19.982 người thuộc diện hỗ trợ
Nghị quyết 06 của Hội đồng nhân dân tỉnh quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Ngoài mức hỗ trợ 70% mức đóng BHYT từ ngân sách Trung ương theo quy định tại Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ, ngân sách địa phương hỗ trợ 15% mức đóng cho nhóm người dân tộc thiểu số quy định tại điểm a khoản 2 Điều 1 Nghị quyết này.
Nghị quyết áp dụng cho người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại địa bàn các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016 - 2020 mà các xã này không còn trong danh sách các xã khu vực II, khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Sự hỗ trợ này góp phần tăng tỷ lệ bao phủ BHYT; tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục được thụ hưởng chính sách BHYT, được chăm sóc sức khỏe, giảm gánh nặng về tài chính nếu không may ốm đau, bệnh tật. Từ đó vươn lên, phát triển kinh tế bền vững và có thể tự trang trải mua BHYT.
Theo thống kê, trên địa bàn 23 xã có người dân tham gia BHYT theo Nghị định 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ thì có 25.214 người dân tộc thiểu số. Số người chưa tham gia BHYT là 14.425 người. Số người tham gia nhóm đối tượng khác bao gồm học sinh, sinh viên; hộ gia đình tự đóng; hộ gia đình nông, lâm, ngư nghiệp; dân tộc thiểu số là 5.737 người (cũng được hưởng chính sách khi nghị quyết ban hành). Tổng số người thuộc diện hỗ trợ là 19.982 người. Dự kiến, số tiền ngân sách địa phương hỗ trợ thêm 7.040,6 triệu đồng, trong thời gian thực hiện 29 tháng. Cụ thể, 1.699,5 triệu đồng năm 2024, 2.913,3 triệu đồng năm 2025, 2.427,8 triệu đồng năm 2026.
Mức đóng 12.150 đồng/tháng
Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh Bình Thuận thông báo mức đóng BHYT cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 1 Nghị định số 75 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT.
Cụ thể, mức đóng BHYT được xác định bằng 4,5% mức lương cơ sở nhân (x) với số tháng tương ứng với thời hạn sử dụng của thẻ BHYT. Mức đóng BHYT hằng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở. Trong đó ngân sách Trung ương hỗ trợ 70% mức đóng, ngân sách tỉnh hỗ trợ 15% mức đóng, phần còn lại 15% mức đóng do người dân tộc thiểu số tự đóng theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP. Theo đó, số tiền đóng BHYT của người dân tộc thiểu số được tính là 1.800.000 đồng x 4,5% x 15% = 12.150 đồng/tháng.
Theo BHXH tỉnh Bình Thuận, hàng năm, căn cứ danh sách phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp xã, người dân tộc thiểu số theo Nghị định số 75/2023/NĐ-CP đóng phần thuộc trách nhiệm phải đóng cho các tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT trên địa bàn. Thời điểm có hiệu lực từ ngày 1/6/2024. Hạn sử dụng của thẻ BHYT kể từ ngày người tham gia nộp tiền đóng BHYT đến hết năm tài chính. Hiệu lực thực hiện từ ngày 1/6/2024, kết thúc vào ngày 31/10/2026.
Trong bối cảnh hiện nay, sự hỗ trợ trên rất thiết thực, vừa giảm bớt khó khăn về tài chính của người dân tộc thiểu số nói riêng và trong toàn xã hội nói chung về các chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước. Đồng thời, góp phần hoàn thành chỉ tiêu bao phủ bảo hiểm y tế của tỉnh đến năm 2025 và các năm tiếp theo.