Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Hữu Thông, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Bình Thuận chủ trì thảo luận tổ tại điểm cầu tỉnh Bình Thuận.
Góp ý dự thảo Nghị quyết, các ĐBQH cho rằng, từ năm 2020 đến nay đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của đất nước. Do đó, việc ban hành Nghị quyết là hết sức cần thiết nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn hiện nay, kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, đồng thời đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Theo ĐBQH Nguyễn Hữu Thông, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội, trong đó, du lịch là một trong những ngành bị tổn thất nặng nề nhất, phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có. Chính vì vậy, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông đề nghị Quốc hội và Chính phủ quan tâm có những quyết sách nhằm hỗ trợ phát triển ngành du lịch. Trong đó tiếp tục dành nguồn lực thích hợp từ ngân sách Nhà nước đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, nhất là tại các địa bàn trọng điểm về du lịch trong đó có tỉnh Bình Thuận (Khu du lịch Quốc gia – Mũi Né) nhằm nâng cao khả năng kết nối giao thông nhiều hình thức tới các khu, điểm du lịch quốc gia. Có chính sách tái cấu trúc thị trường du lịch. Thúc đẩy thị trường du lịch nội địa, có lộ trình mở cửa du lịch quốc tế an toàn. Bên cạnh đó, ĐBQH Nguyễn Hữu Thông còn đề nghị giảm thuế sử dụng đất và tiền thuê đất đối với các dự án đầu tư cơ sở lưu trú, khu du lịch sử dụng nhiều diện tích đất không gian cảnh quan để thúc đẩy du lịch phát triển. Giảm giá bán điện cho cơ sở lưu trú du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh sang mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất…
Bày tỏ thống nhất cao về quan điểm, mục tiêu tại dự thảo nghị quyết, ĐBQH Bố Thị Xuân Linh đề nghị phân tích làm rõ thêm tỷ lệ đạt được đến năm 2023 về mục tiêu bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, góp phần giữ vững an ninh trật tự, an toàn xã hội. Đối với phương án huy động nguồn lực, theo ĐBQH Bố Thị Xuân Linh, giải pháp sử dụng tối đa, hiệu quả các nguồn lực trong kế hoạch trung hạn; tiết kiệm, tiết giảm tối đa các khoản chi, điều chỉnh linh hoạt giữa các nhiệm vụ, khoản mục chi… Giải pháp này cần nêu chi tiết, cụ thể hơn về nguồn huy động và hỗ trợ đối với các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19.
Liên quan đến đến đầu tư công trình, ĐBQH Đặng Hồng Sỹ đề nghị cần đầu tư có trọng tâm trọng điểm, tính toán ưu tiên các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 nhằm góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển. Đối với nội dung trình Quốc hội quyết định việc cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch. Đại biểu Sỹ thống nhất chọn phương án 1: Cho phép tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi ủng hộ, tài trợ của doanh nghiệp, tổ chức bằng tiền, hiện vật cho các hoạt động phòng chống dịch tại Việt Nam cho đến khi cơ quan có thẩm quyền công bố hết dịch. Đối với khoản đóng góp bằng hiện vật phải có đầy đủ hóa đơn, chứng từ hợp pháp theo quy định của Bộ Tài chính…