Cho ý kiến về dự án Luật Dữ liệu, ĐBQH tỉnh Bình Thuận Phạm Thị Hồng Yến - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, bày tỏ thống nhất với sự cần thiết xây dựng Luật Dữ liệu, đánh giá cao quá trình chuẩn bị dự án Luật của Chính phủ; báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Đồng thời, khẳng định việc ban hành dự án Luật Dữ liệu nhằm thể chế hóa chủ trương của đảng chính sách pháp luật của nhà nước trong việc đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công cuộc chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.
Bên cạnh đó, dự án Luật Dữ liệu cũng kỳ vọng sẽ khắc phục được những bất cập của thực tiễn trong công tác kết nối chia sẻ và khai thác dữ liệu phục vụ cho việc quản lý nhà nước. Từ đó, thúc đẩy việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia đã được hình thành và sẽ được hình thành trong tương lai. Thông qua đó, giúp cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính cho người dân.
Tham gia ý kiến cụ thể tại Điều 3 về giải thích từ ngữ, cụ thể khoản 1 Điều 3 dự thảo Luật định nghĩa “Dữ liệu là sự thể hiện dưới dạng kỹ thuật số của sự vật, sự kiện, bao gồm dạng âm thanh, hình ảnh, chữ số, thế kết nối chữ viết, ký hiệu hoặc dạng tương tự khác. Tuy nhiên, Điều 3 Luật Giao dịch cơ sở điện tử hiện hành quy định “Dữ liệu là ký hiệu, chữ viết chữ số, hình ảnh, âm thanh hoặc dạng tương tự khác”, “Dữ liệu điện tử là dữ liệu được tạo ra, xử lý, lưu trữ bằng phương tiện điện tử”, và “Dữ liệu số là dữ liệu điện tử được tạo lập bằng phương pháp dùng tín hiệu số”. Đại biểu đề nghị cần rà soát các khái niệm tương đồng, tránh có sự mâu thuẫn, cách hiểu khác nhau khi áp dụng luật.
Về trách nhiệm thiết lập hệ thống phân loại dữ liệu tại Điều 12 quy định mỗi cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội có hệ thống phân loại dữ liệu riêng, đại biểu thấy rằng, để bảo đảm tính đồng nhất, tối ưu hóa tài nguyên của xã hội, tính liên thông kết nối các hệ thống dữ liệu, cần tiếp tục nghiên cứu theo hướng quy định khung hệ thống phân loại dữ liệu để các chủ thể có hệ thống phân loại dữ liệu đồng nhất, tối ưu hóa tài nguyên của xã hội, đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế.
Liên quan đến yêu cầu điều chỉnh, cập nhật dữ liệu thường xuyên, liên tục tại khoản 3 Điều 14 dự thảo Luật quy định: “3. Cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành có trách nhiệm thực hiện điều chỉnh, cập nhật dữ liệu thường xuyên, liên tục bảo đảm tính chính xác, giá trị sử dụng của các dữ liệu trong cơ sở dữ liệu do mình quản lý; lưu trữ thông tin về lịch sử kết hợp, điều chỉnh, cập nhật dữ liệu.”. Tuy nhiên, tần suất cập nhật cơ sở dữ liệu của các cơ quan, đơn vị có tính cụ thể, căn cứ nhu cầu thực tiễn và tài nguyên của cơ quan, đơn vị. Do đó, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu quy định bảo đảm hợp lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên của cơ quan này.
Tại điều 21 về việc công khai dữ liệu, điểm c khoản 4 Điều 21 dự thảo Luật quy định: “Trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, người đứng đầu cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội quyết định việc cung cấp dữ liệu liên quan đến bí mật kinh doanh, đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình trong trường hợp vì lợi ích công cộng, sức khỏe của cộng đồng theo quy định của luật có liên quan mà không cần có sự đồng ý theo quy định tại điểm a và điểm b Khoản này.”, đây là những biện pháp hạn chế quyền cơ bản theo Luật định. Tuy nhiên, dự thảo Luật chưa có quy định rõ trường hợp bị hạn chế quyền cụ thể theo quy định của luật nào. Do đó, đại biểu đề nghị đánh giá kỹ tác động đối với các đối tượng bị điều chỉnh bởi quy định này, tránh rủi ro phát sinh (như thông tin bí mật kinh doanh bị cung cấp cho bên thứ ba)...