ĐBQH Nguyễn Hữu Thông phát biểu tại phiên thảo luận chiều 8/11. |
Phát biểu tại hội trường về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KTXH năm 2021; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2022, Phó Trưởng đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Nguyễn Hữu Thông thống nhất cao với nội dung báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch 5 năm (2021-2025) nhưng đây là năm đặc biệt khó khăn trong phát triển KTXH, bởi tác động của đại dịch Covid 19; tăng trưởng 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42% là mức thấp nhất trong 20 năm qua, (riêng quý III tăng trưởng âm 6,17%), tình hình kinh doanh và đời sống nhân dân gặp vô cùng khó khăn, nhất là ở các tỉnh bùng phát dịch bệnh, người dân trong khu cách ly, khu phong tỏa. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Hữu Thông chỉ ra những tín hiệu tốt như: thu ngân sách tăng so với cùng kỳ, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, nông nghiệp tăng trưởng khá, xuất khẩu hàng hóa tăng so với cùng kỳ…. với kết quả kiểm soát dịch bệnh tương đối ổn. Hiện nay, hoạt động trở lại khá nhanh của doanh nghiệp cùng với những chính sách, giải pháp mà Chính phủ đã nêu trong báo cáo và trên nền tăng trưởng thấp của năm 2021 này, theo đại biểu Nguyễn Hữu Thông mục tiêu tăng trưởng năm 2022 từ 6 - 6,5% là có thể đạt được nhưng phải quyết tâm thật lớn từ trung ương đến địa phương.
Bên cạnh những giải pháp mà Chính phủ nêu trong báo cáo, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước và các biện pháp đã nêu trong Nghị quyết 105 của Chính phủ; kiểm tra tiến độ và hiệu quả thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất ngân hàng, gia hạn nợ, miễn, giảm các loại thuế, phí, tiền điện, nước cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh; miễn, giảm, hỗ trợ liên quan đến BHXH… Các gói hỗ trợ cần đủ lớn và kịp thời để bắt kịp được thời cơ phục hồi. Chính phủ cần lập một quỹ bảo đảm cho doanh nghiệp vay, như: về điều kiện cho vay có thể được nới lỏng, doanh nghiệp có khả năng tiếp cận nguồn vốn một cách dễ dàng hơn và nhất là khẩn trương triển khai thật sớm Nghị quyết số 406 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về ban hành một số giải pháp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp chịu tác động của Covid-19. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đánh giá đây là Nghị quyết hết sức kịp thời của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cho thấy sự chủ động và đồng hành của Quốc hội với Chính phủ trong phòng chống dịch Covid-19 và phát triển KTXH trong bối cảnh hiện nay.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đánh giá cao sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành, sự chủ động quyết liệt của Chính phủ nên đến nay tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, hậu quả của dịch bệnh để lại là hết sức to lớn cả người và của. Tính đến nay, trên 25.000 đồng bào, chiến sĩ, cán bộ tuyến đầu chống dịch tử vong. Chính vì vậy, đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề nghị Quốc hội, Chính phủ nên lấy 1 ngày làm ngày tưởng niệm đồng bào tử vong vì Covid-19. Đại biểu Nguyễn Hữu Thông đề xuất ngày 27/4 (ngày bùng phát đợt dịch thứ 4 là đợt gây thiệt hại nặng nề nhất cả về kinh tế cũng như sinh mạng nhân dân) và đây cũng là mong muốn của cử tri.
THU HÀ