Hôm qua (17/6), Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Triều Tiên tuyên bố, các đơn vị quân đội sẽ được triển khai đến khu du lịch núi Kumgang và Khu công nghiệp Kaesong, biểu tượng quan trọng nhất của hợp tác liên Triều đã phải dừng hoạt động trong thời gian qua. Hành động này được dự báo sẽ tiếp tục khiến quan hệ giữa hai miền gia tăng căng thẳng, nhất là sau khi Triều Tiên đánh sập Văn phòng liên lạc chung giữa hai miền trước đó một ngày.
Triều Tiên đánh sập Văn phòng liên lạc chung Hàn Quốc - Triều Tiên. Ảnh: Reuters |
Triều Tiên thông báo sẽ khôi phục các trạm gác tại vùng phi quân sự vốn đã được hủy bỏ theo thỏa thuận giảm căng thẳng liên Triều ký năm 2018, đồng thời nối lại tất cả hoạt động diễn tập quân sự thường kỳ tại các khu vực gần biên giới liên Triều.
Các đơn vị pháo binh gần khu biên giới biển phía Tây cũng sẽ được tăng cường và sẵn sàng lên mức “chiến đấu cao nhất”. Tuyên bố trên đưa ra chỉ một ngày sau khi Triều Tiên cho nổ văn phòng liên lạc chung ở khu công nghiệp chung Kaesong, sau nhiều lần cảnh báo sẽ đáp lại hành động thả truyền đơn chống Triều Tiên từ phía Hàn Quốc.
Cùng ngày, Triều Tiên cũng từ chối lời đề nghị của Hàn Quốc về việc cử các đặc phái viên để làm dịu căng thẳng. Theo hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã đề nghị gửi cố vấn an ninh quốc gia Chung Eui-yong và lãnh đạo tình báo Suh-hoon làm đặc phái viên nhưng bà Kim Yo-jong, em gái của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã từ chối vì cho rằng đây là đề nghị không thiện chí.
Chỉ vài giờ sau khi Triều Tiên tuyên bố tái triển khai binh sĩ đến khu công nghiệp liên Triều tại thị trấn Kaesong và khu du lịch núi Kumgang, đồng thời khôi phục các chốt canh gác ở khu phi quân sự chia cắt hai miền và nối lại mọi hoạt động tập trận thường lệ gần biên giới, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên sẽ "trả giá" nếu thật sự có hành động quân sự nhằm vào Hàn Quốc.
Phó Chủ tịch chỉ huy tác chiến Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Jeon Dong-jin nói: "Nếu Triều Tiên có những hành động như vậy thì ngay lập tức sẽ cản trở những nỗ lực và thành tựu mà hai miền đạt được để duy trì hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên. Triều Tiên chắc chắn sẽ trả giá cho các hành động này của mình".
Ngoài ra, Phủ Tổng thống Hàn Quốc khẳng định sẽ không chấp nhận các "hành vi vô lý" của Triều Tiên nữa.
Ông Yoon Do-han, người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc nhận định: "Không chỉ những lời nói và hành động gần đây của Triều Tiên không giúp ích gì cho chính Triều Tiên, mà còn dẫn đến việc Triều Tiên phải chịu trách nhiệm hoàn toàn cho mọi hậu quả xuất phát từ những hành động đó. Chúng tôi hy vọng Triều Tiên giữ cách cư xử đúng mực trong tương lai”.
Tuần trước đánh dấu 2 năm cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo đương nhiệm Mỹ và Triều Tiên lần đầu tiên tại Singapore với nhiều tiến triển tích cực. Thế nhưng, sau 2 năm, các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên quay lại bế tắc. Theo các nhà phân tích, trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy 5 tháng sẽ tới bầu cử Tổng thống Mỹ, các hành động của Triều Tiên được cho là gây sự chú ý của dư luận thế giới, đặc biệt là Mỹ, nhằm tìm kiếm những lợi thế trên bàn đàm phán về hạt nhân.
Vũ Anh Tuấn/VOV