Để phát huy hiệu quả sử dụng đất và tăng cường tiết kiệm nguồn nước tưới, trong vụ đông xuân 2017- 2018, toàn tỉnh đã thực hiện chuyển đổi 1.772 ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng các cây ngắn ngày khác hiệu quả hơn, như bắp 1.405 ha, dưa hấu 140 ha, đậu phộng 157 ha, sen 70 ha. Riêng huyện Bắc Bình, với điều kiện khí hậu khắc nghiệt, nhiều vùng đất cằn cỗi, thiếu nước nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng có ý nghĩa rất quan trọng. Theo đó, trên địa bàn xã Bình Tân và Hòa Thắng (Bắc Bình) vừa thực hiện các mô hình trồng cỏ, đậu phộng và và các loại đậu thích ứng với BĐKH. Đây là mô hình thuộc dự án Quản lý tổng hợp nguồn nước và phát triển đô thị liên quan đến BĐKH tại tỉnh Bình Thuận, do Chính phủ Vương quốc Bỉ tài trợ.
Điển hình, vào cuối tháng 12/2017, hộ ông Nguyễn Anh Tuân, Hoàng Văn Hòa, Nguyễn Văn Việt… tại xã Bình Tân và Hòa Thắng đã mạnh dạn tham gia mô hình với quy mô 5,5 ha đậu phộng. Đây là giống đậu phộng L14, được trồng trên vùng đất cát ít chất dinh dưỡng. Đặc biệt, điểm khác so với sản xuất thông thường là sử dụng tưới nước theo phương pháp mini-pan với péc phun (sử dụng chảo bốc thoát hơi nước để xây dựng lịch trình tưới nước cho cây).
Theo Viện KHKT Nông nghiệp duyên hải Nam Trung bộ (đơn vị tư vấn mô hình): Quá trình theo dõi ở mô hình trồng đậu phộng tại xã Bình Tân, cho thấy số lần tưới trong vụ đông xuân 2017-2018 là 38 lần, thấp hơn 6 lần so với phương pháp tưới péc phun thông thường (44 lần). Lượng nước tưới khi sử dụng mini-pan là 3.800 m3/ha/vụ, giảm 21% lượng nước tưới so với phương pháp tưới bằng pec phun truyền thống hiện nay là 4.840 m3/ha/vụ. Rõ ràng, việc áp dụng xác định thời điểm và lượng nước tưới theo mini-pan cho cây đậu phộng trên đất cát đã cho hiệu suất sử dụng nước của cây đậu phộng tăng 55% so với phương pháp xác định thời điểm và lượng nước tưới thông thường của người dân. Điều này có ý nghĩa rất lớn cho việc sản xuất nông nghiệp trong điều kiện hạn hán do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu.
Anh Hoàng Anh Tuân - một trong số nông dân tham gia mô hình cho biết: “Năng suất bình quân thực thu dự kiến của cây đậu phộng ở quy mô 5,5 ha đạt 23,6 tạ/ha. Với giá thị trường đậu phộng khô hiện nay khoảng 25.000 đồng/kg, trừ các chi phí đầu tư thâm canh, tổng doanh thu của mô hình trồng đậu phộng là 59 triệu đồng/ha và lãi thuần trên 27 triệu đồng… Riêng mô hình trồng cỏ VA06 được thực hiện với quy mô 2,5 ha tại xã Bình Tân, lần đầu đạt bình quân 113 tấn/ha/lần cắt, so đối chứng tăng 4,6% khi áp dụng chế độ tưới bằng béc phun mưa cố định. Theo tính toán, lãi thuần trồng cỏ VA06 trên đất cát tăng 4,5 triệu đồng/ha/lần cắt”.
Mặc dù là lần đầu tiên tại huyện Bắc Bình áp dụng tưới nước theo phương pháp mini-pan với péc phun mưa. Tuy nhiên, với những kết quả khá tốt ở vụ đông xuân vừa qua, thiết nghĩ ngành nông nghiệp địa phương cần nhân rộng mô hình, phục vụ nhu cầu sản xuất nông nghiệp trong điều kiện tài nguyên nước ngày càng cạn kiệt như hiện nay. Bởi đây còn được coi là hình thức canh tác nông nghiệp thông minh, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Về phương pháp đặt chảo bốc thoát hơi nước: Đặt ngay khi kết thúc mùa mưa đối với cây lâu năm và sau khi gieo hạt đối với cây ngắn ngày, bảo vệ chảo không bị động vật uống nước. Vận hành chảo bằng cách đổ đầy nước vào chảo đo; theo dõi mực nước bốc hơi qua thước đo đặt trong chảo. Khi mực nước trong chảo rút xuống đến ngưỡng thì tiến hành tưới. |
K.HẰng