Theo dõi trên

Câu chuyện chuyển đổi số ở vùng cao

26/07/2023, 06:36

Về vùng cao Hàm Thuận Bắc giữa lúc cả tỉnh đang quyết liệt triển khai Đề án 06, để đồng hành với cán bộ tư pháp, chiến sĩ công an, tôi mới thấy hết nỗi vất vả, gian nan trong nỗ lực chuyển đổi số nơi vùng cao.

img_4833.jpg
Cán bộ, chiến sĩ công an đến nhà nhà dân kích hoạt tài khoản ĐDĐT 

Từ chuyện làm căn cước công dân

Giữa tháng 7, chúng tôi đến các xã vùng cao La Dạ, Đa Mi, Đông Giang và Đông Tiến sau một thời gian không trở lại, giữa lúc áp thấp nhiệt đới mạnh lên thành cơn bão số 1 ảnh hưởng đến nước ta. Vạn vật nơi đây đập vào mắt chúng tôi vẫn như cũ, chỉ khác mỗi người dân từ 14 tuổi trở lên đã cầm trong tay căn cước công dân (CCCD) gắn chíp khẳng định mình là công dân toàn cầu thời công nghệ 4.0. Nhớ mùa hè năm 2021 giữa cái nắng gắt sau cơn mưa đầu mùa, bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây rộn ràng đi bổ sung thông tin để được cấp CCCD, nhất là xã Đông Giang, Đông Tiến có nhiều đồng bào Cơ Ho. Lúc ấy K’Sren, ngụ thôn 2, Đông Giang địu đứa cháu ngoại, thở dốc vì vừa trải qua đoạn đường dài đến xã nói: Hôm trước cán bộ tư pháp xã biểu mình về cầm giấy khai sinh đến làm CCCD. Mình về lấy giấy nhưng tìm mãi chẳng thấy, để ở đâu không nhớ. Bữa nay tranh thủ đến xã xin làm lại, rồi chỉnh lại tên dân tộc cho phù hợp danh mục 54 thành phần dân tộc Việt Nam. Lâu nay người đồng bào, thậm chí cả cán bộ xã khi làm thủ tục hành chính không ghi đúng Cơ Ho theo danh mục mà ghi thành K’Ho, nên bây giờ phải cải chính lại để làm thẻ CCCD. Nhớ cán bộ tư pháp xã Đông Tiến, Đông Giang nói trong lúc tiếp công dân, những ngày này bọn em làm đêm, làm ngày gồm cả đi vận động. “Phần lớn bà con ở đây không biết cách viết biểu mẫu hoặc không biết chữ nên bọn em phải làm thay, chứ chờ bà con viết rất lâu, tốn giấy vì viết sai hoặc đi nhờ người viết giúp. Ngoài người dưới 14 tuổi, thì những người trên 14 tuổi em cũng viết giúp…”, K’Văn Vĩnh – Trưởng Công an xã Đông Giang chia sẻ.

img_4813.jpg
Chiến sĩ công an "đi từng ngõ, gõ từng nhà" kích hoạt tài khoản ĐDĐT.

Hôm nay cũng là mùa hè, tôi thấy họ ở trạng thái khác, khi cầm CCCD đi đăng ký tài khoản định danh điện tử mức độ 2 (đăng ký tài khoản), cài đặt VNeID kích hoạt tài khoản định danh điện tử (ĐDĐT)… theo tinh thần Đề án 06 - cụm từ viết tắt của Quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Công an xã miệt mài rà soát xem ai có lọt danh sách CCCD và vận động người dân đi đăng ký tài khoản để bảo đảm quyền lợi. Vì cuộc sống, công việc của mỗi người, có người quan tâm đi đăng ký, có người chưa có nhu cầu nên thôi. Ngoài ra có những người cứ tưởng có CCCD là đủ nên không đi đăng ký tài khoản hoặc nếu có đăng ký rồi thì lại không kích hoạt tài khoản ĐDĐT. “Mình kích hoạt tài khoản rồi, bữa đó có ra xã kích hoạt mà!”, K’Văn Lú ở Đông Giang khăng khăng với công an rằng mình đã kích hoạt tài khoản, nhưng khi kiểm tra điện thoại thì chưa.

img_4862.jpg

Đến kích hoạt tài khoản định danh điện tử

Nếu cứ trông chờ hoặc để người dân tự thân vận động, nghĩa là chờ họ đến đăng ký tài khoản và tự kích hoạt tài khoản thì sẽ rất lâu, ảnh hưởng quyền lợi của chính họ và tiến độ thực hiện Đề án 06. Chính vì thế mới có những nhọc nhằn của cán bộ, chiến sĩ công an đi “từng ngõ, gõ cửa từng nhà” vận động người dân đăng ký tài khoản và giúp dân kích hoạt tài khoản.

Phó Trưởng Công an xã Đông Giang Nguyễn Thanh Tiến nói khi cả hai chúng tôi đi trên con đường nhỏ đầy cỏ ở thôn 3, Đông Giang: Anh em công an ở đây làm việc không có ngày nghỉ, cứ ngoài giờ hành chính, mang theo danh sách đến từng nhà dân vận động những ai chưa đăng ký tài khoản thì phải đi đăng ký, còn đăng ký rồi thì giúp họ kích hoạt tài khoản. Bởi đặc thù công việc nhà nông ở đây đi rừng, làm rẫy từ sáng sớm, trở về khi mặt trời khuất núi, “Chiều nào bọn em cũng về nhà ăn miếng cơm rồi vội vàng đến nhà dân, gần nửa đêm mới về đến nhà”, Tiến nói thêm.

img_4780.jpg
Hình ảnh quen thuộc của chiến sĩ công an đến nhà dân ở vùng cao.

Cứ như vậy những bước chân thầm lặng của cán bộ, chiến sĩ công an vùng cao, nơi có điều kiện sống khó khăn, in trên những nẻo đường gập ghềnh khó đi. Phần lớn hộ gia đình ở đây chưa có sử dụng wifi, nhiều người chưa có điện thoại di động hoặc nếu có thì bằng điện thoại thông minh nhưng phiên bản phần mềm không đáp ứng yêu cầu tối thiểu để cài đặt ứng dụng định danh điện tử VNeID. Với chỉ một mục tiêu “không một ai bị bỏ lại phía sau” nhất là những người đau ốm, bệnh tật, không có khả năng đi lại. Người đồng bào ở đây ai cũng đưa điện thoại, CCCD và đọc số điện thoại cho cán bộ, chiến sĩ kích hoạt. “Tới đây Công an xã mở đợt đăng ký lần nữa, mình sẽ đi đăng ký nếu không mất quyền lợi”, bà K’Thị Mhen ở thôn 3, Đông Giang nói.

Kết quả mang lại

Rời vùng cao, hình ảnh các cán bộ, chiến sĩ công an vượt suối đến nhà dân, những người đồng bào dân tộc thiểu số hiền hòa lặng lẽ nghe công an hướng dẫn kích hoạt tài khoản, đọng mãi trong tâm trí chúng tôi. Theo báo cáo kết quả thực hiện kích hoạt tài khoản ĐDĐT mức 2 trên địa bàn huyện Hàm Thuận Bắc của Tổ Công tác Đề án 06 huyện, tính từ ngày 7/6 đến 15/7, toàn huyện tuyên truyền vận động công dân kích hoạt 14.529 tài khoản ĐDĐT/35.274 chỉ tiêu được giao. Trong đó, có các xã vùng cao La Dạ, Đông Giang đạt tỷ lệ trên 50%, nhiều xã khác ở đồng bằng của huyện đạt dưới 50%. Điều đó để thấy những nỗ lực của các chiến sĩ công an vùng cao trong thực hiện chuyển đổi số.

K’Văn Vĩnh - Trưởng Công an xã Đông Giang, nơi có 861 hộ/3.588 khẩu, chiếm 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số vui mừng nói, cho đến nay, đối với CCCD cấp cho bà con hoàn thành 100%, đăng ký tài khoản ĐDĐT cũng cơ bản hoàn thành, riêng kích hoạt tài khoản ĐDĐT đạt trên 59% chỉ tiêu giao, còn lại đang tiếp tục triển khai. So với các xã khác, tỷ lệ ở Đông Giang đạt khá. La Dạ đạt cao hơn với 65,6%, những xã khác như Đa Mi, Đông Tiến có tỷ lệ đạt thấp, song cũng đang nỗ lực vượt khó đạt chỉ tiêu giao, để góp phần vào thành công chung trong việc thực hiện chuyển đổi số ở vùng cao nói riêng và cả tỉnh nói chung.

GHI CHÉP: NINH CHINH


(0) Bình luận
Bài liên quan
Chuyển đổi số ở Bình Thuận: Điểm sáng và cần sự chung tay
Bình Thuận là 1 trong 2 tỉnh, thành phố trên cả nước, hoàn thành sớm việc chuyển đổi IPv6 cho 100% Website, hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.
Nổi bật
Trần Thị Anh Thư - “Nhà nông trẻ” xuất sắc nhận giải thưởng Lương Định Của
Năm 2024 có 36 thanh niên nông thôn toàn quốc được tôn vinh, tặng bằng khen về giải thưởng Lương Định Của do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao. Bình Thuận góp một cái tên trong danh sách trên đó là nữ thanh niên Trần Thị Anh Thư, ở thôn Láng Gòn 2, xã Tân Xuân, huyện Hàm Tân.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu chuyện chuyển đổi số ở vùng cao