Theo dõi trên

KỶ NIỆM 71 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2025): Một “dấu son” chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước

07/05/2025, 08:27

BTO-Ngày 7/5/1954, cách đây tròn 71 năm, chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” – Điện Biên Phủ – đã khắc ghi một dấu son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó không chỉ là kết quả của một trận đánh, mà là sự hội tụ cao độ của ý chí sắt đá, trí tuệ sáng tạo và bản lĩnh kiên cường của cả một dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Chiến thắng ấy không chỉ vang vọng trong sử sách dân tộc mà còn mang tầm vóc thời đại, tiếp tục truyền cảm hứng cho các thế hệ người Việt hôm nay và mai sau trong hành trình dựng xây đất nước hùng cường.

Sức mạnh của chiến tranh nhân dân

Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia, để cứu vãn tình thế, Tướng H.Navarre (H.Na-va) đã vạch ra kế hoạch chiến lược mới mang tên Kế hoạch Navarre (Kế hoạch Na-va) nuôi tham vọng giành thắng lợi quyết định về quân sự trong vòng 18 tháng, làm cơ sở thực hiện “một giải pháp chính trị thích hợp để giải quyết chiến tranh” và tìm “lối thoát danh dự” cho nước Pháp. Lúc này, Tướng Na-va cùng các tướng lĩnh cao cấp của Pháp, Mỹ đều đánh giá cao tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và xây dựng nơi đây thành tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương là “bàn đạp tiêu diệt đầu não kháng chiến” của Việt Minh. Về phía ta, cuối năm 1953, trên cơ sở phân tích, đánh giá đúng tình hình và sự tương quan lực lượng, Bộ Chính trị họp dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh bàn kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954, đánh giá Điện Biên Phủ là tập đoàn cứ điểm mạnh và quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ với quyết tâm tiêu diệt hoàn toàn tập đoàn cứ điểm của địch.

470-ttxvn_dien_bien_phu_31.jpg

Ngày 6/12/1953, Bộ Chính trị họp quyết định mở Chiến dịch Điện Biên phủ với quyết tâm tiêu diệt bằng được tập đoàn cứ điểm này. (Ảnh: Tư liệu)

Cùng ý chí, quyết tâm lớn của toàn Đảng, toàn dân và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã làm dấy lên không khí sôi nổi đồng lòng, dốc sức cho chiến dịch; bên cạnh đội quân chủ lực, nhân dân tất cả mọi miền gồm lực lượng dân công, thanh niên xung phong và các lực lượng khác… tất cả đều tham gia chiến dịch. Ngày 13-3-1954, chiến dịch bắt đầu. Sau 56 ngày đêm chiến đấu vô cùng gian khổ, hy sinh với tinh thần quả cảm “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” của cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng tham gia chiến dịch. Đến 17 giờ 30 phút ngày 7-5-1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng.

Lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” của quân đội ta tung bay trên nóc hầm chỉ huy của địch. Chiến dịch đã loại khỏi vòng chiến đấu một số lượng lớn sinh lực (16.200 quân, trong đó có trên 1.700 sĩ quan và hạ sĩ quan) và phương tiện chiến tranh của địch (bắn rơi 62 máy bay, thu 28 pháo lớn, 64 xe, 5.915 súng các loại, 20 nghìn lít xăng dầu...), giải phóng địa bàn có ý nghĩa chiến lược, giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của thực dân Pháp, xoay chuyển cục diện chiến tranh. Với chiến thắng này, ta đã đập tan mọi âm mưu chiến lược quân sự của thực dân Pháp, sự can thiệp của Mỹ, buộc Chính phủ Pháp phải ngồi vào bàn đàm phán, ký kết Hiệp định Gơ-ne-vơ (tháng 7-1954) công nhận độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ 3 nước Đông Dương; kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ kéo dài 9 năm (1945 - 1954) của dân tộc Việt Nam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ không chỉ kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp mà còn làm rung chuyển toàn bộ hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc. Điện Biên Phủ đã khẳng định chân lý: “Chiến tranh xâm lược nhất định bị thất bại, cách mạng giải phóng dân tộc nhất định thành công”. Nó trở thành biểu tượng của niềm tin, của khả năng chiến thắng nếu một dân tộc biết đoàn kết, có lý tưởng đúng đắn và quyết tâm hành động.

Bài học lịch sử và ý nghĩa hiện tại

Chiến thắng Điện Biên Phủ để lại nhiều bài học có giá trị trường tồn. Trước hết là bài học về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc – yếu tố then chốt trong mọi thành công của cách mạng. Đó là sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt của Đảng; là khả năng huy động sức mạnh tổng hợp từ mọi tầng lớp nhân dân; là tinh thần tự lực tự cường, dám hy sinh vì mục tiêu cao cả của đất nước. Trong bối cảnh đất nước ngày nay, khi Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thách thức và cơ hội đan xen – từ cạnh tranh chiến lược, biến đổi khí hậu đến yêu cầu hội nhập sâu rộng – thì tinh thần Điện Biên Phủ càng trở nên sống động. Đó là tinh thần vượt khó, chủ động đổi mới, phát huy nội lực, bản lĩnh và trí tuệ để vươn lên. Chiến thắng năm xưa nhắc nhở chúng ta: không có gì là bất khả nếu toàn dân đồng lòng, nếu mỗi người Việt Nam đều khơi dậy tinh thần yêu nước, niềm tin vào chính mình và khát vọng phụng sự Tổ quốc.

images2016881_dien_bien_phu_05052024_05.jpg
Ngày 7-5-1954, lá cờ “Quyết chiến, Quyết thắng” bay phấp phới trên nóc hầm Tướng Đờ Cát-tơ-ri. Ảnh: Tư liệu

Hơn 7 thập kỷ đã trôi qua, những người lính Điện Biên năm ấy – giờ đây có người đã đi xa, có người đã tóc bạc – nhưng ký ức hào hùng vẫn còn mãi trong lòng dân tộc. Những địa danh như Him Lam, Độc Lập, A1, C1, D1… không còn là những tọa độ quân sự, mà đã trở thành những biểu tượng của lịch sử, của lòng quả cảm và khát vọng sống. Mỗi dịp tháng Năm về, trong trái tim mỗi người Việt lại ngân lên khúc quân hành quen thuộc:

“Chín năm làm một Điện Biên

Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.

Câu thơ của Tố Hữu như một lời tri ân, một bản hùng ca bất tử về những tháng năm không thể nào quên.

Kỷ niệm 71 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta không chỉ ôn lại những trang sử hào hùng, mà còn củng cố thêm niềm tin, ý chí và trách nhiệm trong công cuộc dựng xây và bảo vệ đất nước. Mỗi người dân Việt Nam hôm nay, dù ở bất cứ lĩnh vực nào, cũng đều có thể góp một “viên gạch” vào công trình độc lập – hạnh phúc – hùng cường mà cha ông đã đổ máu để dựng nền móng.

Chiến thắng Điện Biên Phủ – 71 năm nhìn lại – không chỉ là niềm tự hào, mà còn là lời nhắc nhở chúng ta tiếp bước vững vàng trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển, giữ vững hòa bình, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế.

THU HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Hàm Cường - Hàm Thuận Nam:
Tọa đàm về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
BTO-Ngày 7/5, Đoàn Thanh niên xã Hàm Cường đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội Cựu Chiến Binh xã Hàm Cường tổ chức chương trình toạ đàm "Kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ" (7/5/1954-7/5/2024).
Nổi bật
KỶ NIỆM 71 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2025): Một “dấu son” chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước
BTO-Ngày 7/5/1954, cách đây tròn 71 năm, chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” – Điện Biên Phủ – đã khắc ghi một dấu son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đó không chỉ là kết quả của một trận đánh, mà là sự hội tụ cao độ của ý chí sắt đá, trí tuệ sáng tạo và bản lĩnh kiên cường của cả một dân tộc dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
KỶ NIỆM 71 NĂM CHIẾN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ (7/5/1954 - 7/5/2025): Một “dấu son” chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước