Bảo vệ đàn gà trước nguy cơ cúm gia cầm xâm nhiễm. |
Bảo vệ đàn gia cầm
Dịch cúm gia cầm từng phát sinh trên địa bàn tỉnh, gây thiệt hại cho người chăn nuôi nên gần đây người chăn nuôi luôn có ý thức phòng chống bệnh. Bà Nguyễn Thị Hải ở xã Hàm Chính (Hàm Thuận Bắc) luôn duy trì đàn gà 500 con cho 1 lứa nuôi. Một năm xuất chuồng chừng 3 lứa gà ta thịt, bỏ mối ổn định cho các quán ăn, chợ. Mặc dù quy mô nhỏ lẻ, bà Hải luôn thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng dịch. “Ngoài vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, tôi còn tiêm phòng đầy đủ và trộn các vitamin, thuốc bổ vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho gà”, bà Hải nói. Bên cạnh các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như bà Hải, ở xã Hồng Liêm có đến 4 trang trại nuôi tập trung với quy mô khoảng từ 20.000 con trở lên. Trại Vui ở thôn Liêm Thuận là trang trại gà có quy mô lớn nhất xã nuôi theo quy trình khép kín, có hệ thống làm mát tự động theo độ tuổi của gà, hạn chế mùi hôi, dịch bệnh. Sau khi xuất bán lứa gà trước Tết Nguyên đán, trang trại vừa tái đàn trên 18.000 con. Với kinh nghiệm nuôi gà lâu năm, bà Nguyễn Thị Vui – chủ trại gà chia sẻ: “Việc vệ sinh chuồng trại trước khi nuôi rất quan trọng để tiêu diệt mầm bệnh. Đàn gà trước khi nhập về đã được tiêm phòng và tiêm phòng theo định kỳ. Khu vực chăn nuôi phải thường xuyên được phun thuốc tiêu độc khử trùng, rải vôi cũng như thực hiện đúng quy định về sát trùng, mặc đồ bảo hộ khi ra vào trại…”. Nhờ các biện pháp phòng dịch chặt chẽ nên các bệnh dịch cúm trên đàn gà không xảy ra.
Chủ động biện pháp ứng phó
Chăn nuôi gia cầm của tỉnh thời gian qua phát triển mạnh về số lượng và tổng đàn. Điều này xuất phát từ tác động của dịch tả heo châu Phi, một số hộ chăn nuôi heo đã chuyển sang nuôi gia cầm. Hiện toàn tỉnh có trên 3,6 triệu con gia cầm, tăng 3,09% so với cùng kỳ năm ngoái, đàn gia cầm tỉnh đang phát triển thuận lợi nhờ giá cả ổn định và không xảy ra dịch bệnh. Cùng với phát triển đàn, người chăn nuôi gia cầm đã thực hiện khá tốt công tác phòng chống dịch bệnh. Phần lớn các hộ tuân thủ tốt quy trình kỹ thuật trong chăn nuôi từ chăm sóc, đến tiêm phòng các loại vắc - xin, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi… Do vậy, trong 2 năm qua, trên địa bàn tỉnh không xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm H5N1. Đây là thành công trong phòng chống dịch bệnh nguy hiểm này, nhất là khi virus cúm có thể lây sang người. Do vậy, chính quyền địa phương, ngành chức năng và người chăn nuôi cần thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để giảm thiểu nguy cơ phát sinh dịch cúm gia cầm.
Ông Nguyễn Ngọc Vấn – Chi Cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng cho biết, hiện chi cục đang tham mưu tỉnh sớm tổ chức tháng vệ sinh, tiêu độc khử trùng môi trường và tổ chức tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm để kịp thời chủ động phòng bệnh. Theo đó, chi cục sẽ phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến cho người dân thấy được tính chất nguy hiểm của bệnh cúm gia cầm H5N1, H5N6. Người chăn nuôi nên thường xuyên phun khử trùng tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi.
Từ năm 2004 – 2014, Việt Nam đã ghi nhận 127 người mắc bệnh, trong đó có 64 người chết vì cúm H5N1. Tại Bình Thuận, năm 2014 đồng loạt trên 6.800 con gà của 1 hộ chăn nuôi trên địa bàn xã Nam Chính, huyện Đức Linh phát bệnh cúm gia cầm A H5N1. |
Thanh Duyên