Tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính tại cơ quan BHXH tỉnh. |
Theo quy định, mã số BHXH là dãy số tự nhiên bao gồm 10 chữ số (2 số đầu là mã tỉnh, 8 số tiếp theo là số tự nhiên), là số sổ BHXH và là 10 số cuối của thẻ BHYT. Sổ BHXH, thẻ BHYT được cấp mới, cấp lại theo mẫu mới và theo mã số BHXH được xác định.
Việc cấp mã số BHXH sẽ đáp ứng yêu cầu đảm bảo được quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT và nâng cao hiệu quả công tác quản lý BHXH, BHYT. Khi hoàn thiện cơ sở dữ liệu, người tham gia có mã số BHXH dễ dàng quản lý thông tin BHXH cá nhân của mình; chỉ cần cung cấp mã số BHXH khi tham gia, hưởng các chế độ BHXH, BHYT sẽ được cơ quan BHXH tiếp nhận giải quyết; trường hợp không nhớ mã số BHXH, sẽ được đối chiếu với cơ sở dữ liệu quản lý qua thông tin nhân thân.
Đối với đơn vị quản lý đối tượng tham gia BHXH, BHYT, mã số BHXH sẽ giúp thuận tiện trong việc quản lý chặt chẽ quá trình đóng, hưởng chế độ BHXH, BHYT của người tham gia; giảm đáng kể thời gian trong việc kê khai, cập nhật thông tin người tham gia BHXH, BHYT (giảm thủ tục hành chính, giảm giờ giao dịch của cá nhân, cơ quan, đơn vị). Bên cạnh đó, việc cấp mã số BHXH trên thẻ BHYT như một mã định danh duy nhất, sẽ khắc phục được tình trạng cấp trùng thẻ, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHYT, nhất là khi về điều kiện, mức hưởng của người tham gia BHYT ngày càng được chú trọng hơn, như quyền lợi của người tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên…
Thời gian qua, do nhiều người kê khai thông tin trong quá trình lập danh sách hộ gia đình tham gia BHYT không khớp đúng với thông tin kê khai tham gia BHXH, BHYT, nên chưa đồng bộ được mã số BHXH (chưa có mã số BHXH). Cơ quan BHXH xuất và gửi danh sách người tham gia chưa có mã số BHXH (mẫu MS1), tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (mẫu TK1-TS) đến từng đơn vị sử dụng lao động, cơ quan quản lý đối tượng, đại lý thu, trường học… (gọi chung là đơn vị) để phối hợp hướng dẫn người tham gia thực hiện tra cứu trên trang web của BHXH Việt Nam bổ sung mã số BHXH vào mẫu MS1; trường hợp chưa có mã số BHXH (dữ liệu người tham gia chưa được đồng bộ) thì kê khai bổ sung thông tin còn thiếu vào mẫu TK1-TS kèm phụ lục thành viên hộ gia đình. Đơn vị hoàn thiện mẫu MS1 và TK1-TS gửi về cơ quan BHXH qua hệ thống giao dịch hồ sơ điện tử, bưu điện, email để cập nhật vào phần mềm.
Đối với người tham gia BHXH, BHYT mới phát sinh: Người tham gia kê khai thông tin vào mẫu TK1-TS. Trong đó, có kê khai mã số BHXH và mã số hộ gia đình. Trường hợp chưa có mã số hộ gia đình thì kê khai bổ sung Phụ lục thành viên hộ gia đình.
Có thể nói, việc hoàn thiện cấp mã số BHXH duy nhất cho người tham gia BHXH, BHYT là một trong những nhiệm vụ quan trọng và nhiều ý nghĩa trong công tác cải cách hành chính của ngành BHXH. Để đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh sự quyết tâm cao của cơ quan BHXH, rất cần sự phối hợp hiệu quả, xác định rõ vai trò, nhiệm vụ và tiến độ thực hiện của các bên liên quan nhằm bảo đảm tính chính xác của thông tin, dữ liệu khi thu thập để cơ quan BHXH cập nhật, chuẩn hóa thông tin cấp mã số BHXH.
PHƯƠNG ĐÔNG