Theo dõi trên

Cần giải pháp căn cơ để xử lý vấn nạn ăn xin ở Phan Thiết

01/08/2024, 05:10

Việc giải quyết vấn nạn ăn xin lâu nay như “bắt cóc bỏ dĩa” nên dư luận đòi hỏi địa phương phải quyết liệt hơn, đồng bộ nhiều giải pháp hơn mới mong xử lý dứt điểm vấn nạn này.

Không đẹp trong mắt du khách

Một ngày giữa tháng 7, gia đình có dịp đi với vài người bạn từ Hà Nội đến khu vực bờ kè đường Phạm Văn Đồng, TP. Phan Thiết để cho khách vừa thưởng thức hải sản, vừa hóng gió nhìn ngắm ghe thuyền đặc trưng của xứ biển. Nhưng thay về tự hào khoe các món hải đặc sản và khung cảnh thơ mộng của dòng Cà Ty, thì chủ nhà không khỏi ái ngại khi vừa ngồi xuống chưa lâu đã có rất nhiều hàng rong và người ăn xin trờ tới. Với người địa phương có thể đã thành quen và xem như không có gì, nhưng với khách ở địa phương khác đến, họ cảm thấy khó chịu, bởi cảm giác bị chèo kéo, quấy rầy làm mất sự tự nhiên. Ngồi được nửa cuộc, người bạn Hà Nội chia sẻ, đã đi nhiều nơi nhưng chưa thấy đâu nhiều người bán hàng rong, vé số và cả người ăn xin như TP. Phan Thiết. “Với những lợi thế về cảnh quan biển, đặc sản biển, nhưng tồn tại hạn chế này sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến sự quay lại của du khách”, vị khách Hà Nội góp ý. Câu góp ý thẳn ấy làm cho chủ nhà không khỏi chạnh lòng, nhưng đó là thực trạng tồn tại phải thừa nhận.

z5684558633239_ca177ed1ddae1a0e7c39dc65bfb8ae94.jpg
Trẻ em ngồi ăn xin và bán vé số ở ngã 4 Tuyên Quang - Hùng Vương thời điểm cách đây chưa lâu.

Nếu là người đi nhiều tỉnh, thành, trong đó có các địa điểm như Đà Lạt, Đà Nẵng, Đồng Hới… sẽ cảm nhận được lời góp ý đó, bởi các đô thị nêu trên và nhiều tỉnh, thành khác trên cả nước, tình trạng hàng rong, đặc biệt là người ăn xin rất hạn chế, thậm chí là không có. Còn đối với TP. Phan Thiết, thực trạng hiện nay ngoài hàng rong, thì hình ảnh người ăn xin tại các ngã 3, ngã 4 hay nơi công cộng, khu vực trung tâm, chợ không còn quá lạ lẫm trong mắt người dân và du khách, tạo nên hình ảnh kém văn minh cho đô thị Phan Thiết. Để giải quyết vấn nạn người ăn xin, thời gian qua lãnh đạo tỉnh và TP. Phan Thiết và các ngành chức năng liên quan cũng đã có nhiều nỗ lực, nhưng cách thực hiện giống như “bắt cóc bỏ dĩa”, hiệu quả không có. Theo đó, khi lực lượng chức năng ra quân thu gom, các đối tượng “hành nghề” ăn xin di chuyển đi nơi khác, hay tạm lắng, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, họ lại tiếp tục hành nghề trở lại.

z5684556412306_36b0f80aed2754dc46c2d12660a52ec9.jpg
Người ăn xin ngồi trên lề đường Hùng Vương.

Không thể không làm

Tại buổi giao ban dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức mới đây, vấn nạn ăn xin được dư luận bức xúc phản ánh khá nhiều, đồng thời đề nghị địa phương cần có giải pháp căn cơ đối với tình trạng này.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, để giải quyết tình trạng này trước hết trách nhiệm thuộc về địa phương. Theo quy định, quy trình rà soát, phân loại và tập trung, xử lý người lang thang, ăn xin trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 1625/QĐ-UBND ngày 28/6/2019 của UBND tỉnh. UBND thành phố thành lập Tổ công tác liên ngành thường xuyên thực hiện rà soát, phân loại và tập trung người lang thang ăn xin tại địa bàn; chỉ đạo UBND các xã, phường tổ chức triển khai rà soát, phân loại tại địa phương theo quy trình, quy định. Các trường hợp qua rà soát, phân loại ban đầu xác định được nơi cư trú, gia đình, người thân thì thực hiện việc bàn giao đối tượng về lại gia đình quản lý, giáo dục, có cam kết quản lý tại gia đình không để đối tượng tái diễn. Nắm rõ hoàn cảnh đối tượng để thực hiện trợ giúp xã hội tại cộng đồng. Trường hợp chưa xác định được nơi cư trú, hoặc thân nhân thì lập hồ sơ thủ tục đưa vào quản lý nuôi dưỡng tạm thời tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tổng hợp chờ xác minh, làm rõ thân nhân để bàn giao về gia đình, địa phương quản lý hoặc tiếp nhận vào nuôi dưỡng lâu dài nếu đủ điều kiện theo quy định.

Để hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng người lang thang ăn xin, tiến tới không còn cảnh tượng phản cảm gây mất mỹ quan trên đường phố du lịch Phan Thiết cần tăng cường chỉ đạo thực hiện hiệu quả quy trình rà soát, phân loại và tập trung, xử lý người lang thang ăn xin như trên. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động người thân, người lang thang, cơ nhỡ, ăn xin để họ tự nguyện trở về với gia đình, hòa nhập cộng đồng, ổn định làm ăn sinh sống. Bên cạnh đó, có biện pháp giáo dục, răn đe, chế tài mạnh, kịp thời theo đúng quy định của pháp luật nhằm ngăn chặn tình trạng tái phạm. Ngoài ra, lồng ghép thực hiện các chính sách an sinh xã hội, dạy nghề, tạo việc làm và huy động sự tham gia của cộng đồng trợ giúp đối với người, hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn để ổn định cuộc sống không phải lang thang, cơ nhỡ, ăn xin kiếm sống...

Việc giải quyết thực trạng người ăn xin không thể không làm, bởi Phan Thiết không chỉ là đô thị du lịch mà còn hướng đến một đô thị văn minh, đáng sống. Do vậy trong thời gian tới rất cần có sự vào cuộc quyết liệt và đồng bộ các giải pháp của địa phương và ngành liên quan, để hạn chế vấn nạn ăn xin.

P. SINH


(6) Bình luận
Bài liên quan
Sớm dẹp nạn ăn xin ở chợ lớn Phan Thiết
Thời gian gần đây, một số tiểu thương lẫn du khách phản ánh nhiều về nạn ăn xin ở chợ Phan Thiết. Đặc biệt người ăn xin đa phần là những thanh niên nhìn còn rất khoẻ mạnh.
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Cần giải pháp căn cơ để xử lý vấn nạn ăn xin ở Phan Thiết