Theo dõi trên

IOC La Gi: “Bộ não số” cho đô thị thông minh

23/12/2024, 05:36

Thực hiện thông báo của UBND tỉnh về triển khai sử dụng thử nghiệm Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) tỉnh Bình Thuận từ tháng 11/2024 đến hết tháng 1/2025, mới đây, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với UBND thị xã La Gi và đơn vị xây dựng IOC Bình Thuận đã thực hiện thiết lập, cấu hình IOC La Gi để triển khai sử dụng thử nghiệm.

Điều hành toàn diện kinh tế - xã hội

Xác định xây dựng đô thị thông minh nhằm ứng dụng đồng bộ các giải pháp công nghệ thông tin trên tất cả các lĩnh vực đời sống kinh tế - xã hội. Ngoài các dịch vụ hành chính công đã và đang được cung cấp, người dân sẽ được tiếp cận nhiều dịch vụ công ích khác như y tế, giáo dục, bảo hiểm, đi lại, đảm bảo điều kiện tiếp cận đến các dịch vụ một cách nhanh chóng và bình đẳng. Đến thời điểm này, IOC La Gi đã được xây dựng hoàn thành các chức năng chủ yếu của các phân hệ trong IOC Bình Thuận và đảm bảo điều kiện triển khai sử dụng thử nghiệm.

14fdd9cf99cb24957dda.jpg
Cấu hình IOC La Gi.

Cụ thể, phân hệ điều hành lĩnh vực kinh tế - xã hội sẽ giúp lãnh đạo thị xã thấy được bức tranh tổng thể về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hệ thống cung cấp cho đối tượng sử dụng những thông tin rõ ràng về xu hướng tăng/giảm của các chỉ số quan trọng tại địa bàn. Sự biến động của các chỉ số được thể hiện trực quan, giúp các cấp lãnh đạo nắm bắt nhanh chóng, đầy đủ những số liệu đã được xác lập trong quá khứ, từ đó đưa ra nhận định cho thời gian tới. Điều này hỗ trợ rất nhiều cho công tác chỉ đạo điều hành của lãnh đạo thị xã so với hình thức sử dụng các báo cáo giấy định kỳ hàng tháng, hàng quý như hiện nay. Hiện tại, các chỉ tiêu đã đưa lên IOC La Gi theo Quyết định số 2256 về việc Ban hành Danh mục chỉ tiêu kinh tế - xã hội sử dụng trong Phân hệ kinh tế - xã hội của IOC các huyện, thị xã, thành phố.

Đối với lĩnh vực y tế sẽ cung cấp một cái nhìn tổng quan và có thể xem chi tiết về các chỉ tiêu, lĩnh vực cùng các thống kê quan trọng của ngành y tế bao gồm: Tỷ lệ hồ sơ BHYT, số lượt khám bệnh, số ca cấp cứu, tình hình dịch bệnh; các thống kê như thống kê dân số theo độ tuổi, thống kê tình hình khám chữa bệnh... Trên cơ sở phân tích những biến động của các số liệu, hệ thống sẽ đưa ra những dự báo để lãnh đạo có những chỉ đạo định hướng phù hợp với mục tiêu chung của ngành là nâng cao sức khỏe của toàn dân. Với chức năng thống kê chi tiết tình hình khám chữa bệnh của Hệ thống điều hành Y tế, hệ thống cung cấp đầy đủ các thống kê tiêu điểm của công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho người dân như: tổng số lượt khám, tổng số ca tử vong, cấp cứu, số ca điều trị nội trú, ngoại trú. Ngoài ra, hệ thống cũng cung cấp biểu đồ về tình hình dịch bệnh theo thời gian và những căn bệnh phổ biến nhất trên địa bàn theo thời gian. Với những thông tin này, lãnh đạo thị xã có thể nắm bắt và định hướng chỉ đạo nhanh cho hoạt động y tế tại địa phương.

Ngoài ra, trên lĩnh vực giáo dục, hệ thống hỗ trợ lãnh đạo các cấp theo dõi và giám sát hoạt động giáo dục tại địa phương như: thực hiện số hóa các vị trí trường học trên bản đồ để thấy sự phân bố trường học trên toàn địa bàn; theo dõi về số lượng học sinh và giáo viên hàng năm của từng huyện; tỷ lệ chênh lệch giữa giáo viên và học sinh; xác định ngưỡng để cảnh báo về tình trạng quá tải tại các trường học; theo dõi về chất lượng học tập; tỷ lệ học sinh theo từng cấp học...

1a32f3e8aeec13b24afd.jpg
Thông tin điều hành dịch vụ hành chính công thị xã La Gi.

Điều hành lĩnh vực hành chính công

Về điều hành lĩnh vực hành chính công, trên giao diện chính của hệ thống thể hiện các thông tin tổng hợp về tình hình xử lý hồ sơ trên địa bàn như: Tổng số hồ sơ tiếp nhận; số lượng hồ sơ tiếp nhận trực tuyến theo từng tháng; số lượng hồ sơ chưa giải quyết; quá hạn; đã giải quyết; đã giải quyết nhưng quá hạn.

Về giám sát thông tin trên môi trường mạng, bằng việc thực hiện tích hợp nền tảng lắng nghe và giám sát trên mạng xã hội (VnSocial) sẽ giúp các cấp lãnh đạo, chính quyền có thể lắng nghe và giám sát tin tức trên môi trường mạng để tìm kiếm thông tin trao đổi liên quan đến từ khóa hoặc một nhóm từ khóa cho sẵn một cách kịp thời và hiệu quả. Hệ thống thu thập dữ liệu trên internet, báo chí, mạng xã hội, youtube, diễn đàn... để tìm kiếm những nội dung đang được đề cập và thảo luận. Dựa trên công nghệ AI và Big Data, hệ thống phân tích dữ liệu thu thập được, đánh giá xu hướng thảo luận và sắc thái tích cực và tiêu cực của các nội dung. Từ đó đưa ra cái nhìn tổng quan về các vấn đề đang được quan tâm, làm căn cứ để lãnh đạo địa phương đưa ra các quyết định kịp thời, chính xác, thúc đẩy ảnh hưởng tích cực cũng như xử lý, ngăn chặn những thông tin sai lệch, tiêu cực.

Đối với hệ thống phản ánh hiện trường sẽ tiếp nhận các phản ánh qua nhiều kênh tương tác, qua đó cũng giúp chính quyền nắm bắt được kênh phản ánh mà người dân quan tâm, tin tưởng để từ đó tập trung hỗ trợ người dân tốt hơn. Ngoài ra, hệ thống giúp lãnh đạo các cấp nắm bắt được lĩnh vực nào đang được người dân quan tâm, khoảng thời gian mà đa số người dân gửi phản ánh; khảo sát về mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng kênh giao tiếp và xử lý của chính quyền. Với số lượng phản ánh được cập nhật thường xuyên liên tục, vào đầu giờ sáng ngày làm việc, lãnh đạo thị xã có thể theo dõi, nắm bắt tình hình tiếp nhận, xử lý các khiếu nại, phản ánh của ngày hôm trước trên các địa bàn để chỉ đạo xử lý kịp thời trong những tình huống có phát sinh bất thường hoặc đột biến...

Tin rằng, IOC La Gi sẽ phát huy hiệu quả để nâng cao mức độ hài lòng của người dân, doanh nghiệp với chính quyền thị xã, khuyến khích sự sáng tạo và tham gia một cách tích cực của người dân vào công tác quản lý xã hội. Đồng thời, phát huy vai trò làm chủ của người dân, sự đóng góp của doanh nghiệp trong việc phát triển kinh tế địa phương...

THU HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Trung tâm IOC Phan Thiết: Tiến tới chính quyền năng động, chính quyền số
Qua hơn 5 tháng khánh thành và đưa vào vận hành thí điểm, Trung tâm Điều hành đô thị thông minh (IOC) Phan Thiết nhận được sự đồng tình hưởng ứng tích cực của người dân. Từ đây, TP. Phan Thiết sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 với nhiều phân hệ được đầu tư hoàn thiện, mở rộng nhằm tiến tới chính quyền năng động - chính quyền số, hướng tới một chính phủ điện tử như mục tiêu Nghị quyết Tỉnh ủy về chuyển đổi số giai đoạn 2025 - 2030 đã đề ra.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
IOC La Gi: “Bộ não số” cho đô thị thông minh