Để hoàn thành đúng tiến độ, các đơn vị, nhà thầu đã nỗ lực vượt bậc, tăng cường nhân vật lực, phương tiện, máy móc làm việc liên tục, để hoàn thành đúng thời gian mà Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo.
Dự án khởi công tháng 10/2020, ngay từ khi khởi công các nhà thầu đã tập trung huy động máy móc, thiết bị, nhân lực theo đúng hồ sơ và tiến độ thi công được duyệt. Tuy nhiên trong quá trình triển khai thi công, tiến độ Dự án đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi một số vấn đề khách quan, cụ thể: Dịch Covid-19 bùng phát đã làm đứt gãy chuỗi cung ứng nguồn nhân lực, vật liệu phục vụ thi công dự án khoảng từ 4 -6 tháng.
Các nhà thầu thực hiện “3 ca 4 kíp” làm việc liên tục trong cao điểm 120 ngày đêm ( ảnh: N.Lân)
Thảm bê tông xi măng tại gói thầu 1- XL
Yếu tố bất lợi của thời tiết: mùa mưa năm 2021, 2022 đến sớm và kết thúc muộn hơn so với cùng kỳ các năm trước, có thời điểm mưa liên tục trong nhiều ngày với tổng số ngày mưa là 305 ngày. Nguồn vật liệu đất đắp: Mặc dù đã có những tháo gỡ hết sức kịp thời của Thủ tướng Chính phủ khi ban hành 2 nghị quyết: số 60/NQ-CP ngày 16/6/2021, số 133/NQ-CP ngày 19/10/2021 về việc áp dụng cơ chế đặc thù trong cấp phép khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Tuy nhiên hầu hết các gói thầu đều khó khăn về nguồn vật liệu, đặc biệt gói thầu 03-XL tháng 2/2022 mới hoàn thiện các thủ tục để cấp phép khai thác, đến tháng 3/2022 mới triển khai thi hạng mục này với khối lượng khoảng 1,5 triệu m3. Công tác đào đá nền đường: khối lượng phải phá đá nổ mìn tại gói thầu 2-XL rất lớn 1.085.603 m3, khối lượng phát sinh 280.615m3. trong đó đá mồ côi nằm rải rác trên tuyến rất lớn. Biến động đột biến của giá nhiên, vật liệu chủ yếu làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn lực tài chính của nhà thầu.
Những đoạn chưa xong dải phân cách sẽ được lắp đặt trong thời gian tới.
Mặc dù có khó khăn nhất định, tuy nhiên sau khi có những chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT. Đặc biệt sau buổi lễ phát động thi đua 120 ngày/đêm (ngày 1/10/2022), lãnh đạo của các nhà thầu đã nỗ lực, quyết tâm và chỉ đạo dồn mọi nguồn lực để bù đắp tiến độ bị chậm, cụ thể: đã huy động bổ sung thêm 100 nhân lực, 200 máy thi công các loại, hơn 200 xe vận chuyển các loại, 4 trạm trộn bê tông xi măng phục vụ công tác thi công lớp móng cấp phối đá dăm gia cố xi măng (CTB), 3 trạm bê tông nhựa (BTN), đã tổ chức thêm 20 dây chuyền thi công nền đường, 10 dây chuyền thi công móng cấp phối đá dăm (CPDD), CTB, 5 mũi thi công bê tông nhựa và bố trí làm việc liên tục 3 ca, 4 kíp trên công trường.
Thi công cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây (ảnh: N.Lân)
Về giá trị sản lượng đến ngày 31/12/2022 được 4.409,65/5.877,769 tỷ đồng đạt 75,02% giá trị hợp đồng giá trị sản lượng tăng 16,81% so với thời điểm 1/10/2022.
Khối lượng hạng mục chính hoàn thành: đào nền đường các loại hơn 5,5 triệu m3; đắp nền đường các loại khoảng 6 triệu m3; đào đá nền đường 1,3 triệu m3; cấp phối đá dăm 1,3 triệu m3; CTB gần 400 nghìn m3; BTN các loại khoảng 1 triệu tấn.
Các hạng mục còn lại đang triển khai đảm bảo hoàn thành trước 30/4/2023: tiếp tục thi công hạng mục BTN một số vị trí cục bộ trên tuyến; thi công hệ thống an toàn giao thông, lắp đặt dải phân cách, sơn kẻ; thi công hệ thống đường gom, đường ngang, nút giao…
Về công tác giải ngân: Năm 2022 dự án được bố trí 2.290 tỷ đồng, đến nay đã giải ngân cơ bản đạt 100% so với kế hoạch vốn được giao.
Xe lu thi công cao tốc (ảnh: N.Lân)
Dự án được thiết kế là cấp công trình đặc biệt với quy mô mặt cắt ngang 24m, nếu so Dự án cao tốc đoạn Cam Lộ - La Sơn mặt cắt ngang 12m; đoạn Mai Sơn - QL45 và đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết mặt cắt ngang là 17m. Mặc dù với khối lượng thi công rất lớn, nhưng được sự chỉ đạo hết sức sát sao của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GTVT, Dự án cao tốc đoạn Phan Thiết – Dầu Giây đảm bảo mục tiêu thông xe kỹ thuật trên toàn tuyến chính theo đúng ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT.