Tổ ĐBQH tỉnh Bình Thuận tại phiên thảo luận sáng nay 23/10. |
Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Điện ảnh; Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Tại điểm cầu Bình Thuận, đồng chí Dương Văn An – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh chủ trì phiên thảo luận tổ ĐBQH tỉnh.
Thảo luận về dự thảo Luật Thi đua Khen thưởng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Dương Văn An cho rằng, dự thảo luật có những từ ngữ cần nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp. Chẳng hạn như danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở”, “Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh”… Lý giải, đại biểu An cho rằng “chiến sĩ” là những người đang thực hiện nhiệm vụ chiến đấu trong lực lượng vũ trang, nên áp dụng trong lực lượng vũ trang. Nếu sử dụng cho cán bộ, công chức, viên chức và những đối tượng khác thì không phù hợp, nhất thiết phải thay đổi. Đại biểu An đề xuất, nên thay đổi lại danh hiệu “Chiến sĩ thi đua cơ sở” bằng hai danh hiệu khác. Đó là “Chiến sĩ thi đua cơ sở” thay bằng “Chiến sĩ tiêu biểu cơ sở”; đối với cán bộ, công chức, viên chức và những đối tượng khác thì đổi lại là “Lao động tiêu biểu cơ sở”.
Ngoài ra, theo đại biểu An, thi đua hiện nay chưa phản ánh đúng thực chất của thi đua. Nếu danh hiệu “Lao động tiên tiến” là phổ biến thì không phải là hình thức thi đua, không có ý nghĩa. Đại biểu An đề nghị cần nghiên cứu đổi mới trong thi đua khen thưởng để hướng đến đúng thực chất có ý nghĩa cổ vũ động viên.
Góp ý về dự thảo Luật Thi đua Khen thưởng, theo ĐBQH Bố Thị Xuân Linh, tại khoản 2 và khoản 6 của các Điều 39, 40, 41 liên quan đến quy định hình thức khen thưởng “Huân chương lao động” hạng Nhất, Nhì, Ba; đề nghị ban soạn thảo nên nghiên cứu về dự thảo Luật này để quy định rõ thẩm quyền cơ quan nào có trách nhiệm xác nhận, công nhận đối với sáng kiến và sự đóng góp của các người được đề nghị khen thưởng để áp dụng đồng bộ thống nhất hơn. Tại Điều 53 quy định “Huy chương Vì an ninh Tổ quốc” để tặng hoặc truy tặng cho sĩ quan, hạ sĩ quan, công nhân làm việc trong cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân có quá trình cống hiến liên tục từ 25 năm trở lên. Đại biểu Linh đề nghị dự thảo luật quy định giảm số năm từ 25 năm xuống còn 20 năm.
Xung quanh dự thảo Luật Thi đua Khen thưởng, Phó Trưởng đoàn ĐBQH Nguyễn Hữu Thông thống nhất mở rộng đối tượng khen thưởng trong toàn xã hội. Đây là cách tiếp cận mới nhằm kích thích sự sáng tạo hăng hái thi đua sản xuất kinh doanh, tạo cơ sở vật chất cho xã hội. Liên quan tới nội dung Ủy ban xã hội và Chính phủ đề nghị các đại biểu quan tâm có ý kiến “Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang”, đại biểu Thông đồng ý bổ sung khen thưởng Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang” vào dự thảo luật.
Đối với vấn đề bổ sung một số thẩm quyền về thi đua khen thưởng, trong đó có thẩm quyền Ủy ban xây dựng Quốc hội, khen thưởng các vị ĐBQH có thành tích trong nhiệm kỳ. Đại biểu Thông để nghị dự thảo luật bổ sung đề nghị bổ sung thẩm quyền HĐND các cấp.
Góp ý xung quanh đăng ký danh hiệu thi đua, đại biểu Đặng Hồng Sỹ cho rằng việc đăng ký danh hiệu thi đua ngay từ đầu năm là không cần thiết, không nên quy định nội dung này. Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ nếu phát hiện các nhân tố điển hình thì đề xuất khen sẽ hợp lý hơn. Trong dự thảo luật chưa có điều nào, chương nào quy định việc cấp đổi cho danh hiệu thi đua được cấp bị hư, hỏng, mất. Việc này cần phải quy định rõ, cần thiết nêu thời gian cấp đổi khi được nhận bao nhiêu để đảm bảo quyền lợi của người được cấp.
Góp ý dự thảo Luật Điện ảnh, đại biểu Thông đề nghị Chính phủ quan tâm đến sản xuất phim dành cho thiếu nhi và phim nói về lịch sử dân tộc. Liên quan đến quảng bá xúc tiến điện ảnh, đại biểu Thông cũng đề nghị nghiên cứu bổ sung cơ chế khuyến khích tạo thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia tiếp thị quảng bá phim, cung cấp dịch vụ tái sản xuất tại Việt Nam cũng như phim Việt Nam quảng bá ra nước ngoài.
Liên quan đến nội dung sản xuất phim có sử dụng ngân sách nhà nước, đại biểu Sỹ thống nhất phương án 2 đó là giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu. Về phân loại phim phổ biến trên không gian mạng giao trách nhiệm cho các tổ chức cá nhân tự phân loại. Theo đại biểu Sỹ đề nghị kết hợp tổ chức cá nhân tự phân loại phim phát hành trên không gian mạng nhưng đồng thời phải cấp giấy phép.
Thảo luận dự thảo Luật Điện ảnh, đại biểu An bày tỏ băn khoăn về nội dung: “Tổ chức, cá nhân được quảng cáo về phim thông qua đoạn giới thiệu phim hoặc các thông tin liên quan đến bộ phim trước, trong quá trình sản xuất, phát hành và phổ biến phim theo quy định của pháp luật về quảng cáo và không được vi phạm quy định tại Luật này”. Đại biểu An đề nghị nội dung này cần xem lại, chỉ nên quảng cáo phim sau khi khi bộ phim được phát hành phổ biến theo quy định của pháp luật về điện ảnh, đã được cấp phép phân loại phim.
THU HÀ