Theo dõi trên

Chuyển đổi số ở Bình Thuận: Điểm sáng và cần sự chung tay

21/07/2023, 05:38

Bình Thuận là 1 trong 2 tỉnh, thành phố trên cả nước, hoàn thành sớm việc chuyển đổi IPv6 cho 100% Website, hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Đi trước 1 bước

Giữa năm nay, Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Bình Thuận nằm trong danh sách không nhiều tỉnh, thành, đơn vị được 2 bộ khen thưởng về các hoạt động liên quan đến chuyển đổi số. Theo đó, Sở TT&TT Bình Thuận nằm trong danh sách 9 tỉnh, thành và 6 đơn vị được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong triển khai giai đoạn 1 Chương trình IPv6 For Gov (2021 – 2022). Đó là sự nỗ lực lớn của tập thể này, khi mà kinh phí thực hiện không nhiều so các địa phương bạn, cùng nhiều trở ngại khác trong hành trình xây dựng hạ tầng số ở tỉnh. Không phải bây giờ, mà từ năm 2021, sở đã hoàn thành sớm nhiệm vụ giai đoạn 1 (2021 – 2022) của chương trình IPv6, vượt tiến độ hơn 1 năm so với yêu cầu. Trong đó, đã hoàn thành chuyển đổi theo cơ chế hoạt động Dual stack IPv4/IPv6 cho 30 tên miền cổng thông tin điện tử tỉnh, cho hệ thống Một cửa điện tử (motcua.binhthuan.gov.vn) và dịch vụ công tỉnh (dichvucong.binhthuan.gov.vn), cho hơn 50 Website của cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh…

screenshot_1689892896.png

Đồng thời đó, sở cũng triển khai luôn các nhiệm vụ giai đoạn 2 (2023-2025). Đó là quy hoạch hạ tầng mạng; chuyển đổi IPv6 cho hệ thống mail công vụ tỉnh và hệ thống Quản lý văn bản và điều hành với khối lượng công việc không nhỏ. Nhờ chủ động, hoàn thành sớm các yêu cầu của Chương trình IPv6 For Gov, đến nay Bình Thuận đã đạt và vượt các mục tiêu, yêu cầu đề ra. Hơn thế, Bình Thuận là 1 trong 2 tỉnh, thành phố trên cả nước, hoàn thành sớm việc chuyển đổi IPv6 cho 100% Website, hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh. Các kết quả đạt được góp phần thúc đẩy, hỗ trợ chuyển đổi IPv6 cho cơ quan nhà nước giai đoạn 2021 – 2025 theo lộ trình của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Ngoài ra, chính kết quả trên đã góp phần giúp hạ tầng công nghệ thông tin của tỉnh hoàn thiện hơn. Có thể ví von, hoàn thành chuyển đổi IPv6 sớm, Bình Thuận như có tuyến cao tốc sớm trong hạ tầng số, khi chính hạ tầng Internet IPv6 có vai trò quan trọng trong việc triển khai chính quyền số, sử dụng hiệu quả các nền tảng số, các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Và bằng khen thứ 2 của Sở TT&TT từ Bộ Nội vụ là kết quả từ hạ tầng số hoàn thiện hơn đó. Trong 17 tỉnh, thành, đơn vị được khen, Bình Thuận có 2 cơ quan là Sở Nội vụ và Sở TT&TT, vì có thành tích xuất sắc giai đoạn 1 Phong trào thi đua “Cán bộ, công chức, viên chức thi đua hoàn thành cơ sở dữ liệu chuyên ngành thuộc lĩnh vực nội vụ, góp phần đẩy mạnh Chuyển đổi số của ngành Nội vụ năm 2023”.

Năm của tăng tốc

Theo Sở Thông tin & Truyền thông, đến nay việc xây dựng hạ tầng số trong hành trình chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh cơ bản đã hoàn thiện. Cụ thể, với hạ tầng viễn thông thì được đánh giá là tốt, khi có tốc độ truy nhập trung bình 80Mb/s cao hơn so với tốc độ trung bình của cả nước (tốc độ trung bình cả nước là 78,43Mb/s). Vì đã xây dựng hệ thống truyền dẫn cáp quang, mạng internet băng rộng, di động 2G, 3G, 4G và cố định phủ đến 100% xã/phường/thị trấn. Ngoài ra, đã có hệ thống Wifi miễn phí triển khai tại nhiều khu vực công cộng trên địa bàn thành phố Phan Thiết và các bệnh viện trong tỉnh. Song song đã hoàn thành triển khai mở rộng phạm vi kết nối mạng Truyền số liệu chuyên dùng đến cấp xã và hỗ trợ đồng thời IPv4/IPv6… Còn về chính quyền số đã xây dựng, phát triển và đưa vào sử dụng một số nền tảng số, hệ thống thông tin phục vụ hoạt động của cơ quan nhà nước và tương tác với người dân, doanh nghiệp như: Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến của tỉnh được kết nối từ tỉnh đến xã (với 136 điểm cầu); Hệ thống quản lý văn bản và điều hành được triển khai 645 đơn vị sử dụng; Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính đang được sử dụng hiệu quả và tiếp tục nâng cấp đáp ứng yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông… Bên cạnh đó, kinh tế số tiếp tục phát triển, các dịch vụ thanh toán trực tuyến trên thiết bị di động, ngân hàng số tiếp tục mở rộng với chất lượng dịch vụ nâng cao, thanh toán qua ngân hàng đối với dịch vụ công ngày một nhiều. Riêng về xã hội số, đã hoàn thành 100% thôn, khu phố và 6 Tổ tự quản có Tổ Công nghệ số cộng đồng; hồ sơ cấp căn cước công dân lần đầu (đủ điều kiện) đạt 100%; cấp hơn 700.000 tài khoản định danh điện tử; số hồ sơ sức khỏe điện tử đã được khởi tạo đạt 92% tổng dân số…

Tuy nhiên, hoạt động chuyển đổi số của Bình Thuận vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế cần được sớm khắc phục trong thời gian tới. Nguyên nhân chính chủ yếu là các sở, ngành chưa chủ động đề xuất triển khai xây dựng các cơ sở dữ liệu (CSDL) chuyên ngành trọng tâm để phục vụ chuyển đổi số, nhất là các CSDL chuyên ngành thuộc lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số theo Nghị quyết của Tỉnh ủy; các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số còn hạn chế, chưa mang lại hiệu quả thiết thực… Ngoài ra, còn vì kinh phí của tỉnh phục vụ cho chuyển đổi số còn thấp, nhân lực có chuyên môn về chuyển đổi số chưa đáp ứng theo yêu cầu triển khai nhiệm vụ…

Chính vì vậy, năm 2023, năm thực hiện nhiệm vụ trọng tâm Năm dữ liệu số quốc gia thì cũng là năm cần tăng tốc với chuyển đổi số với Bình Thuận. Trọng tâm là xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung của tỉnh trên cơ sở tích hợp các CSDL chuyên ngành; xây dựng Cổng dữ liệu mở của tỉnh để cung cấp các dịch vụ dữ liệu cho tổ chức, cá nhân; Kho dữ liệu của tổ chức, cá nhân phục vụ giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) và Kho dữ liệu kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực. Sau khi các CSDL này hình thành sẽ triển khai nền tảng phân tích, xử lý dữ liệu tổng hợp, có ứng dụng trí tuệ nhân tạo để tối ưu hóa hoạt động.

Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo tỉnh, sự nỗ lực của các sở, ngành, địa phương và sự quyết tâm của đội ngũ công chức, viên chức Sở TT&TT kỳ vọng năm 2023 hoạt động chuyển đổi số của Bình Thuận sẽ có nhiều kết quả khả quan hơn.

BÍCH NGHỊ


(0) Bình luận
Bài liên quan
“Mỗi cán bộ đoàn, đoàn viên, thanh niên một trợ lý ảo”
BTO-Thực hiện Chủ đề công tác năm 2023 “Năm chuyển đổi số các hoạt động của Đoàn”, mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn phối hợp với Công ty cổ phần tư vấn công nghệ Enviva tổ chức chương trình tập huấn “Ứng dụng công nghệ AI phát triển kỹ năng số mỗi thanh niên – một trợ lý ảo” cho đoàn viên, thanh niên trong tỉnh.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Chuyển đổi số ở Bình Thuận: Điểm sáng và cần sự chung tay