Bày tỏ sự nhất trí cao với báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 của Chính phủ, ĐBQH tỉnh Bố Thị Xuân Linh đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành thời gian qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của Quốc hội và nỗ lực của cả hệ thống chính trị. Nhiều chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội tăng trưởng khá. Công tác điều hành giá từ đầu năm đến nay đạt được nhiều kết quả tích cực với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt để kiềm chế lạm phát, góp phần giảm đáng kể áp lực đối với người tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo ĐBQH tỉnh Bố Thị Xuân Linh, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, nền kinh tế nước ta vẫn còn đứng trước những khó khăn, thách thức lớn. Đáng chú ý, nguyên vật liệu đầu vào, giá xăng dầu biến động mạnh; việc giải ngân đầu tư công và nhất là 3 chương trình mục tiêu quốc gia còn chậm; công tác bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững còn nhiều thách thức, đời sống một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn; kỷ cương hành chính có lúc, có nơi chưa nghiêm, nổi lên tình trạng cán bộ, công chức đùn đẩy, né tránh trách nhiệm do sợ sai, sợ bị xử lý. Một số lượng khá lớn cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển sang khu vực tư…
ĐBQH tỉnh Bố Thị Xuân Linh đề nghị Chính phủ cần phân tích đầy đủ, làm rõ những nguyên nhân chủ quan, khách quan; trên cơ sở đó nhìn nhận thấu đáo các vấn đề, từ đó rút ra những kinh nghiệm, đề ra các giải pháp hữu hiệu trong chỉ đạo điều hành, quản lý.
Quan tâm đến quan điểm chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2023 về phát triển văn hóa phải được đặt ngang tầm với phát triển kinh tế chính trị, bảo vệ môi trường, đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau, ĐBQH tỉnh Bố Thị Xuân Linh kiến nghị tạm hoãn tăng học phí năm học 2022 - 2023. Đồng thời mong muốn Chính phủ cân nhắc thời điểm tăng học phí nhằm giảm bớt khó khăn cho người dân, nhất là các hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn và đông con trong độ tuổi đi học ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa. Đề nghị Chính phủ, Quốc hội tại kỳ họp này xem xét có chính sách phù hợp hơn.
Bên cạnh đó, ĐBQH tỉnh Bố Thị Xuân Linh cho rằng, việc phát triển ngành kinh tế thủy sản hiện nay cũng là 1 ngành kinh tế mà Việt Nam có thế mạnh, đồng thời cũng đóng góp quan trọng trong bảo vệ chủ quyển biển đảo, tuy nhiên giá xăng dầu, đặc biệt là giá dầu tăng khá cao. Đại biểu nhận thấy mặc dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo kịp thời điều chỉnh giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, trích lập Quỹ bình ổn xăng dầu phù hợp, làm giảm đáng kể áp lực đầu vào, hỗ trợ tiêu dùng; tuy nhiên thực tế hiện nay giá dầu tăng, thu không đủ bù chi phí đầu vào nên ngư dân hiện nay ra khơi, bám biển cầm chừng hoặc nằm bờ. Đại biểu Bố Thị Xuân Linh đề nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ an sinh xã hội cho ngư dân.
Ngoài ra, đại biểu Bố Thị Xuân Linh cũng đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo triển khai nhanh chóng, khẩn trương cải cách thủ tục hành chính để các địa phương và nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên trong cuộc sống.