Quyết liệt tháo gỡ “điểm nghẽn”
Thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025; ĐBQH tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh đánh giá cao sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội cùng với sự quyết tâm cao của các bộ, ngành và địa phương; đặc biệt là sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, nhờ đó, 14/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch đề ra. Bên cạnh đó, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cũng đánh giá cao quá trình lãnh đạo chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ trong cơn bão số 3 vừa qua. Riêng tỉnh Bình Thuận, với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời của cả hệ thống chính trị cùng sự chung tay ủng hộ của người dân đã tổ chức thăm hỏi, động viên người dân các tỉnh phía Bắc nhanh chóng khắc phục hậu quả, sớm ổn định cuộc sống.
Mặt khác, qua tiếp xúc cử tri, nhân dân bày tỏ sự đồng tình, hưởng ứng phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước trong năm 2025” của Chính phủ. Phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát khi thực hiện dứt điểm trong năm 2025 là một chủ trương hợp lòng dân. Song song, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều trên địa bàn cả nước giảm dần, đến nay chỉ còn gần 2%, cho thấy người nghèo đã được thụ hưởng các chính sách từ Nhà nước. Công tác phòng chống tham nhũng tiêu cực từ Trung ương đến địa phương được triển khai quyết liệt và xử lý nghiêm minh... Tuy nhiên, quá trình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đơn cử, kết quả giải ngân vốn đầu tư công chỉ đạt 47,29%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023 là 51,38%. Công tác quản lý đất đai, tài nguyên môi trường còn nhiều vướng mắc, khó khăn. Tình trạng thiếu trang thiết bị y tế, trang thiết bị dạy và học ở các trường học còn nhiều khó khăn do vướng về đấu thầu...
Để triển khai thực hiện tốt kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương có những giải pháp quyết liệt hơn nữa để tháo gỡ những khó khăn, “điểm nghẽn” để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư. Cùng với đó, đề nghị Chính phủ điều chỉnh, bổ sung nội dung mức chi quản lý, kiểm tra, nghiệm thu bảo vệ rừng tại Thông tư số 55/2023/TT-BTC ngày 15/8/2023 của Bộ Tài chính quy định quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025... Ngoài ra, đại biểu cũng đề nghị Chính phủ đẩy mạnh chỉ đạo cải cách thủ tục hành chính trong đấu thầu. Đối với việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, Chính phủ có giải pháp căn cơ tháo gỡ việc thiếu đất, công tác giải phóng mặt bằng trong quá trình triển khai các dự án...
Tiếp tục quan tâm đến công tác xây dựng pháp luật
Tham gia ý kiến về công tác xây dựng pháp luật, ĐBQH tỉnh Bình Thuận Trần Hồng Nguyên đánh giá cao những kết quả đã đạt được trong công tác xây dựng pháp luật trong năm 2024. Đặc biệt, Chính phủ đã quan tâm dành nhiều thời gian để tổ chức các phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật; các văn bản pháp luật được ban hành kịp thời đã góp phần tháo gỡ những vướng mắc khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế xã hội; các dự án đề nghị xây dựng chất lượng hơn và bám sát định hướng chủ trương của Trung ương, Bộ Chính trị. Việc thực hiện chương trình xây dựng pháp luật được triển khai nghiêm túc và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành...
Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Trần Hồng Nguyên bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, Chính phủ cần tiếp tục quan tâm đặc biệt đối với công tác xây dựng pháp luật. Các hồ sơ dự án và dự thảo gửi đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội cần đảm bảo đúng thời gian quy định để các cơ quan thẩm tra có thời gian nghiên cứu sâu kỹ hơn. Bên cạnh đó, tính gối đầu trong xây dựng pháp luật năm tiếp theo còn thấp; nhiều dự án bổ sung gần kỳ họp; số lượng văn bản chưa ban hành, chậm ban hành nhiều hơn năm 2023. Do đó đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp tốt hơn, thích ứng tinh thần xây dựng pháp luật mới. Mặt khác, việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Đất đai 2024 tại một số địa phương còn chậm, lúng túng, vướng mắc. Đại biểu kiến nghị Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường có hướng dẫn cụ thể hoặc chuyển nội dung này do Trung ương ban hành thì phù hợp hơn.
Liên quan đến việc thực hiện Luật Đất đai 2024, nhiều nội dung trước đây do Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện thì nay chuyển thẩm quyền cho Phòng Tài nguyên và Môi trường dẫn đến khối lượng công việc tăng 30-40%. Tuy nhiên số lượng công chức Phòng Tài nguyên và Môi trường chưa đảm bảo, do đó, qua tiếp xúc cử tri, các địa phương kiến nghị bổ sung biên chế cho Phòng Tài nguyên và Môi trường cấp huyện đồng thời nâng cấp trang thiết bị phục vụ công việc. Đối với việc hoàn thiện tổ chức bộ máy, đại biểu đề nghị Chính phủ quan tâm, thúc đẩy tiến độ công tác sắp xếp các đơn vị hành chính sớm trong năm 2024, để sang năm 2025 các cơ quan hoạt động ổn định...