Theo dõi trên

“Cấp cứu” Bệnh viện đa khoa Bình Thuận

30/08/2018, 08:34

Bài 2: Bác sĩ “nhảy việc”, ảnh hưởng khám chữa bệnh

BT- Bác sĩ có chuyên môn giỏi “dứt áo” bệnh viện công để “đầu quân” cho các bệnh viện tư là thực trạng nhức nhối đang xảy ra ở nhiều bệnh viện trong tỉnh. Việc “chảy máu” chất xám tại các bệnh viện công không phải câu chuyện mới và đang có xu hướng ngày càng gia tăng.

                
      
Bệnh viện quá tải, xuống cấp, chế độ đãi    ngộ chưa tương xứng khiến nhiều bác sĩ ở bệnh viện công “nhảy việc”.

Nhiều nguyên nhân

Tại BVĐK Bình Thuận, những năm gần đây hiện tượng bác sĩ bỏ việc đang gây áp lực không nhỏ cho công tác khám chữa bệnh của đơn vị. Hầu hết các bác sĩ sẵn sàng đền bù các khoản thu hút và đào tạo để được chuyển công tác cho dù bị buộc thôi việc. Theo Sở Y tế, năm 2017 có 8 bác sĩ xin nghỉ việc (BVĐK tỉnh 1 người). Từ đầu năm đến nay, tiếp tục có 6 bác sĩ ra đi trong đó có 4 bác sĩ BVĐK tỉnh thuộc Khoa tim mạch, Ngoại thần kinh... Trong 2 năm qua, có thêm 2 bác sĩ đào tạo theo địa chỉ sẵn sàng đền bù kinh phí để “được đi” vì nhiều lý do, và UBND tỉnh đang tiếp nhận 5 đơn xin nghỉ theo diện này nhưng chưa giải quyết.

Một thực tế cho thấy, sau vài năm công tác ở bệnh viện công, nhiều bác sĩ có chuyên môn giỏi đều có ý định nhảy việc. Điều này không làm các đồng nghiệp cảm thấy quá bất ngờ, bởi trước đó nhiều bác sĩ đã lần lượt ra đi như thế. Công việc tại bệnh viện nhiều áp lực, làm việc trong môi trường quá tải triền miên, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng… trong khi điều kiện làm việc và thu nhập ở các bệnh viện tư vô cùng hấp dẫn, là lý do khiến không chỉ bác sĩ trẻ mà cán bộ cốt cán, cán bộ nguồn tại các bệnh viện công ra đi. Phó Giám đốc BVĐK Bình Thuận Nguyễn Quang Thời cho biết: “Mặc dù đã có cố gắng nhưng thực tế chế độ đãi ngộ cán bộ công chức, viên chức và thu nhập của bác sĩ ở bệnh viện công còn khiêm tốn so thu nhập ở các đơn vị y tế ngoài công lập, kể cả y tế công lập tại các tỉnh bạn và các bệnh viện trong khu vực. Vì vậy tình trạng một bộ phận bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, chọn làm việc ở những đơn vị có thu nhập cao hơn và môi trường làm việc tốt hơn là một thực tế”.

Một bác sĩ trong ngành cho biết, ở những bệnh viện công, trung bình 1 bác sĩ thu nhập từ 7 -8 triệu đồng/tháng, những bác sĩ có trình độ chuyên môn cao có thể đạt mức 15 - 20 triệu đồng/tháng. Nhưng nếu những nhân tài này được bệnh viện tư chào mời, thì họ sẵn sàng được trả mức đãi ngộ cao hơn vài lần. Tuy nhiên, thu nhập không phải là vấn đề cốt lõi, mà quan trọng là môi trường làm việc còn nhiều bất cập, công tác tổ chức cán bộ chưa phù hợp, hạ tầng cơ sở xuống cấp nghiêm trọng… Bác sĩ có chuyên môn giỏi ra đi đồng nghĩa với việc chất lượng khám và điều trị bệnh đi xuống.

 Nỗi lo “hụt” bác sĩ

Hiện nay BVĐK tỉnh có 32 khoa, phòng với 843 công chức, viên chức, người lao động, trong đó có 131 bác sĩ, thiếu gần 50 bác sĩ. Nghĩa là 1 bác sĩ đang công tác phải làm việc gấp hai, gấp ba lần. Để khắc phục tình trạng này và tìm cách giữ chân bác sĩ, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết, bệnh viện đang cố gắng mở rộng thêm các dịch vụ để tạo nguồn thu nhập tăng thêm cho bác sĩ, đặc biệt bổ sung nhiều trang thiết bị y tế, máy móc kỹ thuật cao, nhằm phục vụ và đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Trong đó sử dụng nguồn ngân sách của tỉnh đầu tư máy MRI, máy X-Quang kỹ thuật số, máy sinh hóa tự động, máy CT 128 lát cắt (từ nguồn xã hội hóa)… Đồng thời, sẽ cải thiện môi trường làm việc, tạo cơ chế thông thoáng để thu hút các bác sĩ về công tác.

Để hạn chế tình trạng “chảy máu” bác sĩ, tỉnh đã đưa ra các chính sách đãi ngộ nhằm thu hút nhân lực. Tuy nhiên, tình trạng cán bộ y tế dịch chuyển từ bệnh viện công sang bệnh viện tư đang trở nên phổ biến, làm nhiều người lo ngại ảnh hưởng đến chất lượng phục vụ của các cơ sở y tế công lập. Theo lãnh đạo Sở Y tế, dù công lập hay ngoài công lập, thì các bác sĩ cũng phục vụ nhân dân trên địa bàn tỉnh. Bệnh viện tư hình thành sẽ góp phần giảm bớt sự quá tải cho các bệnh viện công, và cũng nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh nói chung. Hiện nay toàn tỉnh có 836 bác sĩ, nếu tính tỷ lệ thì 7 bác sĩ/1 vạn dân, theo lộ trình đến năm 2020, phải cần thêm 200 bác sĩ nữa mới đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Thực tế là vậy, nhưng hàng năm có khoảng 50% số bác sĩ đào tạo theo địa chỉ của tỉnh lại muốn dứt áo ra đi và chính sách ưu đãi, hỗ trợ của tỉnh cũng chưa đủ hấp dẫn để lôi kéo bác sĩ ở những nơi khác.

Một bác sĩ đang công tác tại BVĐK tỉnh cho biết, bác sĩ học 6 năm, thêm 2 năm thực tập mới có chứng chỉ hành nghề để được khám chữa bệnh, nhưng lương khởi điểm của họ cũng chỉ bằng những người học các ngành nghề khác trong 4 năm. Do vậy, Chính phủ cần có chính sách tiền lương thích hợp đối với bác sĩ để khích lệ lòng yêu nghề, gắn bó với bệnh viện của đội ngũ thầy thuốc. Theo đánh giá của Sở Y tế, việc các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập hằng năm phải cố gắng tuyển dụng, đào tạo nhằm bù đắp cho số thầy thuốc nghỉ hưu, giờ phải tiếp tục tìm nhân sự thay thế số thầy thuốc xin chuyển, xin nghỉ mà phần lớn là thầy thuốc có chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm cho nên khó khăn chồng chất khó khăn.

Thiết nghĩ, Bệnh viện đa khoa tỉnh là cơ sở khám chữa bệnh đầu ngành của tỉnh, nhưng cơ sở vật chất xuống cấp, nhiều bác sĩ dứt áo ra đi, ít nhiều ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh và khiến bệnh nhân không khỏi lo lắng. Do đó, UBND tỉnh, Sở Y tế cần sớm có những quyết sách, làm mới khâu tổ chức, có chế độ đãi ngộ phù hợp để các bác sĩ an tâm công tác, tiếp tục cống hiến và dần thay đổi bộ mặt của bệnh viện hạng I của tỉnh.

    
    Theo Nghị   quyết 31/2017/NQ-HĐND về chính sách đào tạo, thu hút nguồn nhân lực   ngành y tế của tỉnh, mức hỗ trợ cho bác sĩ có trình độ tiến sĩ, chuyên   khoa II gần 200 triệu đồng/người; bác sĩ có trình độ thạc sĩ, chuyên   khoa I hơn 100 triệu đồng/người; bác sĩ tốt nghiệp đại học hệ chính quy   gần 80 triệu đồng/người. Theo nhiều bác sĩ, chính sách đãi ngộ này chưa   “đủ đô” nên tình trạng thiếu bác sĩ ngày càng trầm trọng.

Minh Vân - Khánh Chi



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024): 80 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng và trưởng thành
Ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND Việt Nam) được thành lập theo Chỉ thị của Lãnh tụ Hồ Chí Minh. Ngày 22/12/2024 tròn 80 năm kỷ niệm sự kiện đặc biệt quan trọng này: Ngày thành lập QĐND Việt Nam.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
“Cấp cứu” Bệnh viện đa khoa Bình Thuận