Theo dõi trên

“Cấp cứu” Bệnh viện đa khoa Bình Thuận

29/08/2018, 08:49

Bài 1: Bệnh viện… “kêu cứu”!

BT- Trong khi ngành y tế đang tập trung mọi biện pháp nhằm giảm tải cho bệnh viện tuyến trên thì một thực trạng đáng lo ngại cần phải giải quyết hiện nay là sự thiếu thốn, xuống cấp về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế và nhất là nhân lực của hệ thống bệnh viện tuyến cơ sở. Chuyên môn đi xuống, phòng ốc nóng, ẩm thấp, mưa dột, nhiều mảng tường bong vữa lộ cả sắt thép bên trong… là thực trạng mà nhiều bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Thuận than phiền thời gian qua.

Xuống cấp trầm trọng

Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Bình Thuận được xây dựng vào năm 1999 và bắt đầu đưa vào sử dụng năm 2005, do Sở Y tế làm chủ đầu tư với tổng kinh phí hơn 90 tỷ đồng, trên diện tích xây dựng gần 20.000 m2, quy mô gồm 500 giường. Hiện nay số giường bệnh thực kê là 950 giường, tăng gần gấp 2 lần so thiết kế ban đầu đã tạo ra sự quá tải về công suất sử dụng cơ sở, dẫn đến chất lượng khám chữa bệnh không đảm bảo và chưa đáp ứng theo quy chuẩn của ngành y tế. Ước tính mỗi ngày có trên 800 lượt bệnh nhân từ các huyện, thị xã, thành phố của tỉnh đến khám và điều trị tại bệnh viện. Thế nhưng không phải đến bây giờ tình trạng xuống cấp của BVĐK tỉnh mới được đề cập, mà từ lâu người bệnh đã cảm thấy bức xúc trước sự xuống cấp nghiêm trọng của nhiều hạng mục công trình nơi đây.

Theo chân một bác sĩ đã làm việc lâu năm tại bệnh viện, chúng tôi ghé các khoa Tim mạch, Ngoại thần kinh - lồng ngực, khoa Nhi, khoa Sản, khoa Nội, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn... nhìn bề ngoài trông khang trang nhưng khi bước vào bên trong phòng bệnh mới thấy rõ sự khó chịu của bệnh nhân khi phải nằm điều trị ở nơi mà phòng ốc không đảm bảo. Nhiều mảng tường đã thấm nước lâu ngày trở nên mốc meo, đen sì, có nơi còn bong tróc nặng trông rất nhếch nhác và không hợp vệ sinh. Phía trên trần nhà của một số phòng bệnh còn lộ cả đường ống dẫn nước, ẩm thấp, khi trời mưa nước nhiễu xuống nền đất và cả giường bệnh gây rất nhiều phiền toái cho bệnh nhân.

Chị Nguyễn Tường, một sản phụ đang được theo dõi tại bệnh viện than thở: “Khoa sản, nhất là nhà vệ sinh cần phải sạch, nhưng ở đây lại bốc mùi hôi thối, ẩm thấp. Phòng bệnh thì mốc meo, trần nhà lại hư hỏng khiến tôi rất sợ bị nhiễm khuẩn…”. Đáng chú ý hơn, một số phòng làm việc của lãnh đạo bệnh viện thậm chí còn sử dụng cả xô, chậu để hứng nước mưa bị thẩm thấu từ trần nhà. Hay khu hành lang dẫn vào căn tin bệnh viện, phần bê tông cốt thép của trần nhà đang hư hỏng nặng và lộ thiên. Lớp vữa trát trần và bê tông bảo vệ có nhiều biểu hiện bong vỡ. Nhiều vị trí kết cấu phần thép đã bị ô xy hóa, gỉ sét, nằm lộ ra ngoài và gần như không còn khả năng chịu lực… Lãnh đạo bệnh viện cũng cảm thấy lo lắng về vấn đề này. Hầu như năm nào bệnh viện cũng có kế hoạch sửa chữa nhưng do không đủ kinh phí nên chỉ có thể duy tu, bảo dưỡng một số hạng mục cấp thiết.

                              
      
      
      
Hành lang, cột, trần, tường nhiều nơi bong    tróc lòi sắt nguy hiểm cho người bệnh và cả bác sĩ.

 Bố trí không phù hợp

Tiếp tục ghi nhận ở khoa Dược, do thiết kế không hợp lý, các phòng không đủ diện tích nên nhiều đồ đạc và các dụng cụ y tế được chất ra ngoài khu vực hành lang, nằm ngổn ngang giữa hai bên lối đi. Thậm chí, khu vực hành chính cũng phải tận dụng cả hành lang làm nơi để hồ sơ, sổ sách, gây mất mỹ quan. Ngoài ra, khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn luôn được coi như xương sống của bệnh viện vì nơi đây cung cấp toàn bộ dụng cụ phẫu thuật, tư trang (quần áo, chăn đệm…) cho bệnh nhân cũng như đảm nhận nhiệm vụ vô cùng quan trọng trong kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện. Quan trọng là thế, nhưng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn lại được bố trí dãy phía sau nhà vệ sinh của khoa Ngoại thần kinh - lồng ngực, và dãy phòng này cũng bị bong tróc nặng. Thêm vào đó, do khối hành chính không đủ phòng, nên phòng Hành chính quản trị lại được bố trí phải làm việc chung với khoa nhiễm!

Trong khi nhu cầu của người dân về khám chữa bệnh ngày càng tăng cao thì cơ sở vật chất của BVĐK Bình Thuận - tuyến khám chữa bệnh trọng yếu của tỉnh đang ngày càng xuống cấp trầm trọng, bộc lộ nhiều bất cập, thiếu sót, không thỏa mãn các quy chuẩn, điều kiện của ngành y. Điều này là một trong những nguyên nhân đáng báo động khiến các y, bác sĩ công tác ở môi trường này không muốn làm việc.

 Cấp thiết đầu tư

Những năm qua, mặc dù BVĐK đã được đầu tư xây mới khoa Ung bướu và sửa chữa nhỏ một số hạng mục. Đồng thời được UBND tỉnh bố trí thêm diện tích đất để xây dựng các hạng mục phụ trợ, nâng tổng diện tích đất sử dụng hiện nay là hơn 51.000 m2. Nhưng hiện tại không gian phòng bệnh chật chội, công năng sử dụng không còn phù hợp, hầu hết các hạng mục đều xuống cấp trầm trọng, thiếu nhiều khoa phòng đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh. Ngoài ra, một số hạng mục của bệnh viện nằm trên đường Lê Duẩn rất nhếch nhác, xuống cấp, lại nằm ngay vị trí cửa ngõ của trung tâm TP. Phan Thiết như khu xử lý rác thải, khu nhiễm khuẩn, hồ chứa nước dự phòng, bồn chứa oxy lỏng (phương tiện dễ cháy nổ)… làm mất mỹ quan bộ mặt thành phố. Do đó, việc mở rộng, đầu tư xây dựng, nâng cấp BVĐK tỉnh trở thành nhu cầu cấp thiết để thực hiện tốt công tác khám chữa bệnh và góp phần chỉnh trang đô thị thành phố.

Trước thực trạng trên, UBND tỉnh đã đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng, nâng cấp sửa chữa công trình và mở rộng bệnh viện, chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (2018 - 2020) điều chỉnh Quyết định số 859/QĐ - UBND, xây mới khối nhà liên hợp gồm phòng Tiêm mạch can thiệp, khoa Cấp cứu ban đầu, khoa Phẫu thuật - Gây mê hồi sức tích cực và Chống độc. Xây dựng nhà tiền chế để bố trí khoa dinh dưỡng và nhà căn tin. Chỉnh trang mặt tiền đường Lê Duẩn. Dự kiến tổng kinh phí giai đoạn 1 hơn 38 tỷ đồng.

Theo Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Nguyễn Quang Thời, việc nâng cấp, xây dựng và mở rộng bệnh viện sẽ góp phần phát triển cơ sở khám chữa bệnh đầu ngành của tỉnh ngày càng chất lượng, xứng tầm đạt bệnh viện hạng I với quy mô 900 giường bệnh vào năm 2020 và tích cực huy động nguồn lực trong xã hội tiến đến năm 2025 đạt quy mô 1.200 giường bệnh, nhằm đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của người dân địa phương, khách du lịch và các khu vực lân cận. Ngoài ra, góp phần giảm tải áp lực cho các bệnh viện tuyến trên (TP. Hồ Chí Minh và các bệnh viện Trung ương).

Minh Vân - Khánh Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Cấp cứu” Bệnh viện đa khoa Bình Thuận