Theo dõi trên

Đãi ngộ nhân lực khoa học và công nghệ: Cần chính sách rõ ràng, minh bạch, khả thi

06/05/2025, 20:03

BTO-Chiều 6/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội thảo luận ở Tổ về dự án Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận tham gia thảo luận tại Tổ 15. Tham gia thảo luận, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh đánh giá cao việc Chính phủ trình Quốc hội dự thảo luật này với tinh thần tiếp cận đổi mới, thực tiễn và hội nhập.

Theo đại biểu Bố Thị Xuân Linh, đây là văn bản pháp lý quan trọng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, chuyển đổi số, và xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ, hội nhập sâu rộng. Đặc biệt, ngày 22/12/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57 về định hướng phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ngày 9/1/2025, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 03, ban hành chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết 57. Đây là 2 văn bản pháp lý rất quan trọng, là kim chỉ nam cho hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo. Do đó, đại biểu thống nhất với sự cần thiết ban hành và nhiều nội dung của dự thảo Luật.

a12f72371adda883f1cc.jpg
Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận Bố Thị Xuân Linh tham gia thảo luận chiều nay 6/5

Cần cụ thể hóa chính sách đãi ngộ để thu hút nhân tài

Góp ý cụ thể về chính sách đãi ngộ nhân lực khoa học và công nghệ (Điều 4); Khoản 3 Dự thảo quy định: “…áp dụng chính sách đãi ngộ đặc biệt để thu hút, đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt là nhân tài trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để phục vụ sự nghiệp phát triển đất nước.”. Đại biểu cho rằng, nội dung này quy định còn mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể. Để đảm bảo tính khả thi của dự thảo Luật, đại biểu đề nghị bổ sung quy định rõ hơn về các loại đãi ngộ như lương, nhà ở, ưu đãi thuế, cư trú, điều kiện làm việc… và giao Chính phủ hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, cần xác định rõ tiêu chí thế nào là “nhân tài” để đảm bảo thực thi minh bạch, hiệu quả.

Tại Điều 21 - về nguyên tắc loại trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm, đại biểu nhận thấy, đây là bước tiến rất quan trọng, tạo điều kiện cho đổi mới, sáng tạo đột phá. Tuy nhiên, để phòng ngừa việc lạm dụng chính sách gây thất thoát tài sản công, theo đại biểu cần quy định rõ hơn cơ chế đánh giá rủi ro được chấp nhận và cơ chế giám sát trong quá trình thực thi.

Góp ý về doanh nghiệp và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, đại biểu đề nghị Dự thảo cần nhấn mạnh vai trò của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo. Cần có chính sách riêng về tín dụng, bảo lãnh vốn, hỗ trợ nghiên cứu ứng dụng để nhóm doanh nghiệp này có điều kiện tham gia sâu hơn vào hoạt động nghiên cứu và thương mại hóa công nghệ.

Bảo đảm tính đồng bộ và liên thông pháp lý

Về tính thống nhất của hệ thống pháp luật, để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với quy định của pháp luật có liên quan, như: Luật Doanh nghiệp, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Giá... đặc biệt là các nội dung liên quan đến quyền sở hữu kết quả nghiên cứu, định giá tài sản vô hình và thương mại hóa sản phẩm từ ngân sách nhà nước. Đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ dự thảo luật để tránh mâu thuẫn, chồng chéo với quy định của pháp luật hiện hành.

4c6a0da24a48f816a159.jpg
Quang cảnh phiên thảo luận Tổ 15. 

Tham gia ý kiến về điều khoản thi hành (Chương VIII), theo đại biểu, việc sửa đổi, bổ sung các điều của các luật liên quan như: Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Thuế TNCN, Luật Sở hữu trí tuệ... là phù hợp, thể hiện sự đồng bộ trong hệ thống pháp luật nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và thương mại hóa kết quả nghiên cứu. Đại biểu cho rằng có một số luật quan trọng khác như: Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Giáo dục đại học cũng nên được rà soát để đảm bảo thống nhất với nội dung về quyền sở hữu trí tuệ, tổ chức KH&CN, tự chủ đại học,... Các điều khoản chuyển tiếp là rất cần thiết trong bối cảnh Luật có nhiều thay đổi mang tính đột phá, ảnh hưởng trực tiếp đến cơ chế tài chính, quyền sở hữu, tổ chức bộ máy. Tuy nhiên, theo đại biểu cần quy định rõ về thời hạn chuyển tiếp, đặc biệt liên quan đến: Việc chuyển giao quyền sở hữu kết quả nghiên cứu từ nhà nước sang tổ chức chủ trì; các nhiệm vụ KH&CN đang triển khai theo Luật cũ sẽ tiếp tục thực hiện theo cơ chế nào; việc chuyển đổi, hợp nhất hoặc duy trì các quỹ KH&CN của doanh nghiệp, địa phương.

Đồng thời, bổ sung quy định về giải thích và xử lý vướng mắc trong quá trình chuyển tiếp, có thể giao Chính phủ hướng dẫn thi hành để bảo đảm tính linh hoạt và đồng bộ. Đối với các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trái với quy định của Luật mới, cần có điều khoản giao Chính phủ rà soát và xử lý trong thời hạn cụ thể (ví dụ: 12 tháng kể từ ngày Luật có hiệu lực…). Bên cạnh đó, cần rà soát để đảm bảo sự liên thông giữa thời điểm hiệu lực và các quy định chuyển tiếp, tránh khoảng trống pháp lý, đặc biệt trong hoạt động đầu tư KH&CN và quản lý tài sản công liên quan đến kết quả nghiên cứu.

Góp ý về kỹ thuật lập pháp, một số quy định sử dụng ngôn ngữ định tính như “ưu tiên”, “đặc biệt”, “khuyến khích”… nhưng chưa có tiêu chí cụ thể. Do vậy, đại biểu đề nghị quy định rõ hoặc lượng hóa các điều kiện để bảo đảm khả năng thực thi, giám sát và kiểm tra.

THU HÀ


(0) Bình luận
Bài liên quan
Luật Nhà giáo: 
Tạo động lực thực sự cho nhà giáo cống hiến lâu dài
BTO - Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, sáng nay 6/5, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Nhà giáo.
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đãi ngộ nhân lực khoa học và công nghệ: Cần chính sách rõ ràng, minh bạch, khả thi