Theo dõi trên

Câu thơ bám rễ sâu bền

17/06/2016, 09:12

BT- Dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc có lần định nghĩa, thơ là một cách tổ chức ngôn ngữ hết sức quái đản, đã gây nhiều tranh luận! Có lẽ vì thế nên khi viết Thi nhân Việt Nam(1),  Hoài Thanh “ngại” luận bình những tính chất thơ siêu tưởng, ngôn từ quái dị, gieo vần bí hiểm… chăng? Có người phản biện: thế ông vẫn đưa Hàn Mặc Tử, Bích Khê - trường phái thơ tượng trưng, siêu thực thì thế nào…? Có nhiều câu hỏi đặt ra, nhưng phải nói từ khi tác phẩm ra đời, ngoài việc  gây tiếng vang lớn, đến nay vẫn giữ một giá trị lâu bền là nhờ tác giả  có công phát hiện rất sớm những ngọn thi sơn (nhiều bài thơ Hoài Thanh tuyển chọn ngày nay vẫn còn giữ trong chương trình giáo dục phổ thông).

Đọc lại thơ Đường, không ai có thể dám xem thường Vương Bột khi còn trẻ  đã sáng tác được bài: Đằng vương các tự, trong đó có câu: Lạc hà dữ cô vụ tề phi, thu thủy cộng trường thiên nhất sắc. Bởi lẽ, thi tài thường phát tiết thời tuổi trẻ. Hơn 160 bài thơ của 44 thi nhân được Hoài Thanh - Hoài Chân tuyển chọn phần lớn thuộc lớp người trẻ. Hãy xem ông giới thiệu Phạm Hầu chỉ chừng 300 từ mà độ khái quát rất cao: “Phạm Hầu là một cái bóng, chân đi không để dấu trên đường”. Còn tác giả tập Lửa thiêng thì ông viết: “Huy Cận có lẽ đã thiếu tình yêu, mà Thượng đế của người lại chỉ là cái bóng, để gửi ít câu thơ thì được, để an ủi thì không”… Đặc biệt ông dành đến 11 trang viết (nhiều nhất trong tất cả thi nhân) về nhà thơ Hàn Mặc Tử: “Vườn thơ của người rộng rinh không bờ bến, càng đi xa càng ớn lạnh” hay “Mỗi lần thi sĩ há miệng… cho thơ trào ra, là chín tầng mây náo động, muôn vì tinh tú xôn xao…”. Nhìn chung, ngày ấy khi Hoài Thanh chấp bút cho quyển sách này chắc tâm hồn ông phơi phới như chàng trai ở tuổi “đang yêu” và cũng đủ độ “tỉnh táo” để đón nhận dòng thơ mới, tình yêu mới… Như thế đủ biết  khi ông viết quyển sách này  ông đang còn trẻ và hân hoan đón  nhận những tâm hồn thi nhân ở mọi miền của đất nước. Hãy nghe ông nói: Có bạn hỏi tôi: “Thi sĩ đâu mà lắm thế? Mới mười năm mà trên bốn chục người!”… Vậy nước ta có bao nhiêu thi sĩ? 40.000 hay 400.000? 4.000 người có thơ đăng báo in sách, chừng 40 người có trích trong quyển này, và may mắn ra 4 người sẽ có tên lưu truyền hậu thế!”. Hồi ấy ta có thể cho rằng nhà phê bình Hoài Thanh hơi “cường điệu” vấn đề. Nhưng bây giờ ngẫm lại không có gì là quá cả!

Trong lời tâm tình, Hoài Thanh đã “nhỏ to…” ở phần cuối quyển sách: “Mỗi bài thơ hay là một cánh cửa mở cho tôi đi vào một tâm hồn”  nhưng rồi ông đã “vấp phải” một chút là không công bằng và thiếu tình cảm với Nguyễn Vỹ khi viết: “Nguyễn Vỹ đã đến giữa làng thơ với chiêng, trống, xập xoèng inh cả tai. Chúng ta đổ nhau ra xem. Nhưng chúng ta chưng hửng trở vào…”. Tôi đoán chắc Hoài Thanh đã “lỡ lời”!

 Trong lịch sử, đất nước ta đánh giặc cũng cừ mà làm thơ cũng giỏi. Ta nhớ ba lần chống quân Nguyên Mông, sau khi đánh tan quân giặc ngoại xâm vua tôi nhà Trần ca khúc khải hoàn, cảm khái: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu (Trần Nhân Tông); hay, Đoạt sáo Chương Dương độ/ Cầm hồ Hàm Tử quan/ Thái bình tu trí lực/  Vạn cổ thử giang san (Trần Quang Khải) …  Làm thơ thể hiện cái chí khí chất ngất của dân tộc quật cường! Còn thời nay?  Bạn tôi nhà thơ H. Man là biên tập cho Nhà xuất bản Văn học có nói, bản thảo gửi xin giấy phép thì toàn thơ và thơ... Có nhiều người nghĩ làm thơ thì dễ. Chỉ cần ngân nga vài câu vần vè, đúng vần đúng điệu là đủ. Hay chơi trò sắp đặt, chọn chữ đặt lời, gieo vần bí hiểm, vắt óc người đọc này kia… mới là thơ! Thật ra đến giờ chưa có một định nghĩa nào về thơ toàn vẹn cả. Trong Mấy ý nghĩ về thơ Nguyễn Đình Thi cũng chung chung: “Không có vấn đề thơ tự do, thơ có vần và thơ không vần. Chỉ có thơ thực và thơ giả, thơ hay và thơ không hay, thơ và không thơ”… Vậy để thẩm định cho một câu thơ, một bài thơ hay thì như thế nào? Ta biết Bùi Giáng nổi tiếng làm thơ rất nhanh và dễ dàng như lấy đồ chơi trong túi ra; tin chắc rằng không ai dám chê mấy câu thơ này: “Em ơi em đẹp vô cùng/ Vì em có cái lạ lùng ở trong/ Em ơi em đẹp vô song/ Vì em có cái bên trong lạ lùng”. Tưởng bông lơn nhưng đầy ý nhị! Hay trong ca dao: Đêm qua trời sáng trăng rằm/ Anh đi qua cửa, em nằm không yên… Tưởng nôm na nhưng cũng đầy thi vị. Còn Phạm Công Thiện chỉ 2 câu thơ thôi, nếu luận bình sẽ tốn không ít giấy mực: Mưa chiều thứ bảy tôi về muộn/ Cây khế đồi cao trổ hết bông… Thơ hay: vì có sự bùng nổ, vì đánh trúng vào trái tim, vì một khám phá chấn động, vì cái đẹp… Tôi nghĩ tiêu chí của Hoài Thanh như ông nói: “Một đời làm văn tôi chỉ tìm cái hay cái đẹp để bình” và thế nào ông cũng tường minh câu chuyện: Có bạn đọc hỏi: Thế nào là một tác phẩm giá trị? Tác phẩm giá trị, là nó tiềm ẩn “cái đẹp”. Vậy thế nào là “cái đẹp”? Nhà hiền triết Socrates điềm nhiên trả lời: “Cái đẹp là cái bổ ích”… Vậy đó, để thai nghén một tác phẩm người viết cũng chỉ vì cái đẹp mang giá trị muôn đời! Thi nhân Việt Nam ra đời cách đây gần 75 năm và tác phẩm đã “đóng triện” từng chân dung thi nhân Việt Nam, đến nay nhìn lại đều mang sức sống và tầm vóc!

Bởi thế, Một thời đại trong thi ca Hoài Thanh hằng xác quyết một niềm tin: “Chưa bao giờ như bây giờ họ cảm thấy tinh thần nòi giống cũng như các thể thơ xưa chỉ biến thiên chứ không bao giờ tiêu diệt”. Đúng vậy, dù cho sao dời vật đổi câu thơ vẫn luôn bám rễ sâu bền và đồng hành với cội nguồn dân tộc.

ĐÌNH QUÂN

(1): Thi nhân Việt Nam - Hoài Thanh - Hoài Chân.



(0) Bình luận
Bài liên quan
Nổi bật
“Ứng dụng khoa học, công nghệ và chuyển đổi số: Động lực phát triển mới cho 3 trụ cột kinh tế Bình Thuận”
BTO-Đây là nội dung hội thảo diễn ra vào chiều 25/4 tại TP. Phan Thiết do UBND tỉnh Bình Thuận và Đại học quốc gia (ĐHQG) Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức. Đồng chí Nguyễn Hoài Anh – Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận và PGS.TS. Vũ Hải Quân - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng, Giám đốc ĐHQG Hồ Chí Minh đồng chủ trì hội thảo.
Đừng bỏ lỡ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Câu thơ bám rễ sâu bền