả kinh tế không cao…
Anh Huỳnh Chí Lộc tỏ bày: “Tôi mong mỏi nhà nước có những chính sách mạnh mẽ, thiết thực, hỗ trợ cho những người nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất, đời sống. Công việc này không thể cá nhân, tổ chức nhỏ nào đủ sức bởi lý do tài chính và một số vấn đề khác. Chỉ riêng việc nghiên cứu đã tốn nhiều công sức, thời gian, tiền của, không dễ gì thành công cho một công nghệ mới so với trên thế giới, nhiều người nghiên cứu đã phải trả giá đắt là vậy”.
Các nước phát triển đã chia sẻ những khó khăn, chấp nhận rủi ro hỗ trợ người nghiên cứu về tài chính, các chính sách khác, đưa ý tưởng thiết thực vào ứng dụng thực tiễn. Việc sáng tạo không hẳn phụ thuộc vào bằng cấp học vị, điển hình Bill Gates của Mỹ chưa qua đại học nhưng đã trở thành kiến trúc sư trưởng phần mềm của tập đoàn phần mềm hàng đầu thế giới Microsoft, đem lại bước ngoặt văn minh không riêng cho nước Mỹ mà cả thế giới loài người.
T.Khoa